Thúy An/ VTV News
VTV.vn – Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (World Bank) cùng chung nhận định, kinh tế Việt Nam đang hồi phục rất tốt.
Chiều nay (12/9), phát biểu tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF) nêu các chính sách liên quan phòng chống COVID-19 đã giúp Việt Nam duy trì tỷ lệ tử vong thấp và ổn định kinh tế trong ngành ngân hàng và tài chính.
Theo ông Francois Phainchaud, đây là công việc khó khăn nhưng Việt Nam đã làm rất tốt.
Liên quan tới các yếu tố ngoại cảnh ảnh hưởng tới Việt Nam, đại diện IMF nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt rất nhiều rủi ro về lạm phát, khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam đang phục hồi rất tốt, việc gỡ bỏ các hạn chế liên quan tới COVID-19, các nỗ lực bao phủ vaccine, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, dẫn tới sự phục hồi của các lĩnh vực như du lịch.
“Trong tháng 7, chúng tôi đã tăng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên. Đây là quốc gia duy nhất tại châu Á và khu vực ASEAN mà chúng tôi tăng dự báo tăng trưởng. Năm 2023, chúng tôi giảm dự báo xuống còn 6,7% do mức tăng cao của năm 2022, nhưng vẫn là mức rất cao so với các khu vực khác và so với các nước khác, đặc biệt là các nước trong khu vực châu Á”, ông Francois Phainchaud nhấn mạnh.
Cùng chung nhận định, Andrea Copppla, Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank)cũng đánh giá nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi rất nhanh chóng và rất ấn tượng.
“Tôi nghĩ tăng trưởng của nền kinh tế trong quý II, quý III rất tốt. Sự phát triển của ngành công nghiệp cũng đã có tăng trưởng vượt bậc.”, ông Andrea Copppla cho biết.
Hài hòa trong điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ
Về khuyến nghị, ông Francois Phainchaud, Trưởng đại diện Văn phòng Đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế tại Việt Nam (IMF) nhấn mạnh việc điều hành chính sách tiền tệ cần hết sức thận trọng và tính toán kỹ lưỡng.
Ví dụ tỷ giá Việt Nam đang thấp hơn nước khác, Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng ổn định tỷ giá này giúp sản xuất trong nước. Trong khi đó chính sách về tài khóa hỗ trợ chính sách tiền tệ và phục hồi kinh tế cũng cần được triển khai. Chính sách về tài khóa cần hỗ trợ mạnh mẽ hơn, hướng tới mục tiêu cụ thể và trên diện rộng để không đi ngược lại chính sách tiền tệ.
Đại diện IMF cũng cho rằng Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục xử lý vấn đề nợ xấu, các rủi ro tiềm tàng. Tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam đang tăng khá nhanh và GDP tăng rất cao, Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường hệ thống ngân hàng để phát triển thị trường vốn.
Trong khi đó, đại diện World Bank nhấn mạnh vấn đề bảo đảm vững chắc sự tự cường của nền tài chính quốc gia và cần phải xử lý nợ xấu, nợ quá hạn của nền kinh tế để tất cả những ngân hàng đều phải tuân thủ đối với việc xử lý nợ xấu.
“Chúng ta phải tăng cường sự tự cường của ngành ngân hàng. Do vậy, ngân hàng phải có chiến lược tạo ra sự phục hồi cho chính mình để có thể đối mặt với sự rủi ro liên quan đến sự phá sản”, đại diện World Bank nhấn mạnh.
Đại diện World Bank cũng cho rằng cần có một chính sách tài khóa hợp lý để có thể xử lý những khoản đầu tư công và những khoản đầu tư công này phải phát huy một cách hiệu quả hơn.
“Trong thời gian ngắn hạn, chúng ta phải sử dụng tốt và hiệu quả những gói về hỗ trợ tăng trưởng phục hồi. Do vậy, chúng ta cần phải có sự phục hồi của thị trường và nguồn cầu của thị trường trong nước. Từ đó, chúng ta có thể hạn chế được tác động tiêu cực của việc tăng giá”, ông Andrea Copppla khuyến nghị.