Ths. Nguyễn Thị Minh Huệ/ Báo DĐDN
—–
Trước năm 2020, nhiều ngành của Việt Nam tăng trưởng tốt, trong đó có ngành thực phẩm – đồ uống. Các ngành đều ăn ra làm nên thì tác động tích cực lên thị trường, ngành nào cũng phát đạt. Ví dụ như du lịch dịch vụ tăng trưởng, du khách hàng triệu lượt, thì thực phẩm – đồ uống bán chạy như tôm tươi theo đúng nghĩa đen của nó.
Hai năm 2020 và 2021 bị đại dịch, du lịch dịch vụ đóng băng, cho nên đồ uống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chưa kể, thực hiện giãn cách, hãng quán đóng cửa suốt nhiều tháng, thì đồ uống không thể bán cho ai. Báo chí có cả những bài viết cho rằng người lượm ve chi không có ve chai để lượm, đó là một câu chuyện không muốn nhắc lại.
Khó khăn của ngành thực phẩm – đồ uống trong thời gian qua không thể kể hết, chỉ nêu ra vài ý chung như trên, còn dưới đây xin bàn chuyện khác. Đó là ngành thực phẩm – đồ uống sẽ làm gì sau khi đại dịch được kiểm soát.
Cộng đồng doanh nghiệp có niềm tin vào sự bật dậy mạnh mẽ như chiếc lò xo bung lên sau khi bị đè nén. Thực tế cũng cho thấy đã có sự hồi phục trở lại của một số ngành, và như đã phân tích trên, sự hồi phục của ngành này sẽ tác động tích cực lên ngành khác.
Riêng ngành đồ uống, con đường để trở lại thị trường cũng sẽ phải thay đổi, cần có nhiều hình thức khuyến mãi để tiếp cận với khách hàng. Nhưng quan trọng hơn là tổ chức các dịch vụ, chăm sóc khách hàng tốt hơn, có những sản phẩm mới để thu hút khách hàng.
Bắt đầu một cuộc chạy đua hậu đại dịch, cần một tư duy mới, sáng tạo mới.
Tui xin giới thiệu bài viết “Cơ hội mới trong những biến cố và sự thay đổi” của Thạc sĩ Nguyễn Thị Minh Huệ đăng trên Diễn đàn Doanh Nghiệp để các bạn tham khảo thêm.
Trần Quí Thanh
—–
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngành thực phẩm – đồ uống Việt Nam sẽ cần phải tập trung tìm hiểu, “đọc trận” thị trường và phát triển các chiến lược kinh doanh cho phù hợp với những thay đổi đó.
Nhiều năm nay, lĩnh vực thực phẩm – đồ uống luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và đầy tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 khiến ngành có nhiều thay đổi.
Thực lực “sức khoẻ” ngành
Trước năm 2020, thị trường ngành thực phẩm – đồ uống Việt Nam liên tục tăng trưởng và được đánh giá đầy tiềm năng. Tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR 2021-2025) là 4,98%. Quy mô thị trường dự kiến đạt 678 triệu USD với lượng người dùng dự kiến sẽ đạt 17,1 triệu vào năm 2025.
Đứng trước đại dịch COVID-19, hoạt động của nhiều doanh nghiệp trong ngành đã và đang đối mặt với bài toán sống còn. Năm 2020, có gần 48% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho rằng, không chịu tác động của đại dịch hoặc mức độ tác động ít, không đáng kể. Tuy nhiên, tác động kéo dài của đại dịch đến doanh nghiệp trong ngành trở nên rõ nét hơn sau đợt bùng phát vào tháng 4/2021, và trở nên nghiêm trọng hơn kể từ tháng 7/2021 với tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động ở mức nghiêm trọng đã lên tới hơn 91%.
