Chán vàng

Hải Lý (Nhà Báo)/ VnExpress

Nếu giữ làm của để dành, nhà đầu tư thông minh sẽ mua vàng nhẫn bốn số chín thay vì vàng miếng SJC, vì chất lượng như nhau trong khi vàng miếng SJC đắt hơn 13-14 triệu đồng/lượng tùy thời điểm – một doanh nhân lăn lộn hàng chục năm trong ngành vàng từng khuyên tôi.

Ông nhắn nhủ “vàng bốn số chín nào cũng là vàng”.

Sau bốn tháng, từ giữa tháng 3 đến cuối tuần trước, ngày 15/7, giao dịch quanh mốc 68-69 triệu đồng/lượng vàng miếng bốn số chín SJC tuột dốc về sát 60 triệu đồng/lượng mua vào và 62 triệu đồng/lượng bán ra lúc 9h30 ngày 19/7.

Một ngày trước đó, giá rơi hai triệu đồng/lượng ngay khi các ngân hàng có chức năng kinh doanh vàng bắt đầu ngày làm việc; và tầm 9h, khi các tiệm vàng mở cửa, giá vàng giảm mạnh hơn.

Có ba lý do giải thích cho biến động bất ngờ của vàng miếng SJC. Thứ nhất, giá vàng quốc tế trong một tháng qua giảm 6,83% và đang ở ngưỡng cản quan trọng 1.700 USD/ounce. Còn so với đỉnh, giá vàng thế giới đã mất 17%. Rủi ro nắm giữ vàng đang tăng lên. Trong khi đó giá vàng miếng SJC chênh lệch quá lớn với cả giá vàng thế giới và vàng nhẫn bốn số chín trong nước, có thời điểm tới 16 triệu đồng/lượng, khiến những người nắm giữ vàng miếng SJC e ngại. Đặc biệt vàng miếng SJC đã có bốn tháng đứng ở mức cao mà không thể nhích thêm, dưới góc độ đầu tư, khả năng rớt giá của nó dễ dàng xảy ra. Những người có vàng miếng SJC đã bán ra chốt lời.

Thứ hai là các tổ chức kinh doanh vàng và các tiệm vàng lớn ở TP HCM liên tục thu hẹp hoạt động vì biên lợi nhuận ngày càng thấp. Ba trong số năm ngân hàng cổ phần có chức năng kinh doanh vàng đã gần như không hoạt động mảng này. Ngân hàng kinh doanh vàng tích cực nhất cả năm ngoái lãi được 30 tỷ đồng từ kinh doanh vàng, còn lợi nhuận từ vàng sáu tháng đầu năm nay chưa bằng một nửa cùng kỳ.

Lợi nhuận của công ty SJC từ giao dịch vàng miếng cũng không khả quan dù doanh số có thể cao. Nguyên nhân là khi bán ra một lượng vàng miếng nhất định, các tổ chức đều phải mua lại số tương ứng nhằm đảm bảo thanh khoản. Hơn nữa giá niêm yết thường không phải là giá mua bán thật, vì khách hàng bao giờ cũng thương lượng theo hướng bán theo giá cao hơn giá niêm yết và mua thấp hơn giá niêm yết của tổ chức. Ví dụ một ngân hàng bán cho khách 5 lượng vàng SJC giá 64 triệu đồng. Bán xong, họ mua lại đúng 5 lượng để đảm bảo thanh khoản, nhưng giá bán nơi nào cũng 64 triệu đồng/lượng. Nếu thương lượng tốt, họ mua được với giá 63,9 triệu đồng/lượng, lãi được 100.000 đồng/lượng. Giá vàng càng ổn định, đứng ì một chỗ như vàng miếng SJC thời gian qua thì càng khó mua khó bán.

Thêm vào đó, thanh khoản vàng SJC hiện rất yếu. Từ chỗ chiếm 90% thị phần, nay vàng miếng SJC chỉ chiếm khoảng 10% thị phần, giao dịch vài trăm lượng/ngày. Chỉ cần khách hàng ở đâu đó đặt mua hay bán 100 cây là giá vàng đã biến động.

