Chính sách gia hạn tiền thuế sẽ sớm được ban hành

Mạnh Bôn / Đầu tư online


Hai nghị định về gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất được xây dựng theo quy trình rút gọn nên sẽ sớm được ban hành, nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế)

Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng, để đơn giản, dễ thực hiện và rút ngắn thời gian nghiên cứu, xây dựng và đi vào triển khai thì chỉ cần ban hành một nghị định, thay vì 2 nghị định?

Đối tượng gia hạn thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuê mặt nước rất rộng, hầu hết các ngành, lĩnh vực, tổ chức và cá nhân phải nộp thuế đều được gia hạn. Trong khi đó, đối tượng gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước lại vô cùng hẹp. Như năm 2021, chỉ có 10 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt (tháng 10 và 11) với tổng số tiền 5.448 tỷ đồng, chỉ bằng số lẻ so với số tiền gia hạn các loại thuế khác, nên vẫn cần thiết phải tách làm 2 nghị định.

Việc xây dựng 2 nghị định cũng không mất nhiều thời gian hơn so với xây dựng một nghị định, vì Bộ Tài chính đồng thời xây dựng cả 2 nghị định, có thể đồng thời trình Chính phủ cả 2 nghị định cùng một thời điểm. Tách làm 2 nghị định để cơ quan quản lý thuế thuận tiện trong việc theo dõi, tổng hợp, phân tích, đánh giá và báo cáo các cấp có thẩm quyền để đưa ra các chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn.

Hơn nữa, 2 nghị định này được xây dựng và ban hành theo quy trình rút gọn, đồng thời sẽ quy định cụ thể, chi tiết, kể cả mẫu biểu đơn đề nghị gia hạn ngay trong nghị định, nên sau khi Chính phủ ban hành, có thể triển khai ngay mà không cần phải chờ thông tư hướng dẫn nên không mất thời gian.

Tất cả các sắc thuế và tiền gia hạn đều phải hoàn trả vào ngân sách nhà nước trước ngày 31/12/2022, nên có ý kiến cho rằng, chưa thực sự hỗ trợ người nộp thuế vì trong bối cảnh hiện nay, sớm nhất cũng phải đến hết quý II/2023 thì doanh nghiệp mới bớt khó khăn, thưa ông?

Luật Quản lý thuế đã quy định, việc gia hạn nộp thuế không dẫn đến điều chỉnh dự toán thu ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định. Vì vậy, trong thẩm quyền của mình, Chính phủ chỉ có thể gia hạn tiền thuế trong năm ngân sách, nếu muốn kéo dài hơn thì phải trình Quốc hội sẽ mất rất nhiều thời gian, vì Quốc hội mỗi năm chỉ họp 2 lần. Như vậy, thời gian gia hạn chỉ trong năm ngân sách, hết thời gian gia hạn, người nộp thuế phải nộp đủ số tiền gia hạn vào ngân sách chính là nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Trường hợp hết thời gian gia hạn, hoạt động sản xuất, kinh doanh còn khó khăn, căn cứ vào tình hình thực tế của từng ngành hàng, lĩnh vực, Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành nghị định khác để tiếp tục gia hạn.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, chính sách gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất đã được thực hiện trong năm 2020 và 2021, việc triển khai hầu như không gặp vướng mắc. Hết thời gian gia hạn, tuyệt đại đa số người nộp thuế, dù chưa qua khó khăn, nhưng đều nộp đủ số tiền được gia hạn vào ngân sách.

Trên thực tế có không ít trường hợp người nộp thuế không biết được gia hạn nên không gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và đã không được hưởng chính sách này. Thưa ông, đây là chính sách tác động đến hầu hết người nộp thuế, vì sao cơ quan thuế không tự động gia hạn?

Kể từ tháng 7/2007 đến nay, người nộp thuế đã được quyền tự khai thuế, tự tính thuế, tự xác định nghĩa vụ thuế và tự nộp thuế, nên bất cứ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp nào dù chỉ sản xuất, kinh doanh một vài lĩnh vực, hay kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực, địa bàn, thì hàng tháng, hàng quý cũng đều biết được nghĩa vụ của mình với ngân sách nhà nước. Nếu doanh nghiệp nào cố tình “quên”, cuối năm (chậm nhất là 31/3 năm sau) khi quyết toán, không những phải nộp đủ số thuế còn thiếu, mà còn phải nộp tiền chậm nộp. Vì vậy, không có chuyện người nộp thuế không biết chính sách gia hạn nộp thuế.

Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, dự thảo nghị định quy định chỉ phải gửi (trực tiếp, qua bưu điện hoặc bằng phương thức điện tử) Giấy đề nghị gia hạn đã được ban hành mẫu sẵn có ngay trong nghị định, đến cơ quan thuế một lần cho tất cả các loại thuế và tiền thuê đất, thuê mặt nước (nếu có) cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế, nhưng chậm nhất là ngày 30/7/2022. Người nộp thuế tự xác định các loại thuế được gia hạn, cơ quan thuế không thông báo lại về việc chấp nhận gia hạn hay không, mà cứ nhận được đơn là tự động gia hạn vì người nộp thuế phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về nội dung trong đơn.

Như vậy, một doanh nghiệp có thể được gia hạn nhiều loại thuế và tiền thuê đất. Vấn đề phát sinh là hết thời gian gia hạn, áp lực nộp tất cả các loại thuế rất lớn?

Tôi không thấy có áp lực gì ở đây. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, trên cơ sở kết quả của năm trước và căn cứ vào tình hình thực tế sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp tự xác định số thuế phải nộp và tạm nộp thuế khi hết quý. Như vậy, đáng ra phải nộp ngay, bây giờ Nhà nước cho doanh nghiệp giữ lại tiền thuế không phải trả lãi để quay vòng vốn.

Thuế GTGT và tiêu thụ đặc biệt do người tiêu dùng nộp ngân sách, doanh nghiệp chỉ thu hộ và nộp hộ. Đáng ra, sau khi thu hộ thì hàng tháng hoặc hàng quý phải nộp ngay vào ngân sách, thì Nhà nước cho doanh nghiệp “mượn đỡ” không phải trả một đồng lãi, cũng không phải làm bất cứ giấy tờ, thủ tục, thế chấp, bảo lãnh như đi vay ngân hàng. Đã đi vay, lại vay không lãi, thì đến hạn phải trả nợ là lẽ đương nhiên.

Nguồn: https://baodautu.vn/chinh-sach-gia-han-tien-thue-se-som-duoc-ban-hanh-d163316.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *