CIEM: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 có thể đạt 6,9%

Kỳ Thư/ VietNam Finance (Tạp chí đầu tư tài chính Việt Nam)


(VNF) – Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) vừa đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2022. Theo đó, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7% theo kịch bản 1 và 6,9% trong kịch bản 2.

CIEM: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 có thể đạt 6,9%

Tại hội thảo công bố báo cáo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2022: Cải cách và phát triển bền vững”, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, cho biết 6 tháng đầu năm 2022 đã chứng kiến một loạt các động thái quan trọng của các nền kinh tế chủ chốt, mở đường cho một loạt xu thế mới có ảnh hưởng sâu rộng, lâu dài đến kinh tế thế giới.

“Xung đột Nga-Ukraine kéo dài ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của nhiều hàng hóa cơ bản, đồng thời kéo theo xu hướng liên minh đối đầu-trả đũa giữa các siêu cường. Mỹ đã bắt đầu giai đoạn ‘bình thường hóa’ lãi suất nhằm ứng phó với lạm phát cao. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã đi vào thực hiện, qua đó gắn kết các nền kinh tế Đông Á với đà phục hồi xuất khẩu trên diện rộng ở khu vực.

“Những yếu tố trên đều có những hàm ý đối với duy trì ổn định kinh tế – ổn định xã hội và cải cách, trong khi vẫn phải thúc đẩy phục hồi kinh tế, vượt qua hiện trạng khó khăn kéo dài trong những năm trước – liên quan đến các biến thể virus corona mới, đối đầu chiến lược Mỹ – Trung Quốc, chuyển đổi số, phục hồi xanh, và yêu cầu cải tổ các thể chế đa phương”, bà Minh nói.

Cùng với đó từ đầu năm 2022, Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện cách tiếp cận “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.

“Các số liệu thống kê đã cho thấy đà phục hồi tích cực của kinh tế Việt Nam. Tốc độ tăng GDP đạt 5,03% trong quý I/2022 và 7,72% trong quý II/2022, đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với khu vực châu Á. Đà phục hồi tăng trưởng được thể hiện rõ nét ở cả ba khu vực, đặc biệt là dịch vụ”, bà Minh nhận định.

Trong lĩnh vực lao động, việc làm, nhờ các giải pháp, chính sách kịp thời hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ người lao động, tình hình lao động – việc làm đã sớm có những chuyển biến tích cực. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý II/2022 đạt 51,6 triệu người, tăng gần 0,6 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Theo Chỉ số phục hồi của Nikkei, Việt Nam đã liên tục cải thiện xếp hạng và mới đây nhất là được đánh giá ở vị trí thứ hai. Đánh giá này tích cực và thực chất.

“Có được những thành quả ấy một phần quan trọng chính là nhờ cách tiếp cận bài bản nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, đồng thời duy trì đà cải cách, tạo không gian cho hoạt động kinh tế của doanh nghiệp và người dân. Sâu xa hơn, đó là nhờ tư duy hướng tới bảo đảm hài hòa ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội, trên nền tảng cải cách thể chế kinh tế liền mạch và sâu rộng”, bà Minh nói.

Về triển vọng kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm, CIEM đưa ra 2 kịch bản cập nhật dự báo kinh tế Việt Nam 2022.

Trong kịch bản 1, tình hình dịch bệnh ở thế giới và Việt Nam nhìn chung được kiểm soát, các nước duy trì xu hướng tạo thuận lợi cho đi lại của người dân. GDP của thế giới tăng 2,9% trong năm 2022. Mức giá của Mỹ tăng tới 7,682%. Giá hàng nông sản xuất khẩu tăng 17,7%. Giá dầu thô thế giới tăng 42,0%.

Về phía Việt Nam, tỷ giá VND/USD của ngân hàng thương mại tăng 2,5%. Tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 8,5%. Tín dụng tăng 14%. Giá nhập khẩu hàng hóa tăng 8,5%. Dân số tăng 1,07%, và số lao động có việc làm tăng 6,1% so với năm 2021.

Lượng dầu thô xuất khẩu giả thiết tăng 10,7% so với năm 2021. Tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 1,5%. Trên cán cân thanh toán, chuyển giao của Chính phủ và khu vực tư nhân (ròng) đều giảm 5%. Vốn thực hiện của khu vực FDI (bao gồm cả phía nước ngoài và phía Việt Nam) tăng 8,9%. Giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 460,8 nghìn tỷ đồng.

Kịch bản 2 giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản 1, chỉ điều chỉnh một số chỉ tiêu như: GDP của thế giới tăng 3,6%; tổng phương tiện thanh toán tăng 10,5%; tín dụng tăng 15%; giá nhập khẩu hàng hóa tăng 5%; tỷ giá VND/USD của ngân hàng thương mại tăng 2%; tỷ giá hữu hiệu thực giả thiết giảm 0,8%; giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ở mức 542,16 nghìn tỷ đồng; và đẩy mạnh tạo thuận lợi hóa cho các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…).

Kết quả dự báo cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm 2022 có thể đạt mức 6,7% theo kịch bản 1 và 6,9% trong kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 15,8% trong kịch bản 1 và tăng 16,3% trong kịch bản 2. Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,2 tỷ USD và 2,5 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2022 dự báo lần lượt ở mức 4,0% và 3,7%.

Nguồn: https://vietnamfinance.vn/ciem-tang-truong-kinh-te-cua-viet-nam-nam-2022-co-the-dat-69-20180504224271086.htm

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *