Chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip – có cần phải triệt để?

Thuỵ Lê/ Báo TBKTSG

Điện thoại thông minh đang dần thay thế thẻ ATM. Liệu có cần thiết phải triệt để chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip?

Liệu có cần thiết phải triệt để chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, khi mà trong tương lai gần các loại thẻ sẽ không còn tồn tại?

Lộ trình chuyển đổi chậm vì đâu?

Việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip gây xôn xao dư luận những ngày qua, khi nhiều khách hàng lo ngại các thẻ ATM công nghệ từ (thẻ từ) sẽ bị ngừng hỗ trợ và không được chấp nhận trên các điểm giao dịch trên toàn quốc, theo Thông tư 41/2018/TT-NHNN. Các ngân hàng, Chi hội thẻ ngân hàng và các chuyên gia kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét gia hạn thời gian chuyển đổi.

Tuy nhiên, NHNN mới đây đã lên tiếng trấn an, khi ban hành Văn bản 8458/NHNN-TT ngày 30-11-2021, khẳng định không có quy định về việc dừng hoặc từ chối giao dịch thẻ đối với thẻ từ nội địa đang lưu hành (thẻ còn thời hạn sử dụng) do các tổ chức phát hành thẻ tại Việt Nam phát hành. Cũng theo NHNN, Thông tư 19/2016/TT-NHNN, sau đó đã được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 41, chỉ đơn thuần quy định dừng phát hành thẻ từ nội địa sau thời điểm 31-3-2021, không có quy định về việc dừng hoặc từ chối giao dịch thẻ đối với thẻ từ.

Cũng cần nhắc lại rằng tại Thông tư số 41, NHNN yêu cầu đến 31-12-2019 có ít nhất 30% số thẻ có BIN do NHNN cấp đang lưu hành của tổ chức phát hành thẻ phải tuân thủ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa, 35% số lượng máy ATM và 50% số lượng máy POS hiện có chuyển sang công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc. Đến cuối năm 2020, 100% thiết bị chấp nhận thẻ (ATM/POS) đang hoạt động tại Việt Nam và 100% thẻ thanh toán đang lưu hành phải tuân thủ bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa do NHNN ban hành.

Tuy nhiên, thực tế đến nay cho thấy lộ trình chuyển đổi diễn ra khá chậm, khi nhiều khách hàng cũng không mặn mà với việc thay đổi này dù mục tiêu là nhằm tăng lợi ích và bảo mật cho khách hàng. Dịch bệnh kéo dài dẫn đến tình trạng giãn cách xã hội suốt nhiều tháng qua cũng ảnh hưởng không nhỏ lên hoạt động chuyển đổi này, khi nhiều khách hàng ngại đến giao dịch trực tiếp tại các chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng.

Đứng về phía ngân hàng, việc chuyển đổi cũng tiêu tốn chi phí, nguồn lực, không chỉ từ chi phí đổi thẻ mới mà còn là việc thay thế các dòng máy ATM, POS để phù hợp với thẻ chip. Quan điểm của NHNN là khách hàng không phải chịu chi phí chuyển đổi thẻ và các tổ chức phát hành sẽ là bên chịu chi phí phát sinh trong quá trình chuyển đổi thẻ này.

Nhiều dòng máy ATM hiện nay đã cung cấp dịch vụ rút tiền bằng các hình thức phi tiếp xúc như mã QR. Có thể thấy các điện thoại thông minh đang dần thay thế thẻ ATM.

Theo số liệu cập nhật của NHNN đến cuối tháng 9-2021, cả nước có gần 103 triệu thẻ ngân hàng các loại đang lưu hành, có 20.058 máy ATM và 297.955 máy POS. Áp lực chi phí không chỉ đè nặng lên việc chuyển đổi thẻ, mà những dòng máy ATM, POS cũ không có tính năng đọc thẻ chip cũng cần phải thay thế.

Trong khi đó, thống kê của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (NAPAS) tính đến giữa năm nay, tổng số lượng thẻ chip chuyển đổi chỉ mới đạt 18,4 triệu thẻ, tổng số máy ATM và POS chuyển đổi tương ứng đạt hơn 15.500 máy ATM và 170.000 máy POS. Hiện chỉ có bảy ngân hàng hoàn thành 100% công tác chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip theo tiêu chuẩn VCCS theo quy định, gồm: MBB, LienVietPostBank, VietBank, Standard Chartered…

Dù các ngân hàng hiện đều đang gấp rút hoàn thành việc nâng cấp/thay thế hệ thống thẻ, hệ thống máy ATM, POS cũng như lựa chọn phôi thẻ chip phù hợp, nhưng số liệu gần nhất từ các ngân hàng cho thấy, tính đến hết quí 3-2021, trên toàn thị trường, tỷ lệ chuyển đổi sang thẻ chip nội địa đạt khoảng 25% và tỷ lệ chuyển đổi thiết bị chấp nhận thẻ chip (ATM/POS) đạt khoảng 90%.

