Ngọc Trang/ Giáo dục và thời đại
GD&TĐ – Việc đẩy mạnh bán hàng qua các sàn thương mại điện tử đã mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt, tuy nhiên, còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.
Gỡ những nút thắt
Thông tin từ Alibaba, hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam tham gia bán hàng trên sàn Alibaba.com. Bình quân mỗi ngày, một nhà cung cấp Việt Nam trong nhóm hàng nông thủy sản có cơ hội tiếp xúc khoảng 15 người mua hàng tiềm năng, tức hơn 450 người mua mới mỗi tháng.
“Điều này cho thấy thông qua thương mại điện tử, các nhà cung cấp Việt trong lĩnh vực nông sản có cơ hội kết nối với khách hàng quốc tế, xuất khẩu sang nhiều thị trường mới”, Giám đốc phát triển kinh doanh của Alibaba.com Việt Nam Vũ Thế Tùng cho biết.
Thông tin từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), thời gian qua, ngành công thương các tỉnh, thành trên cả nước như: Bắc Kạn, Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bình Định, Cần Thơ… đã đẩy mạnh việc tận dụng sàn thương mại điện tử để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản. Mặc dù, thương mại điện tử tạo cơ hội cho nông sản Việt tiếp cận người tiêu dùng thế giới, nhưng để làm được điều đó vẫn còn những “nút thắt” cần tháo gỡ.
Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp, khó khăn thường gặp khi kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử là việc doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian vào việc đăng tải sản phẩm và update thông tin. Trong khi doanh nghiệp sở hữu nhiều mặt hàng khác nhau, mỗi sản phẩm lại có thông tin chi tiết cũng như số lượng hàng hóa khác nhau. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải dành thời gian để tương tác với khách hàng thường xuyên.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, các tổ chức, cá nhân mới tiếp cận nên việc chăm sóc gian hàng chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, giá bán cũng chưa phù hợp với biến động của thị trường… Mặt khác, việc bán hàng thông qua phương thức phát hình ảnh trực tiếp (livestream), cũng như cách thức tham gia và hoạt động trên nền tảng sàn thương mại điện tử… chưa được triển khai thường xuyên.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh chia sẻ, hầu hết cơ sở kinh doanh, chế biến nông sản theo quy mô hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ. Vì vậy, kỹ năng marketing online không thông thạo, dẫn đến cách đăng tin giới thiệu sản phẩm chưa gây ấn tượng với khách hàng. Ngoài ra, một số đơn vị còn lúng túng trong cách tư vấn, chốt đơn hàng.
Để khắc phục những hạn chế này doanh nghiệp kiến nghị cơ quan chức năng cần tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng cho các hộ sản xuất… qua đó hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. Cùng với đó là hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng cao. Đồng thời, hướng dẫn cách sử dụng nền tảng thương mại điện tử trên máy tính, điện thoại thông minh, để nông dân sớm làm chủ được hình thức bán hàng mới trên sàn thương mại điện tử.
Hỗ trợ xúc tiến thương mại
Việc xúc tiến, hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử được UBND TP Hà Nội đánh giá là hướng đi phù hợp trong giai đoạn hiện nay. Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, cho biết, đầu năm 2022, UBND huyện đã ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.
Ông Lê Văn Tám, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sông Hồng, cho hay, khi bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường, hợp tác xã đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của ngành nông nghiệp Hà Nội và UBND huyện Đông Anh. Cụ thể là trong các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá trên nền tảng số. Từ việc giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, diễn đàn mà đến nay nông sản của hợp tác xã đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố và một số quốc gia…
Để hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 08 về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử. Mục đích nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn của thành phố Hà Nội. Theo đó, sản phẩm nông nghiệp sẽ được quảng bá, giới thiệu lên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn (thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam) và Voso.vn (thuộc Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel).
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các bên liên quan và các sàn thương mại điện tử sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn, tạo tài khoản, gian hàng trên sàn cho các hộ sản xuất. Sở NN&PTNT hỗ trợ kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp tham gia tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử. Đồng thời kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm các sản phẩm nông sản. Sở Công Thương hỗ trợ các sàn thương mại điện tử thủ tục xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu…
Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, cho hay, để đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thời gian tới, ngành nông nghiệp Thủ đô sẽ tập trung phát triển các kênh xúc tiến thương mại điện tử và thúc đẩy chuyển đổi số. Theo đó, sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chủ lực và sản phẩm OCOP. Đồng thời, đa dạng hóa các phương thức truyền thông, quảng bá để mở rộng đối tượng khách hàng tham gia các hoạt động giao thương. Bên cạnh đó là phát triển chuỗi cửa hàng sản phẩm OCOP và sản phẩm chủ lực của địa phương trên các kênh thương mại điện tử và điểm du lịch trên địa bàn thành phố…
Với các sản phẩm chủ lực, ngành nông nghiệp thành phố sẽ xây dựng những thông số về vùng trồng, quy trình sản xuất, chủ thể… tạo điều kiện đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.
Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/go-nut-that-de-nong-san-viet-len-san-thuong-mai-dien-tu-post608132.html