Minh Huệ / Dân Việt
Chia sẻ với Dân Việt nhân ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát, cho biết cuộc sống của mình đã được sắp xếp theo hướng luôn ưu tiên công việc lên trên và đạt được mục tiêu. Đó là một cuộc sống đơn giản, nhưng sẽ phải lựa chọn. “Khi mình đã chọn thì hình vuông sẽ không bao giờ tròn được, phải có góc cạnh, mà góc cạnh cứa là phải đau”.
Uyên Phương đánh giá thế nào về vai trò của phụ nữ ngày nay trong xã hội, đặc biệt là những phụ nữ đã vượt qua nhiều định kiến để thành đạt?
Nói về những người phụ nữ đi làm, lời đầu tiên tôi muốn nói đó là lời cám ơn đến đấng mày râu đã hỗ trợ để phụ nữ bước ra ngoài xã hội. Họ là những người đã thấu hiểu và tạo điều kiện cho người bạn đời có cơ hội được tỏa sáng, tham gia vào các hoạt động xã hội.
Với tôi, người đầu tiên cám ơn chính là bố (ông Trần Quí Thanh – pv). Bố là người sinh ra trong giai đoạn xã hội có nhiều định kiến, nặng quan điểm “trọng nam, khinh nữ” nhưng lại khá thoải mái trong việc tạo điều kiện cho phụ nữ được đóng góp, cống hiến. Đấy là lý do khi gia đình có 2 cô con gái và 1 em trai nhưng bố lại cho cơ hội công bằng như nhau.
Được người đàn ông hỗ trợ là một sự may mắn, nhưng nhiều người phụ nữ lại không nhận được sự thông cảm của chồng nhưng vẫn cố gắng vươn lên và thành đạt. Uyên Phương nghĩ sao về những người phụ nữ này?
Tôi nghĩ rằng khi không nhận được sự ủng hộ nhưng những người phụ nữ này vẫn làm được điều mà nhiều người không làm được thì đó là người rất mạnh mẽ.
Thật ra, với văn hoá của Việt Nam, sự ủng hộ của người đàn ông đối với phụ nữ thường chỉ đến từ sự im lặng hoặc hậm hực. Thậm chí, trong xã hội vẫn còn định kiến về một người phụ nữ làm quản lý thường là ghê gớm lắm. Cho nên khi người đàn ông có suy nghĩ thoáng hơn hay bằng lòng (thậm chí là bằng mặt) thì đó cũng đã là một sự tiến bộ rồi.
Chúng ta nên hiểu đó là một hình thức ủng hộ, vì nếu căng thẳng lại tạo nên sự đổ vỡ và mâu thuẫn không cần thiết, dẫn đến phải đưa ra sự lựa chọn một trong hai.
Theo Uyên Phương, phụ nữ làm kinh doanh có vất vả hơn nam giới không?
Có nhiều yếu tố mà phụ nữ thường xuyên nghĩ và hay cho phép mình được yếu đuối và nhỏ bé. Ví dụ như về mặt thể trạng. Thực tế, trên đoạn đường ngắn phụ nữ khó bứt phá, nhưng nếu là đường dài, họ lại có sức bền hơn. Tôi thường hay tập trung vào việc khai thác điểm mạnh, vì nếu nghĩ nhiều điểm yếu sẽ làm mất sức mạnh và kết quả đạt được sẽ không như mong muốn.
Trên thực tế, trong kinh doanh, phụ nữ thường khó khăn hơn đàn ông vì có những nhiệm vụ gần như là bắt buộc, ví như thiên chức làm mẹ.
Để làm mẹ “lạnh lùng” đó là năng lực, bởi muốn con trưởng thành, người mẹ phải “đẩy” con ra ngoài xã hội để trưởng thành, để nhìn thấy con mình vấp ngã. Đối với đàn ông, việc này sẽ dễ dàng hơn, nhưng với phụ nữ đây là điều khiến họ đau “xét ruột, xé gan”.
Rồi khi công việc buộc phải tập trung toàn thời gian thì lại nghe con ốm, người phụ nữ thường khó khăn khi đưa ra quyết định hay giải quyết vấn đề này hơn đàn ông. Đây chỉ là một tình huống bình thường nhất khi người phụ nữ vừa đi làm vừa quán xuyến gia đình.
Hay khi làm việc trong môi trường nam giới chiếm đa số như tôi, khi bước vào phòng họp đã thấy mình yếu thế (cười). Nhưng nếu tiếp tục suy nghĩ theo chiều hướng ấy thì sẽ không làm được gì cả, mà phải tìm sự khác biệt để khai thác lợi thế.
Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam ngày càng đánh giá cao vai trò của người phụ nữ và tạo rất nhiều cơ hội cho phụ nữ phát triển. Đó là sự tiến bộ vượt bậc. Chính những người đi trước đã truyền lửa cho các bạn trẻ sau này và phụ nữ cũng cảm nhận được vai trò cống hiến cho xã hội chứ không chỉ là làm vợ với những công việc nội trợ.
Nếu đơn thuần người phụ nữ chỉ làm công việc nội trợ, họ buộc phải cập nhật kiến thức để làm bạn đồng hành với chồng, cũng như thách thức về việc nuôi dạy con. Nhưng nếu họ ra xã hội, vai trò của phụ nữ sẽ bình đẳng hơn. Vì vậy, nếu có vất vả một chút, phụ nữ vẫn lựa chọn được ra xã hội.
Theo Uyên Phương, phụ nữ làm quản lý khó hay người mẹ khó?
Theo tôi, đây là hai vai đòi hỏi 2 mục tiêu rất khác nhau và cái nào cũng khó.
Trong vai người mẹ, người phụ nữ thường hay phải đấu tranh với việc bao bọc, dỗ dành con cái và dạy cho con trở thành một người độc lập. Để nuôi dạy một đứa bé nên người đòi hỏi rất nhiều yếu tố, mà một trong những yếu tố quan trọng là phụ nữ cần kiểm soát được cảm xúc để có thể dạy được cho con là vấn đề này là đúng hay sai. Điều này với nam giới thì dễ dàng hơn, nhưng với phụ nữ, khi con cái trở nên độc lập họ lại “đau đớn” chấp nhận sự thật con mình đã trưởng thành, không còn là cô bé hay cậu bé bé bỏng ngày nào. Còn nếu không chấp nhận được điều đó và cuốn theo cảm xúc của người con, thì con cái khó trưởng thành hơn.
Vai trò của người mẹ không hề giản đơn tý nào. Để tạo được một môi trường con cái phát triển và thành tài thực sự, đòi hỏi người phụ nữ phải biết cách quản lý mình, biết cách quản lý gia đình nhưng cũng biết cách lôi kéo người đàn ông bên cạnh mình để cùng hướng dẫn dạy con.
Vai trò quản lý cũng vậy, đòi hỏi người phụ nữ phải cân bằng giữa công việc và gia đình, cảm xúc và nguyên tắc.
Vậy Phương vượt qua định kiến xã hội về phụ nữ làm kinh doanh như thế nào?
Thật ra, mọi người đều không có trách nhiệm phải sống với suy nghĩ của người khác. Phụ nữ cũng vậy, họ sẽ phải mạnh mẽ hơn, nỗ lực lơn để vượt qua những định kiến đó. Quan trọng hơn, khi mình đã đặt ra mục tiêu cho cuộc đời mình thì nỗ lực làm việc để hướng tới đích. tôi chỉ muốn làm kinh doanh, còn là nam hay nữ cũng như vậy thôi.
Tôi từng đọc đâu đó có một câu nói và thấy thích: “Tôi chỉ nhắm mục tiêu và mình đi tới”. Tôi không để những định kiến xã hội trở thành cục đá quá nặng phải đối phó thì không còn đủ sức để đạt được mục tiêu mà mình đề ra.
Khi đàm phán, Uyên Phương có gặp phải đối tác phân biệt nam nữ không? Những tình huống như vậy thì Phương xử lý thế nào?
Định kiến là điều gì đó mà thường trong mỗi người đều luôn có sẵn, nhưng quan trọng là khi mình đi gặp họ phải có mục tiêu rõ ràng và kết quả mong muốn đạt được sau khi ra về. Vậy nên khi gặp những đối tác có định kiến với phụ nữ, tôi thường phân tích, trao đổi để tìm ra các phương án, thậm chí là cả thuyết phục nữa. Mục đích cuối cùng của tôi là sau khi ra về, mình phải chuyển giao kết quả.