Thanh khoản yếu, biên lợi nhuận thấp dẫn đến hệ lụy nhiều tiệm vàng rời bỏ thị trường. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, trước Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng, ban hành năm 2012, TP HCM có 5.500 tiệm vàng tư nhân. Sau Nghị định 24, khoảng năm 2017-2018 còn 3.300 tiệm. Từ đó đến nay số tiệm giảm thêm phân nửa. Trong tốp 10 tiệm vàng tư nhân tầm cỡ ở thành phố, nay còn 2-3 tiệm hoạt động. Các tiệm khác đóng cửa, bán vàng lấy vốn đầu tư bất động sản. Tỷ suất lợi nhuận kinh doanh vàng miếng đi xuống trong khi tỷ suất lợi nhuận kinh doanh bất động sản đi lên. Rời bỏ vàng, “nhảy” vào bất động sản, họ lời hai đầu.

Ngoài những lý do trên, sau Nghị định 24, các tiệm vàng tư nhân không còn được phép thu đổi ngoại tệ và chính thức không được kinh doanh vàng miếng. TP HCM còn 5 tiệm vàng được phép thu đổi ngoại tệ. Chỉ có cửa hàng vàng của các công ty SJC và PNJ cùng các ngân hàng được phép kinh doanh vàng miếng. Những trung tâm vàng lớn của TP HCM xung quanh chợ Bến Thành, chợ An Đông, tuyến đường Nhiêu Tâm, Nghĩa Thục, Bùi Hữu Nghĩa quận 5… chủ yếu sản xuất và kinh doanh vàng nữ trang, mỹ nghệ.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước, trong các cuộc trao đổi gần đây với báo giới, cho biết sẽ xem xét có thể chỉnh sửa một số điểm không còn phù hợp với tình hình hiện tại của Nghị định 24.

Trong số những điểm có thể chỉnh sửa, Nhà nước nên cân nhắc đứng ra nhập khẩu vàng nguyên liệu ở mức vừa đủ để cung ứng cho các doanh nghiệp chế tác vàng nữ trang. Một doanh nghiệp chia sẻ với tôi, doanh số vàng nữ trang hiện khoảng 50-60 tỷ đồng/ngày, tức khoảng 1.500-1.800 tỷ đồng/tháng và nhu cầu vàng nguyên liệu cho sản xuất trang sức, mỹ nghệ tầm 25-30 kg/ngày; trong khi họ không được nhập nguyên liệu.

Vào cuối ngày 19/7, giá vàng miếng SJC tăng lại so với đầu giờ sáng, mua vào 63,5 triệu, bán ra 65,5 triệu đồng/lượng, chênh lệch giá mua – bán hai triệu đồng, rất lớn. Môt số người tiêu dùng khi thấy giá điều chỉnh mạnh hôm qua và sáng 19/7 đã mua với kỳ vọng giá vàng quốc tế đi lên. Thực tế có thể sẽ không như vậy, bởi USD đang được hỗ trợ không chỉ một mà còn thêm vài lần tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ năm nay và năm sau.

Khác với quá khứ, mỗi khi lạm phát, vàng trở thành nơi “trú ẩn”, nay vàng lép vế trước các kênh tiết kiệm, nhà đất, chứng khoán, ngoại tệ. Đơn giản là vàng đã mất chức năng thanh toán. Đầu tư vàng từ đầu năm đến nay không có lời, kém hẳn gửi tiền ngân hàng, mua bất động sản hoặc ngoại tệ.

Sự tồn tại, giao dịch vàng miếng không góp phần vào tăng trưởng kinh tế; ngược lại có thể dẫn đến ứ đọng vốn trong dân. Chưa kể nhập khẩu vàng làm tiêu tốn ngoại tệ.

Thị trường vàng chịu tác động của yếu tố tâm lý, có khả năng bị chi phối bởi yếu tố đầu cơ, liên quan đến nhập khẩu, xuất khẩu vàng lậu, tác động đến tỷ giá đôla mặt trên thị trường tự do. Xuất phát từ đây, cách tốt nhất để quản lý thị trường vàng chính là ổn định giá trị đồng Việt Nam, kiểm soát lạm phát, tạo dựng niềm tin vững chắc vào đồng nội tệ.

Nguồn: https://vnexpress.net/chan-vang-4485673.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *