Hà Minh/ Zing News
Gia đình tôi đã hình thành thói quen mua sắm online kể từ dịch bệnh. Vừa tiện lợi, vừa an toàn.
Trong cuộc sống bình thường mới, nhiều người vẫn đi chợ online vì còn lo lắng dịch bệnh phức tạp.
Chỉ hơn nửa năm trước, mọi hoạt động sinh hoạt bị xáo trộn khi cả nước bước vào đợt giãn cách xã hội kéo dài, trong đó vấn đề nhức nhối hàng đầu là việc đi chợ mua sắm thực phẩm. Đi chợ online được xem là giải pháp quan trọng, giúp người dân tuân thủ chỉ thị “ai ở đâu ở yên đó” mà vẫn có thể mua sắm hàng hóa tươi ngon từ những thương hiệu uy tín cho cả gia đình.
Ngay cả khi cuộc sống bình thường mới được tái thiết lập, không ít người vẫn duy trì thói quen đi chợ online. Hình thức mua sắm này không còn là giải pháp tạm thời, mà đã trở thành thói quen của người dân khi có nhu cầu mua hàng hóa thiết yếu.
Thói quen được xây dựng mùa giãn cách
Quỳnh Anh (28 tuổi, Hà Nội) vào TP.HCM thuê trọ một mình để lập nghiệp. Khi thành phố thực hiện giãn cách xã hội, người dân phải có phiếu đi chợ mới được ra ngoài mua sắm, Quỳnh Anh quyết định mày mò sử dụng app để đặt thực phẩm. Tính tiện lợi, an toàn của việc đi chợ online đã “níu chân” cô duy trì thói quen này ngay cả khi thành phố mở cửa trở lại.
“Đợt giãn cách, nếu không có chợ online, quả thực tôi không biết mình sẽ ăn uống như thế nào vì không mua được thực phẩm. Cứ 9h sáng tôi sẽ mở app đặt mua đồ đủ ăn trong 3 ngày, thường tôi chọn một cửa hàng bán thịt cá và một gian bán rau củ, trái cây. Đến nay, tôi vẫn tiếp tục đặt mua tại hai cửa hàng ‘ruột’ đó vì tin tưởng vào chất lượng thực phẩm”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Thành Nam (25 tuổi, Bến Tre) cũng làm việc tại TP.HCM lại đánh giá cao tính niêm yết giá rõ ràng, thao tác nhanh gọn của phương thức đi chợ thời công nghệ. Tự nhận mình lóng ngóng chuyện mua sắm, Nam chỉ biết đi siêu thị vì không quen trả giá.
“Tôi sợ đi chợ truyền thống vì không biết mặc cả, lên mạng xã hội mua sắm lại phải inbox hỏi giá, vậy nên đi siêu thị cho lành. Nhưng kể từ khi khám phá ra cách đi chợ online, tôi thấy tiện hơn nhiều vì mình biết giá ngay lập tức, cách chọn hàng và thanh toán qua thẻ nhanh chóng như siêu thị, lại không mất thời gian di chuyển, chờ đợi xếp hàng”, Nam phân tích.
An toàn là trên hết
Chị Lan Hà (35 tuổi, Hà Nội) tin rằng đi chợ online là giải pháp vừa an toàn, vừa tiện lợi cho dân công sở, nhất là trong bối cảnh dịch còn diễn biến phức tạp như hiện nay. “Vì gia đình có cả ông bà lẫn con nhỏ nên tôi luôn cố gắng giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh bằng cách hạn chế đến nơi đông người. Trước kia, sáng nào tôi cũng dậy sớm đi chợ mua đồ ăn cho cả ngày, nhưng giờ tôi chuyển sang đặt mua thực phẩm trên app vào cuối giờ chiều. Cách này vừa tiết kiệm thời gian, vừa giúp tôi tránh nơi đông người để bảo vệ sức khỏe cho gia đình”, bà mẹ hai con nhận định.
Nguồn hàng online đa dạng
Theo báo cáo nghiên cứu SYNC Đông Nam Á do Facebook và Bain & Company thực hiện, năm 2021, số danh mục hàng hóa người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến tăng 50%, số gian hàng online được mua cũng tăng 40%.
Sự gia tăng số lượng cửa hàng online tỷ lệ thuận với nguồn hàng và tính đa dạng sản phẩm. Trên ứng dụng đi chợ, ngày càng nhiều thương hiệu uy tín nắm bắt thị hiếu, cung cấp thực phẩm tươi sống để mang lại trải nghiệm mua sắm an toàn, tiện lợi cho người dùng số.
Theo anh Võ Thanh Lộc – Co-founder, Giám đốc Marketing Farmers’ Market, chuỗi cửa hàng của anh đang hợp tác với nhiều nông trại ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và cả vùng canh tác gần TP.HCM. Nhờ đó, doanh nghiệp này có thể cung cấp nguồn rau củ quả hữu cơ đa dạng từ rau ôn đới, rau nhiệt đới, rau ăn lá… đến người dùng.
“Từ sau đại dịch, doanh thu bán online của hệ thống tăng trưởng 30%. Con số này cho thấy sự hài lòng của người dùng khi đi chợ online vừa tiện lợi, vừa bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch. Với những dịch vụ đi chợ hộ như GrabMart, người dùng còn dễ so sánh giá cả, được giao hàng nhanh trong một giờ và thường xuyên nhận ưu đãi giảm giá giúp tiết kiệm chi phí. Từ góc độ nhà bán, chúng tôi cũng được hưởng lợi khi Grab có sẵn tệp người dùng và các chương trình quảng bá tốt, giúp đối tác tiếp cận nhanh chóng tới khách hàng tiềm năng”, anh Lộc cho hay.
Theo báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á do Google, Temasek và Bain & Company nghiên cứu năm 2021, Việt Nam là một trong những thị trường thương mại điện tử năng động với số người dùng mới chiếm đến 41% khu vực, có tới 94% số người dùng mới định tiếp tục sử dụng các dịch vụ online kể cả sau đại dịch. Khi cả nước đang nỗ lực phục hồi sản xuất – kinh doanh và giao thương hàng hóa, dịch vụ đi chợ online sẽ càng phát huy tác dụng trong vai trò là cầu nối an toàn giữa người tiêu dùng với nhà cung ứng.
Nguồn: https://zingnews.vn/3-ly-do-nguoi-tieu-dung-van-di-cho-online-hau-dich-post1301368.html