Thuyết phục được bố cho đi du học là một trong những dấu mốc quan trọng với Trần Uyên Phương.
Thời gian học tập tại Singapore, Trần Uyên Phương từng làm tiếp thị bia tại các quán ăn để kiếm tiền tiêu vặt.Công việc từ 5h tối đến 11h khuya và nhiệm vụ là đón khách, mời khách mua thật nhiều bia. Uyên Phương khi đó nhận ra mình có duyên với công việc này khi phần lớn thu nhập là tiền hoa hồng từ lượng bia bán được cho khách.
Tốt nghiệp ở Singapore, Uyên Phương đứng giữa hai lựa chọn gây dựng sự nghiệp tại một tập đoàn đa quốc gia hay trở về Việt Nam, làm việc tại công ty gia đình với vị trí thấp nhất là nhân viên bình thường.
Dưới đây là đoạn trích trong cuốn “Vượt lên người khổng lồ, viết về thời gian Uyên Phương sinh sống học tập tại Singapore và lựa chọn mang tính bước ngoặt của cô.
—
Khi qua Singapore, tôi như được khai sáng. Thời gian đầu sống và học tập tại đó là trải nghiệm khó khăn, bởi tôi thậm chí chưa từng ra khỏi nhà vào đêm khuya. Nhưng khi đó, tôi thật sự thích thú với trang mới trong cuộc đời mình và hào hứng đón nhận những thử thách mới của cuộc sống. Và tôi cũng không quên những bài học ba đã dạy.
Một lần, tôi đã thử áp dụng tinh thần “không gì là không thể” của ông. Đó là năm 2000, thời điểm bắt đầu thiên niên kỷ mới, nhưng sinh viên vẫn không được truy cập Internet cá nhân. Hoặc là họ phải đến điểm truy cập chung tại nhà trường hoặc trả tiền để sử dụng Internet tại các quán cà phê đang mọc lên khắp thành phố.
Tôi thực sự muốn có đường Internet riêng của mình. Chủ nhà trọ chỗ tôi ở phản đối kịch liệt và gây khó khăn cho tôi. Nhưng tôi không bỏ cuộc. Tôi đến bưu điện và đăng ký sử dụng dịch vụ Internet. Tôi chuẩn bị và nộp toàn bộ giấy tờ theo yêu cầu.
Chỉ là một sinh viên đại học nhưng tôi nhận ra rằng công chức Singapore luôn thực hiện theo đúng từng chữ trong các quy tắc. Điều đó có thể khiến bạn bực mình, nhưng với người dân đã hiểu rõ hệ thống luật pháp ở đây, họ có cách để đạt được điều họ muốn. Ba ngày sau, tôi có thể sử dụng Internet tại phòng của mình.
Sinh sống, học tập tại Singapore đã giúp tôi mở mang tầm mắt. Tôi nhận ra sự khác biệt trong tư duy giữa tôi và con người nơi đây. Tôi phát hiện thế giới này rộng hơn và phức tạp hơn sức tưởng tượng của mình.
Lần đầu tiên, tôi được chứng kiến tận mắt quá trình toàn cầu hóa. Singapore thực sự là một bến cảng trung tâm cho công dân và thương mại quốc tế. Tôi nhìn thấy những cơ hội và nhận thấy mình còn nhiều điều phải học hỏi. Tôi học chăm chỉ gấp đôi để hoàn thành chương trình. Với luận văn tốt nghiệp, tôi chọn đề tài về Heineken, công ty bia có trụ sở tại Hà Lan. Nghiên cứu đó thật sự vô giá bởi tôi được tìm hiểu tường tận cách một tập đoàn đa quốc gia phát triển các dự án và quản lý các thương hiệu của mình.
Trong thời gian này, tôi còn đi làm tiếp thị bia tại các quán ăn để kiếm tiền tiêu vặt. Nhiệm vụ của tôi là đón khách và mời các vị khách sộp mua thật nhiều bia. Tôi làm việc từ 5h tối đến 11h khuya.