Có khi nào vì định kiến với nữ giới của đối tác mà Uyên Phương thất bại trong đàm phán?
Đàm phán thất bại và lần sau trao đổi lại là rất nhiều, nhưng có phải đến từ định kiến với nữ giới hay không thực ra tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Trong suy nghĩ của tôi rất đơn giản là cần phải tìm ra phương án tối ưu để thuyết phục đối tác. Trong bất cứ cuộc đàm phán nào, yếu tố quan trọng nhất là cả 2 cũng phải thấy có lợi, bởi vì nếu không có lợi mình sẽ không làm thì họ cũng như vậy, cho dù mình có là nam hay nữ.
Nền kinh tế chịu áp lực từ đại dịch Covid-19, Uyên Phương đã chèo lái Tân Hiệp Phát đi qua giai đoạn khó khăn này như thế nào?
Đây là câu hỏi thú vị khi đặt trong bối cảnh là phụ nữ. Tôi nghĩ nếu như lãnh đạo nam giới họ sẽ đưa ra các cách xử lý khác nhưng là 2 chị em tôi đã nghĩ đến điều cực kỳ đơn giản trong cuộc sống, đó là mọi người muốn ăn no trước. Tôi nghĩ rằng, mọi người đều nghĩ đến đầu tiên là nhu cầu tối thiểu nhất, cơ bản nhất và quan trọng hơn họ phải cảm nhận được đang trải qua từng ngày làm việc bằng sự quan tâm. Đây là điều mà Tập đoàn Tân Hiệp Phát làm tốt và an toàn từng ngày một. Đó là quan trọng chứ nếu như từ đầu yêu cầu “3T” sẽ ở lại 3 tháng rưỡi chắc mọi người trốn hết (cười).
Mọi người cũng chỉ hình dung lockdown khoảng 2 tuần, sau đó gia hạn thêm 2 tuần nữa, mọi người cũng không thấy gì và kéo dài 3 tháng rưỡi. Mọi người rất kỷ luật và đều tư duy là muốn tốt ngày hôm nay, ngày mai cái gì đến tôi phải đối mặt. Đó là những điều giúp cho Tân Hiệp Phát vượt qua giai đoạn dịch và đặt an toàn của mọi người là yếu tố đầu tiên trong mọi quyết định.
Kỷ luật của phụ nữ làm quản lý cũng mềm mại hơn khi trong thời gian làm việc 3T thì những bữa ăn trưa, ăn sáng đều tạo sự hứng khởi cho nhân viên?
Khi lockdown thì món bún bò cũng trở nên một món ăn xa xỉ và tôi mời mọi người tham gia phản hồi để cải tiến. Thật sự khi mình quan tâm mình sẽ để ý đến những việc rất nhỏ và mọi người cũng cảm thấy được khích lệ.
Nhưng điều tôi thật sự cảm thấy được khích lệ ở đây là năng suất làm việc của mọi người, kể cả khi khó khăn vẫn duy trì năng suất làm việc cao. Có nhân viên làm việc tại nhà mà làm đến 1,2 giờ sáng, đến nỗi tôi phải nhắn tin “Thôi ngủ đi em ơi”.
Tinh thần trách nhiệm và hiệu quả làm việc của mọi người được duy trì ở mức độ cao nhất, họ luôn luôn mong muốn được ghi nhận, luôn mong muốn tạo ra sự khác biệt kể cả khi gặp khó khăn họ cũng luôn cố gắng và không muốn nói “tôi không làm được”.
Chính vì vậy, dù dịch Covid-19 phức tạp như vậy, nhưng nhóm dự án đã hoàn tất dự án của một nhà máy đúng như kế hoạch để làm quà tặng công ty nhân ngày sinh nhật lần thứ 27. Đó là những bất ngờ mà con người Tân Hiệp Phát muốn thể hiện là họ nói họ làm được chứ không phải chỉ có ban lãnh đạo công ty.
Chọn con đường kinh doanh, Phương có phải hy sinh những sở thích, thói quen rất phụ nữ không (làm đẹp, chăm sóc bản thân, shopping, tụ tập bạn bè hay đơn thuần là công việc nội trợ…)?
Tôi thấy thú vị với câu hỏi này, bởi bình thường chắc không bao giờ tôi có suy nghĩ sẽ dành thời gian để làm những việc này. Cuộc sống của tôi đã được sắp xếp theo hướng luôn luôn ưu tiên công việc lên trên và đạt được mục tiêu. Cho nên, nếu sắp xếp thời gian để làm thêm công việc gì chứ cũng không nghĩ đến có thời gian rảnh sẽ đi spa, chăm sóc bản thân… bởi vì nó không nằm trong suy nghĩ của tôi.
Ví như nếu đi mua quần áo, tôi sẽ lựa độ nhanh nhất, gọn nhất và ít phải lựa chọn nhất, vì đó không phải là công việc tôi ưu tiên dành thời gian. Tôi nghĩ, cách ưu tiên khác nhau nên lựa chọn đó là niềm vui và không hối hận.
Những gì đã đi qua mình sẽ không lấy lại được nữa cho nên nếu như mình đã tốn 10 năm để làm công việc đang tạo kết quả thì hãy vui vì điều đó và tiếp tục với mục tiêu, chứ không phải nhìn lại thấy tôi già đi và lại băn khoăn vì sao tôi không có dành thời gian làm những thứ khác như những người phụ nữ khác. Đó chính là ân hận.
Gần 20 năm làm theo đuổi con đường kinh doanh, có khi nào Uyên Phương muốn thay đổi và chọn con đường khác?
Để có được vị trí ngày hôm nay, tôi đã phải nỗ lực rất nhiều và đúng theo giá trị của Tân Hiệp Phát là hôm nay sẽ hơn ngày hôm qua và tiêu chí của kinh tế thị trường. Còn trong cuộc sống, ai cũng vậy đều mong muốn được cập nhật, không ai muốn bị lỗi thời và tôi thấy kinh doanh là môi trường làm cho mỗi con người phải luôn luôn tốt hơn và không bao giờ có “đỉnh”. Tôi đã chọn con đường này thì tất cả mọi thứ sẽ đi theo thứ tự ưu tiên như thế.
Tôi nghĩ rằng, nếu muốn thay đổi thì nên suy nghĩ sớm, nếu không một lúc nào đó mình sẽ thấy tiếc. Còn nếu lúc muốn cái này, lúc muốn cái khác sẽ rất khổ, vì đến lúc nào đó mình sẽ thấy hối hận. Khi mình đã chọn thì hình vuông sẽ không bao giờ tròn được, phải có góc cạnh, mà có góc cạnh cứa là phải đau. Muốn hình vuông mà phải tròn thì làm sao thành hiện thực được.
Uyên Phương thấy cuộc sống hiện tại của mình thế nào?
Tôi thấy tất cả thời gian mình dùng để cống hiến, xây dựng và có thể tạo nên những kết quả mà mình nhìn được, thấy được, sờ được. Các kết quả thật sự trong quá trình không phải cái nào cũng trải qua toàn ngọt ngào, nhưng không phải cái gì cũng ngọt ngào mới tốt. Cho nên miễn sao mình tạo ra được giá trị và kết quả đó do mình kiên nhẫn mà có.
Tôi cảm thấy vui vì Tân Hiệp Phát làm được rất nhiều thứ trong việc đặt nền móng đầu tiên, ví dụ như xây dựng thương hiệu. Đó là bài toán khó. Doanh nghiệp tại rất nhiều quốc gia chỉ chọn gia công bởi rủi ro xây dựng thương hiệu rất lớn, nhưng Tân Hiệp Phát không chỉ xây 1 mà đến bây giờ có rất nhiều nhãn hàng.
Sau đó, Tân Hiệp Phát còn cải tiến rất nhiều trong quản lý một công ty gia đình theo cách chuyên nghiệp. Trong khi nhiều công ty còn loay hoay thì Tân Hiệp Phát như mà một kết quả khích lệ họ vậy.
Hay như Tân Hiệp Phát thay đổi được suy nghĩ phòng mua hàng phải có tiền hoa hồng và nên mua một cách chuyên nghiệp, từ chất lượng tới giá cả. Tân Hiệp Phát còn tạo ra môi trường công bằng, minh bạch cho các đối tác.
Cám ơn Uyên Phương!