Nguyễn Sơn Thủy / VNExpress
Nguyễn Sơn Thủy (Doanh Nhân)
Chúng tôi coi 15/3/2022 là ngày hồi sinh ngành du lịch Việt Nam, cứu sống hàng chục nghìn doanh nghiệp, hàng chục triệu lao động.
Ngành kinh tế tổng hợp đóng góp trực tiếp 10,4% GDP cả nước chưa bao giờ bi đát như trong hai năm qua.
30 ngày sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế, công ty chúng tôi đã nhộn nhịp trở lại, tất bật thiết lập văn phòng, kết nối các hệ thống đại diện trên thế giới, tương tác chặt chẽ với đối tác nước ngoài, ký kết hợp đồng với hệ thống cung cấp dịch vụ trong nước, xây dựng mới sản phẩm, xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam rộng rãi các kênh truyền thông quốc tế.
Chúng tôi phối hợp với các Sở Du lịch Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế tổ chức đón tiếp ba đoàn Famtrip, hơn 120 đại diện quan trọng là CEO, giám đốc các hãng lữ hành, các blogger, KOLs nổi tiếng tại Bangkok… tham quan, khảo sát dịch vụ, du lịch tại những điểm đến chính ở miền Trung. Trong Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam (30/3-23/4) ở Hà Nội, các địa phương Khánh Hòa, Ninh Bình, Bình Thuận, Hà Nam tổ chức giới thiệu điểm đến, nhiều sản phẩm du lịch mới thú vị. Một không khí hứng khởi và đầy niềm tin trở lại.
Trong tuần lễ Giỗ tổ Hùng Vương (9-11/4), chúng tôi đón một đoàn khách quốc tế. Chuyến bay 186 chỗ đến Đà Nẵng không trống ghế nào. Trước chuyến này khoảng một giờ, hãng Singapore Airlines cũng đưa rất nhiều khách lẻ quốc tịch châu Âu đi theo nhóm nhỏ, hạ cánh ở Đà Nẵng.
Số liệu tại các điểm du lịch chính của cả nước dịp này khá ấn tượng: Bà Nà đón 8.000 khách tham quan, Fansipan hơn 10.000 khách, Núi Bà Đen 20.000 khách. Trong hai ngày cuối tuần, 80.000 lượt khách đến Đà Nẵng, 35.000 khách đến Huế. Số lượng khách tại các điểm đến cho tôi thấy tín hiệu phục hồi nhanh sau hai năm ngừng hoạt động của ngành du lịch.
Xu hướng du lịch cuối tuần và các kỳ nghỉ lễ quốc gia dài ngày trong năm hứa hẹn làm bùng nổ du lịch nội địa trở lại thời gian tới. Ngành du lịch có thể tận dụng tốt cơ hội được hồi sinh để tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng rất cần sự hỗ trợ, vận động đồng bộ của các chính sách, giải pháp và hành động.
Người dân đã bị “bó gối” suốt hơn hai năm đại dịch, nên mở cửa trở lại là cơ hội vàng của du lịch. Để hướng tới sự phát triển bền vững, việc đánh giá cụ thể các lợi thế cạnh tranh của du lịch quốc gia là điều cần thiết. Một khi đã xác định được điểm mạnh của mình, các hoạt động đầu tư tài chính để quảng bá du lịch Việt Nam trên thế giới sẽ trở nên tập trung và hiệu quả hơn. Việt Nam cần đầu tư quảng bá cụ thể cho từng thị trường du lịch như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và cả thị trường nội địa. Các quốc gia như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore từng làm rất tốt việc này.
Sau nhiều năm kiệt quệ vì đóng cửa, những chính sách chia sẻ rủi ro bằng các giải pháp tài chính của nhà nước với doanh nghiệp du lịch, như duy trì lãi vay thấp (5%) cho doanh nghiệp đầu tư cải tạo cơ sở vật chất, cho vay lãi suất 0% chương trình đào tạo nhân sự, trả lương tuyển dụng mới… sẽ là sự nâng đỡ kịp thời.
Visa là một yếu tố khác, rất quan trọng trong việc hấp dẫn du khách quốc tế. Hiện tại, chính sách mở cửa du lịch của Việt Nam đã thông thoáng nhất khu vực châu Á. Tuy nhiên, chính phủ vẫn nên kích hoạt “ngay và luôn” kênh duyệt nhân sự cho khách du lịch đi lẻ. Đối tác và du khách nước ngoài của chúng tôi đang rất lúng túng khi không nộp được visa on arrival; trong khi nếu nộp visa online trên hệ thống e-visa của Cục Xuất nhập cảnh, họ phải chờ hơn 10 ngày vẫn chưa có hồi âm. Hệ thống không thông báo ngày duyệt và trả lời cho du khách. Quy trình duyệt e-visa và visa on arrival cần được cải tiến nhanh chóng.
Visa dành cho khách quốc tế hiện nay chỉ có thời hạn 15 ngày trong khi đáng lẽ nên kéo dài đến 30 ngày. Các khảo sát cho thấy một lượng lớn khách châu Âu, Mỹ thường có nhu cầu du lịch 15 đến 21 ngày, khám phá cùng lúc một số quốc gia gần nhau trong khu vực. Thời hạn visa của chúng ta khiến họ phải hai lần xin visa cho cùng một đợt nghỉ, thực sự bất tiện.
Du lịch quốc tế phục hồi sớm hay muộn, tạo đà phát triển nhanh hay chậm phụ thuộc vào chính sách visa và các chính sách hỗ trợ khác của nhà nước. Khi cửa lớn đã mở, các nút thắt nhỏ chắc chắn không nên bị trì hoãn gỡ bỏ, để chúng không có cơ hội trở thành chướng ngại vật ngăn cản quá trình hồi sinh mạnh mẽ ngành du lịch.