Hải Lý – Nhà báo/ VnExpress
Đầu tháng 6 vừa qua, có những nhà đầu tư bế con nhỏ đến trụ sở tập đoàn Tân Hoàng Minh chờ nhận lại tiền đã trót mua trái phiếu doanh nghiệp này.
Từ đó đến nay đã thêm ba tháng nữa, các trái chủ vẫn không thể biết lúc nào họ nhận lại được tiền. Không còn hy vọng nhận được cả gốc và lãi, họ chỉ mong lấy lại tiền gốc.
Đại diện Tân Hoàng Minh cho biết đã thu hồi và nộp tổng cộng 2.100 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ ở Kho bạc Nhà nước vào cuối tháng 6. Tập đoàn vẫn đang bán các dự án còn lại để thu thêm tiền nhằm trả nhà đầu tư. Tân Hoàng Minh đề nghị thu được bao nhiêu sẽ trả ngay cho nhà đầu tư bấy nhiêu nhưng để trả tiền phải có văn bản hướng dẫn của cơ quan điều tra.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là bên đã ra quyết định hủy chín đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trị giá hơn 10.000 tỷ đồng của Tân Hoàng Minh. Việc phát hành là do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính chấp thuận. Có cấp phép mới có quyết định huỷ bỏ.
Trong các lần làm việc với đại diện Bộ Tài chính, các trái chủ được trả lời Bộ chờ kết luận của cơ quan điều tra. Cơ quan điều tra, theo luật định, không có trách nhiệm trả tiền cho người mua trái phiếu. Nhiệm vụ của cơ quan điều tra là điều tra, cung cấp kết luận để toà án xét xử. Sau khi toà tuyên án (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm), cơ quan thi hành án mới thực hiện phán quyết của tòa; nghĩa là thu hồi tiền, giấy tờ có giá, phát mãi tài sản thế chấp nếu có để trả tiền cho nhà đầu tư. Quá trình này có thể kéo dài hàng năm. Nhà đầu tư nhỏ lẻ đã mua trái phiếu Tân Hoàng Minh chỉ còn biết đợi.
Các doanh nghiệp hiện nay đang lâm vào tình trạng khát vốn, đặc biệt là khi room tín dụng ngân hàng gần như cạn kiệt và chỉ được nới nhỏ giọt. Trong bối cảnh đó, trái phiếu doanh nghiệp – kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế – lại tắc vì Nghị định 153/2020/NĐ-CP sửa đổi chưa được ban hành. Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các ban ngành liên quan lần thứ hai. Cuối quý 2/2022, đại diện Bộ trả lời báo chí, Nghị định được chuyển cho Bộ Tư pháp và dự kiến trình Chính phủ xem xét, ban hành vào cuối quý ba. Nay quý ba sắp hết.
Trong thời gian chờ ban hành, thỉnh thoảng cơ quan quản lý cảnh báo nhà đầu tư thận trọng khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Gần đây, ngày 6/9, trang web của Bộ Tài chính đăng thông tin báo chí nhấn mạnh nhà đầu tư “không nên mua trái phiếu doanh nghiệp thông qua chào mời”; “nhà đầu tư không chuyên nghiệp không được mua trái phiếu phát hành riêng lẻ”… Trước đó Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nói rõ nhà đầu tư phải tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tự chịu các rủi ro phát sinh.
Một điểm đáng chú ý trong thông báo của Ủy ban là hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải là công ty đại chúng thực hiện theo quy định của luật Doanh nghiệp và Nghị định 153. Việc phát hành trái phiếu riêng lẻ (của công ty không đại chúng) không phải đăng ký, báo cáo hay được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước. Nhà đầu tư từ nay phải phân biệt thêm một tiêu chí mới: doanh nghiệp là công ty đại chúng hay không.
Gương trái phiếu doanh nghiệp Tân Hoàng Minh còn đó, giờ liên tục nghe cảnh báo của cơ quan quản lý, nhà đầu tư nào còn “dũng cảm” mua trái phiếu doanh nghiệp?
Các doanh nghiệp phát hành trái phiếu đang như đi trên dây. Họ không thể phát hành trái phiếu để triển khai dự án, không thể đảo nợ với những khoản trái phiếu đã phát hành kỳ hạn ngắn 6-12 tháng, hạn mức tín dụng đã sử dụng gần hết, chưa kể nhiều doanh nghiệp đang chờ thanh, kiểm tra trái phiếu đã phát hành.
Theo Bộ Tài chính, bảy tháng đầu năm nay tổng giá trị trái phiếu phát hành riêng lẻ là 262.250 tỷ đồng với lãi suất bình quân 8,12%/năm, kỳ hạn bình quân 3,64 năm. Nếu tính cả số dư trái phiếu doanh nghiệp phát hành các năm trước, con số lên tới 1,4-1,5 triệu tỷ đồng, ngang mức tăng trưởng tín dụng 14%/năm tính theo số tuyệt đối. Phần lớn trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn vào quý 4/2022 và năm 2023. Đa số trái phiếu doanh nghiệp thuộc lĩnh vực bất động sản.
Doanh nghiệp bất động sản nhìn vào đâu để ra dòng tiền trả cho người mua trái phiếu cuối năm nay và năm sau? Chỉ có hai cách: bán sản phẩm, chuyển nhượng dự án hoặc vay ngân hàng. Room tín dụng eo hẹp, ngân hàng không ưu tiên cho vay bất động sản. Muốn bán hàng hay dự án thì nhanh nhất là hạ giá. Ngắn gọn là cắt lỗ. Cắt lỗ sớm còn có người mua. Cắt lỗ muộn càng khó vì bất động sản không thanh khoản như chứng khoán.
Để khơi thông kênh trái phiếu doanh nghiệp cần vực dậy niềm tin của các trái chủ và một khung pháp lý minh bạch, công khai. Mấu chốt cần sửa đổi của Nghị định 153 là quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp và xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành. Cả hai điểm sửa đổi, bổ sung vẫn đang ở tình trạng… dự thảo, y chang dự án treo.
Trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn quan trọng nhưng thị trường này đang bị mất niềm tin lớn do thiếu cơ chế chịu trách nhiệm cuối cùng và được quản lý với tâm thế “bình chân như vại”, chưa xem nó là “máu” của nền kinh tế thị trường.
Nguồn: https://vnexpress.net/nghen-mach-trai-phieu-4511319.html