Tỷ lệ chuyển đổi thẻ chip chậm là có thể hiểu được, khi theo đại diện của các ngân hàng ở Việt Nam, tốn kém lớn nhất trong việc chuyển đổi thẻ là chi phí làm phôi thẻ, với giá phôi làm thẻ chip đắt gấp 20-30 lần so với giá phôi làm thẻ từ. Cụ thể, chi phí phôi làm thẻ từ chỉ tốn 1.000-2.000 đồng/thẻ, trong khi chi phí phôi làm phôi thẻ chip lên đến 20.000-30.000 đồng/thẻ. Theo đó, chi phí chuyển đổi tại một số ngân hàng có thị phần thẻ lớn có thể lên đến hàng trăm tỉ đồng.

Đón đầu công nghệ thay thế

Với gánh nặng chi phí chuyển đổi, không phải ngân hàng nào cũng có thể đáp ứng mục tiêu chuyển đổi nhanh chóng từ thẻ từ sang thẻ chip. Nhất là khi, về phía các khách hàng cũng không quá hưởng ứng, và hiện nay đã có nhiều công nghệ, hình thức thanh toán dần thay thế cho loại hình thẻ ngân hàng vốn vẫn đang sử dụng công nghệ tiếp xúc vật lý mà được dự báo sẽ sớm trở nên lỗi thời.

Trong bối cảnh đang có nhiều công nghệ thanh toán phi tiền mặt mới, đồng thời xét đến mục tiêu của Đề án thanh toán không dùng tiền mặt mà Chính phủ và NHNN đặt ra, các ngân hàng hiện nay chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển các dịch vụ Ebanking, ngân hàng số hay liên kết ví điện tử… vốn mang lại nhiều tiện lợi về chi phí và thời gian hơn. Đã qua lâu rồi cái thời mà các ngân hàng cạnh tranh nhau quyết liệt để mở tài khoản thẻ cho khách hàng và tranh giành thị phần thẻ.

Giờ đây, với công nghệ mở tài khoản và xác thực trực tuyến (eKYC), các ngân hàng dễ dàng vươn hoạt động tới khắp mọi nơi, ngay cả những địa bàn mà ngân hàng chưa mở chi nhánh hay phòng giao dịch. Chỉ cần mở tài khoản thanh toán trực tuyến thành công, khách hàng có thể nạp tiền vào tài khoản để sử dụng các tiện ích trên nền tảng Ebanking, hoặc liên kết ví điện tử, sử dụng các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán các giao dịch trực tuyến, nên nhu cầu rút tiền mặt đang tiếp tục giảm đáng kể.

Thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới, xã hội tiền mặt đã bị thay thế tương đối triệt để, theo đó hệ thống máy ATM của các ngân hàng cũng không còn quá cần thiết, thể hiện qua số lượng máy ATM tại nhiều quốc gia liên tục giảm trong những năm gần đây. Với chi phí vận hành máy ATM ngày càng lớn, trong khi hiệu suất sử dụng ngày càng suy giảm, dễ hiểu vì sao nhiều ngân hàng trên toàn cầu đang chuyển dịch mô hình kinh doanh sang hình thức trực tuyến nhiều hơn.

Trong khi đó, nhiều dòng máy ATM hiện nay đã cung cấp dịch vụ rút tiền bằng các hình thức phi tiếp xúc như mã QR, công nghệ chuẩn kết nối không dây trong phạm vi tầm ngắn (NFC – Near Field Communications) trên điện thoại thông minh cho phép thanh toán/rút tiền không tiếp xúc. Có thể thấy các điện thoại thông minh đang dần thay thế thẻ ATM. Liệu có cần thiết phải triệt để chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, khi mà trong tương lai gần các loại thẻ sẽ không còn tồn tại, làm lãng phí nguồn lực chuyển đổi hiện nay cũng như không đón đầu được xu thế tương lai?

Thực tế khách hàng ở Mỹ đã có thể sử dụng chiếc điện thoại thông minh để thực hiện giao dịch ở máy ATM, thay vì sử dụng những chiếc thẻ ngân hàng như trước đây. JPMorgan Chase – ngân hàng có nhiều máy rút tiền nhất nước Mỹ đã tiến hành kích hoạt công nghệ này tại 200 điểm rút tiền ở bốn thành phố để tiến hành thử nghiệm. Ngoài ra, 6.000 điểm rút tiền khác cũng đã được nâng cấp và sẵn sàng áp dụng công nghệ này để phục vụ khách hàng.

Tại Việt Nam hiện nay, nhiều ngân hàng cũng đã triển khai giải pháp rút tiền bằng mã QR mà không cần dùng thẻ ATM, tuy chỉ thực hiện được tại máy ATM cùng hệ thống, không rút được ở ATM khác ngân hàng. Có thể kể đến như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Sacombank, Techcombank, ACB, VPBank, TPBank, MBBank, Agribank…

NGUỒN:  Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn

Link bài: Chuyển đổi…

https://thesaigontimes.vn/chuyen-doi-the-tu-sang-the-chip-co-can-phai-triet-de/

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *