CHẬT VẬT LÀM ĂN TRONG MÙA BÃO LẠM PHÁT TOÀN CẦU

Lê Hoàng / Kinh tế Sài Gòn


(KTSG Online) – Hàng loạt doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau cho biết tình hình hoạt động rất khó khăn do đơn hàng xuất khẩu đang bị sụt giảm mạnh, dẫn đến phải cắt giảm người lao động hoặc thậm chí cho đóng cửa nhà máy.

Tong bối cảnh lạm phát tăng cao và áp lực đồng đô la Mỹ tăng giá, nhiều nhà sản xuất đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn trong kinh doanh, đơn cử là là tình trạng sụt giảm đơn hàng xuất khẩu kéo dài ít nhất đến hết quí 1-2023.

Ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Hàng Việt (Viet Products), cho biết từ đơn hàng xuất khẩu đầy ắp của 6 tháng đầu năm đã đột ngột quay đầu giảm 30-40% trong 3 tháng vừa qua và tiếp tục giảm sâu trong 3 tháng còn lại của năm nay.

“Tình hình rất khó khăn, đơn hàng xuất khẩu trong quí 4 này của chúng tôi nhận bị sụt giảm đến hơn 60% so với những tháng đầu năm nay”, ông Sang chia sẻ, và cho biết sản phẩm của Viet Products chuyên xuất đi thị trường Mỹ và EU, trong khi cả hai thị trường này đang trong tình thế lạm phát tăng cao, kinh tế đối mặt suy thoái.

Trong vai trò thành viên Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), ông Sang cho biết hầu hết các doanh nghiệp trong ngành gỗ bị sụt giảm đơn hàng xuất khẩu khá lớn, dẫn đến tình huống phải thu hẹp quy mô sản xuất, không ít doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.

Theo ông Sang, khoảng 30% người lao động tại Viet Products phải tạm nghỉ việc, tỷ lệ này tại một số công ty đồ gỗ khác còn cao hơn, thậm chí có doanh nghiệp đã tạm thời đóng cửa xưởng sản xuất.

“Thị trường Mỹ và châu Âu chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam. Hai thị trường này đang trong tình hình khó khăn và lạm phát cao khiến người dân thắt chặt mua sắm những mặt hàng không thiết yếu như đồ gỗ”, ông Sang phân tích.

Không chỉ ngành gỗ, hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp khác như dệt may, da giày cũng chia sẻ rằng đang gặp khó khăn không kém do tình hình sản xuất suy giảm.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TPHCM,  dẫn chứng trong tháng 8, nhiều doanh nghiệp còn xuất khẩu hàng hóa cho các đơn hàng tồn đọng, nhưng sang 3 tháng cuối năm thì số lượng đơn hàng sụt giảm mạnh mẽ.

“Các doanh nghiệp hiện nay chỉ cố gắng duy trì đèn sáng trong xưởng. Khi đèn trong xưởng không còn sáng nữa thì đó là lúc doanh nghiệp không còn sản xuất, đồng nghĩa với việc người lao động sẽ không có việc làm và không có thu nhập”, ông Hồng than thở.

“Đây là tình hình chung của thế giới và sư sụt giảm về sức tiêu thụ vẫn sẽ còn tiếp tục kéo dài. Do đó, chúng ta chỉ có thể cố gắng giữ cho sự sụt giảm này ở mức độ vừa phải, còn để vươn lên được trong năm nay là rất khó. Nếu sang năm, những xung đột trên thế giới kết thúc và lạm phát được kéo giảm thì tình hình có thể sẽ khá hơn”, ông Hồng kỳ vọng.

Không chỉ ngành hàng không thiết yếu mà ngay cả các lĩnh vực sản xuất đồ uống, gia vị… vốn khá cần thiết trong đời sống tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng tiêu cực từ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Bà Lê Thị Hoài Thương, Phó giám đốc Công ty TNHH Hồ Tiêu Việt (Viet Pepper), cho biết tình hình sản xuất kinh doanh mặt hàng hàng gia vị các loại với thị trường trong nước (chiếm 30%) và xuất khẩu (70%) đều bị sụt giảm mạnh trong 9 tháng vừa qua. Trong đó, các thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc ghi nhận tổng doanh thu giảm 35% so với cùng kỳ những năm trước đó.

Đáng chú ý, tháng 9 vừa qua xuất khẩu của Viet Pepper giảm đến gần 70%, bình thường mỗi tháng xuất 8-9 container, trong khi tháng vừa qua chỉ còn xuất khoảng 2-3 container.

“Từ tháng 5-9 vừa qua, Viet Pepper đi một vòng các cuộc hội chợ – triển lãm quốc tế ở châu Âu và Mỹ, ghi nhận tình hình mua sắm sụt giảm nhiều, người dân thắt chặt chi tiêu. Thế nhưng, tiêu chuẩn chất lượng mua hàng tại các thị trường này lại được nâng cao lên với các rào cản kỹ thuật khắt khe hơn so với trước đây”, bà Thương chia sẻ, và cho biết: “Một số thị trường châu Âu trước đây công ty đưa hàng vào được nhưng hiện tại lại không bán được hàng vì hàng rào kỹ thuật đặt ra cao hơn trước”.

Doanh nghiệp đã thực hiện cuộc khảo sát và tìm hiểu, nhận thấy tình hình kinh doanh ở Mỹ và châu Âu khá ảm đạm, nhiều cửa hiệu, nhà hàng vẫn chưa mở cửa trở lại như trước khi dịch bệnh xảy ra. Trong khi đó, phần lớn người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu do khó khăn kinh tế, hoặc do thay đổi cách thức tiêu xài sau đại dịch.

Cũng theo bà Thương, thông thường 3 tháng cuối cùng của năm, công ty rục rịch chuẩn bị chuyển đi các đơn hàng chuẩn bị cho mùa lễ hội và năm mới sắp đến. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, các khách hàng ở Mỹ và châu Âu vẫn chưa thấy có động thái  đạt hàng. Tuy nhiên, Viet Pepper vẫn hy vọng có sự thay đổi trong mùa lễ hội năm nay, dù tình hình kinh doanh dự đoán sẽ khó khăn đến hết năm 2023.

Trong khi đó với ông Nguyễn Ngọc Luận, người sáng lập, Giám đốc điều hành Meet More Coffee, tình hình xuất khẩu sản phẩm chế biến từ cà phê và nông sản của công ty trong 9 tháng đầu năm nay tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong tháng 9 vừa qua, đơn hàng xuất khẩu đi EU (Đức, Pháp, Czech và Ba Lan) có dấu hiện chậm lại. Ông dự báo từ đây đến cuối năm, khoảng 10 thị trường nước ngoài của công ty sẽ bị sụt giảm do đồng euro và đô la Úc giảm mạnh so với đồng đô la Mỹ, lạm phát tăng cao, lãi suất ngân hàng tăng, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.

“Khả năng xuất khẩu đi các nước sẽ bị giảm 10-15% trong quí 4 này và dự báo tình hình khó khăn sẽ kéo dài ít nhất là đến hết quí 1-2023”, ông Luận nhận định.

Tình hình sản xuất và xuất khẩu của doanh nghiệp sụt giảm dẫn đến hoạt động dịch vụ vận chuyển hàng hóa cũng gặp khó khăn không kém. Tại diễn đàn về logistics diễn ta tại TPHCM vào đầu tháng 10, các nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển cảm thán với KTSG Online rằng đơn hàng vận chuyển trong 2-3 tháng gần đây của họ bị giảm 30% so với 6 tháng đầu năm, tình hình trong tương lai cũng không khá hơn.

Ông Kiều Ngọc Phương, Thành viên HĐQT (BOD Executive) của Công ty Cơ khí Thương mại Tân Thanh – đơn vị cung cấp container và sơ mi rơ-mooc xe container cho biết, tình hình kinh doanh sơ mi rơ-mooc xe container của doanh nghiệp trong 3 tháng vừa qua giảm 30%, trong khi nửa đầu năm có mức tăng trưởng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Dấu hiện vận chuyển trong nước và xuất nhập khẩu nguyên vật liệu và hàng hóa của các doanh nghiệp trong những tháng vừa qua bị sụt giảm mạnh do kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, đặc biệt là lạm phát các nước tăng cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu khiến dịch vụ vận chuyển cũng khó khăn không kém”, ông Phương nhận định để lý giải việc kinh doanh sơ mi rơ-mooc xe container của công ty ông cũng sụt mạnh theo, và ông dự báo khó khăn kinh tế thế giới tiếp tục  khiến doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó khăn trong những tháng cuối năm và đầu năm tới.

Báo cáo về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global thực hiện được HS Markit công bố hôm 3-10, cho thấy tốc độ tăng số lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài là chậm nhất trong mười tháng và tồn kho hàng thành phẩm của doanh nghiệp tăng cao nhất trong gần một năm rưỡi.

Trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ tháng 10-2022 vừa công bố, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi mạnh mẽ và dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay sẽ đạt 7,2% trên cơ sở nhu cầu trong nước phục hồi mạnh mẽ và các hoạt động chế biến, chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc. Đây là mức tăng dẫn đầu khu vực (các quốc gia đang phát triển khu vực được dự báo là 5,3%, Trung Quốc là 2,8%).

Tuy nhiên, WB cũng cảnh báo nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những rủi ro suy thoái ngày càng lớn liên quan đến sự suy giảm kinh tế của các đối tác thương mại chính, lạm phát toàn cầu và rủi ro tài chính gia tăng. Trong ngắn hạn, các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là hài hòa giữa nhu cầu duy trì chính sách hỗ trợ để củng cố sự phục hồi, trong bối cảnh môi trường toàn cầu suy yếu và phải kiểm soát lạm phát, các rủi ro tài chính đang nổi lên.

Trong đó, sức ép tăng tỉ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam (USD/VND) là một trong những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt thời gian qua. Theo các chuyên gia kinh tế nhận định: đồng đô la sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới, tạo sức ép lên đồng nội tệ. Nếu đồng đô la tiếp tục mạnh lên, tình hình xung đột Nga – Ukraine vẫn leo thang… thì Việt Nam nên lường trước khả năng tiền đồng có thể mất giá hơn nữa và chắc chắn doanh nghiệp trong nước sẽ bị ảnh hưởng bởi việc này.

Nguồn: https://thesaigontimes.vn/chat-vat-lam-an-trong-mua-bao-lam-phat-toan-cau/

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *