Thảo Phương / Zing News
Trung Quốc đã phong tỏa hơn 20 thành phố, chiếm khoảng 40% GDP đất nước. Giới quan sát cảnh báo điều này có thể tạo ra “cơn bão hậu cần” như hồi năm 2020 và 2021.
Theo ông Richard Martin, Giám đốc điều hành tại IMA Asia, các chuyến hàng đang bị mắc kẹt ở Trung Quốc do những lệnh phong tỏa mới. Ông cho rằng điều này có thể là vấn đề lớn với nền kinh tế toàn cầu.
“Những sản phẩm mà chúng ta sử dụng trên khắp thế giới được sản xuất, hoặc có thành phần được sản xuất ở Trung Quốc. Chúng ta đang chuẩn bị chứng kiến ‘cơn bão hậu cần’ có thể nhấn chìm mọi thứ như hồi năm 2020 và 2021”, CNBC dẫn lời ông Martin cảnh báo.
“Trung Quốc chiếm 20% nhu cầu toàn cầu, nhưng vai trò của họ trong chuỗi cung ứng còn lớn hơn thế nhiều”, ông nói thêm.
Cơn bão hậu cần
Từ những tháng đầu của đại dịch, nền kinh tế toàn cầu đã vật lộn với các thách thức trong chuỗi cung ứng. Nguyên nhân là dịch vụ hậu cần bị gián đoạn, những đợt bùng phát ở châu Á đe dọa dòng chảy hàng hóa.
Việc Nga đổ quân vào Ukraine hồi cuối tháng 2 càng làm tình hình trở nên tồi tệ.
“Triển vọng của kinh tế toàn cầu ngày càng u ám. Châu Âu ở ngay gần xung đột, Mỹ chuẩn bị nâng lãi suất, còn Trung Quốc đang tự làm giảm tốc tăng trưởng kinh tế”, ông Martin phân tích.
Trong vài tuần qua, Trung Quốc đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ thời kỳ đầu của đại dịch hồi năm 2020. “Kinh tế Trung Quốc hiện rất dễ tổn thương”, ông Rob Subbarama – nhà kinh tế trưởng tại Research for Asia ex-Japan thuộc Nomura – bình luận.
“Các khu vực bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn có thể chiếm tới 40% GDP Trung Quốc”, ông trích dẫn cuộc khảo sát của Nomura.
Thành phố Thượng Hải là một trong những nơi chịu tác động nặng nề nhất. Thành phố 26 triệu dân bị phong tỏa trong vòng 2 tuần và chỉ vừa mới được nới lỏng các quy định.
Tỉnh Cát Lâm – nơi đặt trụ sở của nhiều nhà máy ôtô – cũng chịu ảnh hưởng nặng nề ngay cả khi số ca nhiễm mới đã bắt đầu giảm đi.
“Các lệnh phong tỏa tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu từ nhiều góc độ, từ nhà máy ngừng hoạt động, hoạt động tại cảng gián đoạn và tình trạng thiếu xe tải”, Giám đốc điều hành Freightos Zvi Schreiber nhận định. Áp lực lạm phát cũng gia tăng với các hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc.
Giá cước hàng không cũng tăng cao. Tất cả chuyến bay đến Thượng Hải – một trong những sân bay đông đúc nhất thế giới – đã bị hủy bỏ. Theo ông Zvi Schreiber, giá cước vận tải hàng không từ Thượng Hải tới Bắc Âu và ngược lại đã tăng 43% so với mức trước đợt bùng dịch.
Triển vọng mờ mịt
Việc đóng cửa các nhà máy tại Thượng Hải và những thành phố lân cận cũng có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng điện tử và ôtô. “Vấn đề của Bắc Kinh là có rất nhiều cơ sở sản xuất trên toàn quốc”, ông Martin nhận định.
“Với mức độ nghiêm trọng hiện nay của đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc, chuỗi cung ứng hàng điện tử và ôtô sẽ bị gián đoạn đáng kể do các nhà cung cấp ngừng hoạt động trong 7-10 ngày tới”, bà Julie Gerdeman – Giám đốc điều hành của công ty phân tích chuỗi cung ứng Everstream – cảnh báo.
Theo ông Subbarama, tình trạng gián đoạn nguồn cung đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. “Chúng tôi cho rằng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã lao dốc không phanh trong tháng 3. Nền kinh tế đang suy yếu và cần nhiều chính sách kích thích hơn nữa”, ông nói thêm.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) một cách nghiêm ngặt. Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi chiến lược này ngay cả khi hầu hết nước trên thế giới chuyển sang sống chung với virus.
Theo ông Martin, với những biện pháp mạnh tay hiện tại, Trung Quốc có thể đối phó với làn sóng Omicron mới. “Nhưng Bắc Kinh sẽ phải trả giá bằng suy thoái kinh tế”, ông cảnh báo.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng năm 2022 của Trung Quốc xuống còn 5%, giảm mạnh so với mức 8,1% của năm ngoái và thấp hơn mục tiêu 5,5% của chính phủ.
“Việc tiếp tục theo đuổi các chính sách Zero-Covid sẽ gây tổn hại hoạt động kinh tế của Trung Quốc, đồng thời tác động lan tỏa đến phần còn lại của khu vực”, WB nhận định trong báo cáo.
Goldman Sachs dự báo kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,5% trong năm nay, thấp hơn 1 điểm phần trăm so với mục tiêu của Bắc Kinh. Ngân hàng chỉ ra các đợt bùng dịch và việc phong tỏa Thượng Hải đang “đè nặng” lên những hoạt động kinh tế.