Lê Tuyết/ VnExpress
TP HCM – Kỳ vọng đơn hàng phục hồi sau dịch song gần đây sức mua từ thị trường lớn như Mỹ, châu Âu giảm mạnh khiến nhà máy giảm việc, nhiều công nhân dệt may, điện tử gặp khó khăn.
Phần thu nhập từ tăng ca không còn, tổng lương tháng 7 của vợ chồng Trần Thu Hương, làm chung công ty may ở Gò Vấp, chưa được 15 triệu đồng, giảm gần 20% so với trước. Thu nhập giảm mạnh khiến vợ chồng trẻ cùng con nhỏ 5 tuổi, đang phải thuê nhà, phải chi tiêu gói ghém.
Công ty của chị Hương trả lương theo sản phẩm. Tuy nhiên hơn tháng qua, hàng ít nên sản phẩm làm ra không nhiều chưa kể đơn giá cũng giảm so với trước. Chị Hương nói từ lúc Covid-19 xuất hiện, giai đoạn công ty tăng ca dồn dập là cuối năm ngoái, khi thành phố mở cửa. Doanh nghiệp tập trung sản xuất để giải quyết hàng tồn. Sau đó, đơn hàng bắt đầu về ít, thu nhập của lao động cũng giảm dần.
Thu nhập ít ỏi, người mẹ trẻ nói sau khi trả tiền nhà 2,2 triệu đồng, thanh toán học phí của con gái hết 2,7 triệu đồng, khoản góp mua tủ lạnh thì “chẳng còn bao nhiêu cho ăn uống, đi lại”. Để tiết kiệm, chị giảm bớt “những khoản linh tinh” như trái cây, bánh kẹo, hạn chế mua đồ dùng mới. Trong khi đó, anh Hoàng Văn Hùng, 33 tuổi, chồng chị Hương, quyết định nghỉ việc sau 5 năm gắn bó.
“Tôi không theo nghề may nữa”, anh Hùng nói. Ngày mới vào công ty, thu nhập của anh thường ở mức 13-14 triệu đồng, trong khi tháng rồi vừa được tăng thêm 300.000 do điều chỉnh lương tối thiểu vùng mà tiền nhận được chỉ còn phân nửa. Chưa xin được việc mới nhưng cuối tháng trước anh đã nộp đơn. Nam công nhân lý giải cứ phải nghỉ hẳn mới thúc đẩy bản thân tìm việc mới.
Chung cảnh ngộ nhà máy ít việc, hơn tháng trước anh Lê Văn Vũ, 25 tuổi, làm việc tại bộ phận lắp ráp màn hình led tivi của công ty điện tử ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức), thuộc diện bị cắt hợp đồng. Trưởng chuyền giải thích nhà máy ít việc, nếu không giảm lao động, tất cả công nhân chỉ đi giờ hành chính 8 tiếng, không có tăng ca, thu nhập sẽ giảm. Khi đó, nhiều người sẽ chủ động nộp đơn nghỉ việc, nhà máy không kiểm soát được.
“Chúng tôi phải nghỉ để những người khác được làm thêm giờ”, anh Vũ nói. Chuyền của anh có gần 400 người, gần 20% trong số này đến nhà máy nhưng không phải làm việc, đợi nhân sự gọi lên thương lượng chấm dứt hợp đồng. Với những người có con cái, lương cơ bản 6-7 triệu đồng không thể sống được nên chủ động nộp đơn nghỉ đi tìm việc mới. Phần mình, anh cũng gọi hỏi nhiều nơi nhưng chưa có chỗ nhận.
Trước đây, khi công việc thuận lợi, tăng ca đều, thu nhập mỗi tháng được 9 triệu đồng, Vũ để dành một khoản gửi về quê phụ ba mẹ nuôi hai em ăn học. Hiện, anh chỉ mong lương đủ trả tiền phòng, ăn uống. Kể từ hôm mất việc, nam công nhân thường bỏ bữa sáng. Buổi tối, anh ăn muộn một chút rồi đi ngủ để sáng mai đỡ đói, tiết kiệm chi tiêu. Ngoài ra, anh gần như không ra ngoài, cuối tuần chỉ nấu một bữa cơm để ăn cả ngày.
Gia đình chị Hương, anh Vũ không phải là trường hợp cá biệt gặp khó khăn khi nhà máy giảm đơn hàng. Ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, nói rằng điện tử, dệt may, da giày, gỗ, sản xuất thép… là những ngành sử dụng đông lao động, đang gặp nhiều khó khăn do sức mua các thị trường chính như Mỹ, châu Âu giảm.
Đơn hàng ít buộc các nhà máy phải giảm giờ làm, trước mắt không tổ chức tăng ca nhưng sắp tới có thể phải giảm ngày làm việc trong tuần. Trong khi đó, công nhân muốn làm nhiều, tăng ca để có tiền bù đắp chi phí sau dịch, giá cả tăng, con cái vào năm học mới…
Do giảm hơn 20% đơn hàng, Công ty cổ phần Taekwang Vina ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai), chuyên sản xuất giày da xuất khẩu phải sắp xếp cho gần 40.000 lao động nghỉ chờ việc. Cụ thể, tháng 8-9 lao động sẽ nghỉ ba ngày, trong đó một ngày sử dụng phép năm, hai ngày công nhân không đến xưởng làm việc nhưng vẫn được công ty trả đủ lương tối thiểu vùng.
Ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch công đoàn công ty, nói rằng nếu không bố trí nghỉ một số ngày trong tháng, hơn 8.000 người hoàn toàn không có việc gì để làm. Phương án ban đầu được phía doanh nghiệp đưa ra là cắt giảm lao động. Tuy nhiên công đoàn đề nghị giữ lại chờ đơn hàng phục hồi.
Để công nhân chấp thuận nghỉ một số ngày, giảm tăng ca và san sẻ việc với nhau các tổ công đoàn phải liên tục thuyết phục. Đồng thời, nhà máy cũng tính nhiều phương án để hỗ trợ lao động. Dù khó khăn nhưng từ tháng 7, công ty đã tăng 260.000 đồng vào lương cơ bản và 100.000 đồng phụ cấp cho tất cả lao động.
Tương tự, để hỗ trợ công nhân khi nhà máy thiếu việc vào tháng 9-10, Công ty cổ phần dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công ở Khu công nghiệp Tân Bình (quận Tân Phú) đã tăng lương và thêm các khoản phụ cấp. Cụ thể từ đầu tháng 7, công ty tăng 6% lương căn bản cho tất cả công nhân, tiền xăng được nâng từ 10.000 đồng lên 15.000 đồng mỗi ngày, giá suất ăn điều chỉnh cao hơn 12%.
“Công ty tổ chức hội nghị người lao động nói rõ khó khăn để người lao động chia sẻ, đồng thời cam kết thời gian phục hồi”, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự công ty nói. Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm các đối tác mới. Dự kiến từ tháng 12, đơn hàng sẽ ổn định trở lại.
TS Phạm Thị Thu Lan, Viện phó Viện Công nhân – Công đoàn, nói nhà máy thiếu việc, công nhân không được tăng ca, đời sống khó khăn là điều dễ nhìn thấy. Lâu nay, để sống được người lao động phải làm thêm giờ, ngày làm việc dài 10-12 tiếng. Nhóm ngành công nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, gỗ chủ yếu dựa vào sức lao động, gia công là chính. Khi thị trường thế giới biến động, hàng triệu công nhân bị ảnh hưởng.
Hiện, các nhà máy bám khá sát lương tối thiểu để xây dựng mức lương cho 8 tiếng làm việc chính thức. Theo bà Lan, để người lao động sống được mà không phải phụ thuộc vào tăng ca cần thiết phải thay đổi quan điểm lương tối thiểu là lương đủ sống và cần có lộ trình để đạt được. Phải nhìn nhận thực tế, công nhân vẫn còn mong muốn tăng ca để đạt mức lương đủ sống thì chính sách về tiền lương vẫn còn nhiều điều bất hợp lý, chưa thực sự bảo vệ người lao động.
Nguồn: https://vnexpress.net/cong-nhan-xoay-xo-khi-nha-may-it-viec-giam-luong-4499422.html