Tùng Lâm/ Báo Mới
Nhà sáng lập Finpeace khẳng định nếu nhà đầu tư muốn ‘ăn dày’ bằng việc theo một sóng dài, thời giam nắm cổ phiếu của họ không thể tính theo tuần.
Xuất hiện trong chương trình “Khớp lệnh” của VTV Digital mới đây, anh Đặng Thanh Phong, khách mời của chương trình, cho rằng nhịp giảm gần đây của thị trường chứng khoán phát sinh một phần do hành động chốt lãi của những nhà đầu tư có lãi, cộng với ảnh hưởng tâm lý của thị trường chứng khoán trên thế giới, đặc biệt là sự sụt giảm của Mỹ và Châu Âu.
Giới phân tích kỳ vọng Việt Nam sẽ tranh thủ giai đoạn này để có thêm các định hướng tích cực hơn, đón nhận những cơ hội trong nguy cơ của thế giới vì vậy thị trường vẫn tiếp tục còn triển vọng tăng trưởng sau nhịp điều chỉnh và chốt lời vừa qua. Vài nhóm ngành mạnh mẽ có thể lộ ra và thu hút dòng tiền, chứ dòng tiền không lan tỏa đều như trước.
Kinh nghiệm của anh Phong là danh mục quan sát gồm khoảng 10 cổ phiếu và chỉ giải ngân từ 3 đến 5 mã trong số đó. Nếu thời gian phát hiện ra một cơ hội nhanh thì ta nên mua dần để thăm dò. Chỉ khi nhà đầu tư có thời gian nghiên cứu và cơ hội đủ chín muồi thì họ mới nên giải ngân mạnh tay.
Về cách mua thăm dò, thông thường, khi chưa giải ngân, nhà đầu tư sẽ khó có một cảm xúc thực đối với việc nắm giữ nó. Vì vậy, ta nên mua với giá trị thấp để lấy vị thế, rồi tiếp tục quan sát để không lỡ cơ hội.
Nếu cổ phiếu bắt đầu giảm thì ta cần tính toán lại, nghe ngóng thông tin. Diễn biến của giá cổ phiếu sẽ chấm điểm nhận định của bản thân. Nếu nhận định đúng, ta nên tiếp tục gia tăng, không ngại trong việc mua ở giá cao hơn giá trước đó và khi giảm thì ta vẫn phân tích thông tin, xem đó là cơ hội mua với giá chiết khấu tốt hơn.
Ông Tuấn Anh, nhà sáng lập Finpeace, nhấn mạnh rằng trong đầu tư, chúng ta có ba thời điểm giải ngân quan trọng. Thời điểm thứ nhất là khi thị trường ra tín hiệu. Thời điểm lệnh đầu tiên vào là ta cần rất hung hăng, mua là phải mua khi nó phá ngưỡng kháng cự. Nếu cổ phiếu diễn biến thuận, tăng tiếp thì đó là bình thường và sau đó nó sẽ có đoạn thứ hai là “retest”.
Ở đoạn “retest” này, thanh khoản thị trường thường thấp vì không có gì chứng minh rằng nó sẽ tăng lên. Thời điểm thứ ba để giải ngân sẽ là lần vượt luôn tất cả khu vực đỉnh mà ta vừa thấy. Khi thị trường đang lên, tiền và cổ phiếu là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau bởi không ai có mã cổ phiếu như nhau.
Nếu nhà đầu tư đã định theo một con sóng dài, họ không thể nào cầm một tuần mà đã bay hàng. Trong nội bộ của một con sóng lớn luôn luôn tồn tại những sóng điều chỉnh và chúng ta phải sống qua sóng điều chỉnh đó thì mới có thể trở thành nhà đầu tư thắng lớn.
Theo chuyên gia, trong chứng khoán, yếu tố quan trọng nhất vẫn là phải đi theo vĩ mô. Chúng ta nên đọc và nghe những bản tin chính thống để nắm tình hình, diễn biến của kinh tế, chính trị và lịch sử. Đó sẽ là các cơ sở giúp ta có phán đoán và quyết định chính xác. Ở những lần đầu, xác suất có thể sai nhưng dần dần ta sẽ biết cách làm thế nào để hạn chế cái sai và gia tăng cái đúng.