Tôi có một khoản tiền lương cố định nho nhỏ, nhưng phần lớn thu nhập là tiền hoa hồng dựa trên lượng bia bán được cho khách. Tôi sớm nhận thấy mình có duyên với công việc này, thân thiện với khách hàng nhưng không vượt qua ranh giới – hoặc khiến người khác hiểu sai về mình.
Cơ hội tiếp xúc với cách tổ chức của Heineken khiến tôi đắn đo liệu mình nên gia nhập một tập đoàn đa quốc gia hay trở về Việt Nam để gia nhập THP. Khi đó tôi 22 tuổi và phải quyết định hướng đi cuộc đời mình. Tôi nên ở lại Singapore và gây dựng sự nghiệp trong một tập đoàn đa quốc gia? Hay nên trở về Việt Nam?
Tôi hiểu rằng thuận lợi lớn nhất nếu không làm trong doanh nghiệp của gia đình là tôi có khả năng tự chịu trách nhiệm về thành công hay thất bại của mình. Các mối quan hệ gia đình cũng sẽ không giúp ích hay bảo vệ tôi. Tôi phải tự tìm kiếm sự tôn trọng từ các đồng nghiệp, chứ không phải thứ mọi người miễn cưỡng dành cho tôi vì tôi có liên quan đến ông chủ. Ngoài ra, nếu làm việc cho một doanh nghiệp lớn, tôi có thể đối chiếu, so sánh cấu trúc và cách thức hoạt động của một tổ chức lớn với một doanh nghiệp gia đình.
Nhưng mọi thứ đều có hai mặt. Tôi biết mình phải làm việc ít nhất một vài năm để có thể được giao trọng trách quản lý. Sự nghiệp của tôi có thể trật bánh vào bất kì lúc nào trong trường hợp chính sách công ty thay đổi, doanh nghiệp sát nhập, phá sản hoặc các vấn đề về tài chính phát sinh ngoài khả năng kiểm soát của tôi.
Với THP và ba mẹ mình, tôi luôn muốn chứng minh khả năng của mình cho họ thấy. Sau nhiều lần trao đổi với ba, ông nói rằng tôi phải tự quyết định cuộc đời mình. Ông cũng thừa nhận, THP không phải là một môi trường làm việc dễ dàng với bất kì nhân viên nào, huống chi là với một thành viên trong gia đình. Ông chấp nhận khi người khác nói ông là một lãnh đạo khó tính.
Sau đó, ông ấy nói với tôi về một cơ hội mở ra cánh cửa đầy thách thức nhưng cũng rất thú vị cho tôi tại THP. Ông sắp sửa chuyển từ quản lý bằng sổ sách sang quản lý bằng kỹ thuật số thông qua việc triển khai hệ thống ERP.
Ông nói rằng đó sẽ là bước đi liều lĩnh của doanh nghiệp và là sự kiện sẽ làm phơi bày trước mắt tôi mọi ngóc ngách của tổ chức. Tôi biết rằng sẽ mất nhiều năm nữa trước khi tôi có cơ hội tương tự ở nơi nào đó khác. Vì vậy, tôi chấp nhận công việc với tư cách là một trợ lý cho giám đốc tiếp thị.
Giai đoạn tiếp theo trong hành trình của tôi tại THP đã bắt đầu. Tôi từng sống ở THP khi còn là một đứa trẻ và bây giờ tôi trở thành một nhân viên, sau đó là quản lý và hiện nay là giám đốc phụ trách truyền thông và mua hàng. Kể từ đó, tôi luôn phấn đấu để trở thành người nối nghiệp xứng đáng của ba mẹ tôi bằng cách học để trở thành một nhà quản lý, đồng thời sống và chia sẻ các giá trị cốt lõi của THP. Đó là một công việc không bao giờ ngừng lại.