Dịch COVID-19 đã phơi bày nhiều điểm yếu của ngành, điển hình là các vấn đề liên quan đến logistics, phân phối. Bởi, hoạt động bán lẻ của ngành diễn ra qua nhiều kênh như truyền thống (General Trade), hiện đại (Modern Trade), nhà hàng (Key account) và chuỗi bán lẻ riêng của từng hãng (nếu có); trong đó, kênh truyền thống chiếm tỷ trọng đa số.
Một khó khăn khác nữa mà doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt chính là việc quản trị nhân sự khi số lượng lao động sử dụng khá lớn, vấn đề đảm bảo an toàn y tế và lao động tại nơi làm việc, phân chia lao động hợp lý. Bên cạnh đó, việc đứt gãy nguồn cung ứng nguyên liệu do không chủ động được nguồn cung…
Đánh giá về thực lực sức khỏe các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, một lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng, quy mô doanh nghiệp trong ngành hiện nay còn khá phân mảnh, tiềm lực tài chính yếu nên khi gặp một cú sốc lớn như COVID-19 họ thường sa vào vòng luẩn quẩn do phải xử lý dòng tiền, cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phí. Và dù trước dịch ngành đang trong quá trình phát triển rực rỡ nhưng hiện chẳng khác gì một “ngôi làng” do thiếu sự quy hoạch đồng bộ và vẫn mạnh ai người đó làm….
Xu hướng tiêu dùng mới
Giống như nhiều quốc gia khác, quyết định tái khởi động nền kinh tế song song với bảo đảm an toàn chống dịch trở thành lựa chọn tất yếu của Việt Nam. Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tiêu dùng nội địa và ứng dụng công nghệ cao là những điểm tựa trong chiến lược phục hồi kinh tế. Theo đó, những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng tác động không nhỏ đến việc định hình thị trường ngành thực phẩm – đồ uống giai đoạn “sống chung an toàn với COVID-19”.
Diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã tác động nghiêm trọng đến đời sống của người lao động. Số liệu Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân của người lao động quý III/2021 thấp hơn đáng kể so với quý II/2020 (giảm 300.000 đồng); trong khi quý II/2020, đã ghi nhận thu nhập bình quân của người lao động là mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Theo Kantar Việt Nam, trước đây người tiêu dùng chọn mua hàng có giá trị phù hợp với giá tiền. Còn nay do thu nhập cắt giảm nên họ chỉ mua những thứ họ thật sự cần. Thực phẩm nhập khẩu và phần lớn nhóm đồ uống ghi nhận mức giảm trong chi tiêu hàng tháng. Một số nhóm sản phẩm có mức tiêu thụ tăng trong ngắn hạn nhưng sẽ giảm khi có miễn dịch cộng đồng bao gồm: thực phẩm đã sơ chế hoặc chế biến sẵn, thực phẩm đông lạnh, thực phẩm tiện lợi, đóng gói…
Thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng có sự thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Tần suất mua hàng tại các kênh truyền thống đang có sự sụt giảm và chuyển đổi mua sắm, sử dụng trực tuyến tăng cao. Ngành hàng thực phẩm đóng gói được tiêu thụ online nhiều nhất với 52%, trong đó các sản phẩm ăn vặt đang tăng trưởng rất tốt vào mùa dịch, chủ yếu được thúc đẩy bởi khối lượng tiêu thụ nhiều hơn. Điều này mang lại cơ hội lớn cho các nhà sản xuất tiếp nối đà tăng trưởng bằng cách tạo ra và nắm bắt các dịp tiêu dùng mới tại nhà.
Các chuyên gia cho rằng, với những bài học kinh nghiệm đúc kết từ khủng hoảng, cộng đồng doanh nghiệp ngành sẽ buộc phải có những thay đổi trong xu hướng vận hành để thích nghi với bối cảnh hiện này cũng như có thể phát triển vững mạnh hơn trong tương lai.
Chiến lược kinh doanh phù hợp
Sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng đã đẩy nhanh quá trình tiến hóa của ngành thực phẩm – đồ uống, đưa các thương hiệu tiến vào cuộc chơi đào thải mạnh mẽ. Lựa chọn cho mình màu sắc sáng hoặc xám tùy vào độ nhạy bén thích ứng thị trường của mỗi doanh nghiệp.
Để đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2021 từ 3% – 3,5% như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì ngoài hai mũi nhọn là tăng cường, kiểm soát đầu tư công và xuất khẩu thì một mũi nhọn rất quan trọng là kích cầu tiêu dùng nội địa với thị trường hấp dẫn 100 triệu dân. Trong ngắn hạn, nhu cầu của người tiêu dùng đối với lĩnh vực này đang trở lại, đặc biệt là cho mùa mua sắm cuối năm 2021 sẽ mang lại một cuộc chơi ngang bằng với các đối thủ khác.
Với độ co giãn về giá ở mức thấp hiện tại, các nhà sản xuất và bán lẻ của ngành nên tận dụng cơ hội vàng này thiết kế lại guồng máy khuyến mãi và giá. Chìa khóa thành công nằm ở việc hiểu được độ nhạy cảm về khuyến mãi của danh mục. Nếu danh mục của bạn đang hoạt động hiệu quả một cách tự nhiên, hãy nhanh chóng hành động để xác định lại mặt bằng giá khuyến mãi tối ưu nhằm tối đa hóa lợi nhuận và giảm mức độ phụ thuộc vào việc khuyến mãi cho danh mục. Nếu một danh mục hoạt động kém hiệu quả, thì khả năng chúng ta dễ nghĩ đến thực hiện càng nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá là rất lớn. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng và giá trị sản phẩm là cách bảo vệ tốt nhất chống lại việc giảm giá ồ ạt.
Bên cạnh đó, thay vì giảm giá, các thương hiệu có thể khám phá các cơ chế khuyến mãi khác như gói khuyến mãi đặc biệt hay gói khuyến mãi đi chung với các ngành hàng liên quan khác hoặc bằng cách tổ chức lại các sản phẩm hiện có để làm nổi bật các thuộc tính đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua sắm.
Song, nếu chỉ dừng lại ở khâu giá cả là chưa đủ, vì người tiêu dùng ngày càng yêu cầu cao về chất lượng phục vụ, hậu mãi và tiện ích trong hành trình mua sắm, tiêu dùng.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú: Kết nối cung – cầu
Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của đời sống buộc doanh nghiệp ngành thực phẩm – đồ uống cũng phải sáng tạo, thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới. Với Nghị quyết số 128/NQ-CP , doanh nghiệp phải thích ứng để tồn tại. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp phải tự đổi mới cách nghĩ, cách làm, từ việc thu hút lại lao động trở lại làm việc một cách lâu dài và gắn bó đến việc đầu tư đổi mới công nghệ tăng năng suất lao động; hạ giá thành nâng cao năng lực cạnh tranh; tham gia liên doanh liên kết; đi đôi với đó là xây dựng thương hiệu tạo niềm tin cho khách hàng. Sản phẩm ngoài xuất khẩu cần quan tâm đến thị trường nội địa. Và cuối cùng phải xây dựng được văn hoá doanh nghiệp bền vững. Trong điều kiện sức mua còn yếu cần có những giải pháp kích cầu tiêu dùng không phải chỉ giảm giá khuyến mại mà còn phải luôn đổi mới mặt hàng, phương thức phục vụ, bán hàng đa kênh, áp dụng công nghệ bán hàng tiên tiến thông qua nền tảng số. Thực hiện việc thu thập nhu cầu luôn biến động của khách, tư duy sáng tạo trong phục vụ, xây dựng đội ngũ nhân lực giỏi nghiệp vụ và đạo đức làm việc tốt. Vai trò người đứng đầu rất quan trọng để chỉ huy thống nhất và quyết đoán, vượt qua những khó khăn hiện nay. Người lãnh đạo hãy cầu thị và với phương châm trong doanh nghiệp là “đi cùng nhau” để phục vụ người tiêu dùng ngày hiệu quả hơn. |
NGUỒN: Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
Link bài: Cơ hội…