Nghịch lý bán xăng

Trần Hữu Hiệp / VNExpress


Chủ một cửa hàng xăng dầu ở miền Tây than vãn với tôi khi buộc phải đóng cửa, nghỉ bán: “Gồng hết nổi rồi anh ơi. Bán nhiều, lỗ nhiều mãi sao chịu thấu”…

Để thành lập một cửa hàng bán lẻ, anh phải chạy đủ hơn 10 thủ tục: xin chủ trương đầu tư, xác định đúng quy hoạch, lo chuyển mục đích sử dụng đất, chạy giấy phép xây dựng, giấy phép đấu nối, giấy phép phòng cháy chữa cháy, giấy phép môi trường, giấy chứng nhận kiểm định thiết bị đo lường, giấy đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, chứng nhận tập huấn phòng cháy chữa cháy, chứng nhận tập huấn bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận nghiệp vụ bán hàng… mà mỗi loại giấy liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một cơ quan khác nhau.

Bây giờ phải đóng cửa, anh, cũng như nhiều chủ cửa hàng bán lẻ khác, rất tiếc công xót của. Những đại lý còn hoạt động thì chấp nhận hứng chịu sự bức xúc của người dân. Hôm 6/10, do phải chờ đợi quá lâu để đổ xăng, một vị khách đã cầm dao, lao tới rượt đuổi nhân viên bán hàng tại một cây xăng ở TP HCM, khiến người này phải vứt cò bơm xăng, chạy đi kiếm xẻng để tự vệ.

Báo cáo của cơ quan chức năng cho hay, thiếu hụt chỉ là hiện tượng cục bộ, tình hình tiêu thụ xăng dầu vẫn ổn định. Bộ Công thương đã chỉ đạo sát sao, bám vào giá của thị trường thế giới.

Thực tế, tình hình tiêu thụ xăng dầu đang căng thẳng. Câu hỏi đặt ra là: ngoài lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, xử phạt vi phạm, vai trò của ngành công thương và các ngành liên quan đang ở đâu trước tình trạng lộn xộn kéo dài này? Bộ Công Thương liên tục bị chất vấn về việc “xăng dầu hiện thiếu hay đủ?”, nhưng không có câu trả lời rõ ràng. Bộ chỉ đưa ra con số “kế hoạch” của các nhà máy lọc dầu, các doanh nghiệp nhập khẩu, mà kế hoạch thì thường theo chu kỳ ba tháng, nửa năm. Nên nếu hỏi trong tháng 10 này có đủ xăng bán cho dân không thì không trả lời được. Hiện trạng là doanh nghiệp bán lẻ đóng cửa. Cơ quan quản lý và doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thì lấy hết lý do này đến lý do khác biện minh cho chuyện dân không mua được xăng.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, chi phối giá thành của hầu hết sản phẩm, dịch vụ và trực tiếp ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống người dân. Thông thường, khi giá một mặt hàng tăng vọt, tạo ra hiện tượng hiếm hàng sẽ xuất hiện tranh mua; khi giá xuống thấp, hàng hóa tồn đọng thì tranh bán. Nhưng tình hình bán lẻ xăng dầu ở hầu hết địa phương hiện nay đang diễn ra theo chiều ngược lại, trái quy luật.

Khi giá bán lẻ giảm sâu theo giá thế giới, liên tiếp các cửa hàng xăng dầu tại nhiều tỉnh, thành phố treo biển tạm nghỉ. Lý do họ đưa ra khá đa dạng: Bảo dưỡng, cải tạo bồn bể, sửa chữa cửa hàng. Nhưng khi bức xúc của người dân lên cao, nhiều chủ đại lý bán lẻ căng biển nêu lý do thật, như một cách thanh minh: do chiết khấu hoa hồng thấp, không đủ bù chi phí nên càng bán càng lỗ.

Nhà nước quản lý xăng dầu bằng việc đảm bảo nguồn cung thông qua doanh nghiệp đầu mối, sử dụng công cụ thuế, Quỹ bình ổn và quy định giá bán lẻ xăng dầu. Doanh nghiệp đầu mối và các đơn vị bán lẻ, các đại lý, cửa hàng tự thỏa thuận mức hoa hồng chiết khấu.

Nhiều doanh nghiệp đầu mối, trước khả năng khan nguồn cung, giá xăng dầu thế giới tăng, có thể đã phải trả chi phí cao để nhập về lượng hàng lớn, nhằm đảm bảo nguồn cung và có thể hưởng lợi khi giá tăng. Nhưng giá xăng dầu thế giới lại đảo chiều, Nhà nước vì thế điều chỉnh giá bán. Để hạn chế thua lỗ, doanh nghiệp đầu mối siết lại hoa hồng chiết khấu cho đại lý bán lẻ ở mức thấp, có lúc bằng 0.

Các cửa hàng bán lẻ vì thế kinh doanh không có lãi, càng bán càng lỗ, do họ còn phải gánh chi phí nhân công, vận chuyển, thuế… Dễ hiểu vì sao họ ngừng hoạt động, khiến người dân không mua được xăng dầu.

Để tháo gỡ tình trạng này, ngoài việc kiểm tra, xử lý các trường hợp “găm hàng”, cần tiếp cận tổng thể, hài hòa lợi ích các bên, gồm Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng.

Công thức tính “giá cơ sở”, quyết định giá bán lẻ xăng dầu hiện chỉ áp dụng đến chỗ doanh nghiệp đầu mối. Hệ thống đại lý, cửa hàng bán lẻ – nơi cuối cùng đưa xăng dầu đến người tiêu dùng – đang bị bỏ ngỏ, để mặc thương nhân đầu mối sử dụng lợi thế nắm nguồn cung, ép giá.

Vì vậy, một cơ chế điều hành giá xăng, bao gồm khung chiết khấu hoa hồng cho bán lẻ là thứ được chờ đợi hiện nay. Xác định “khung chi phí hợp lý” sẽ giúp ngăn chặn tình trạng trục lợi, tạo điều kiện cho các thương nhân đầu mối xăng dầu xác định đúng mức chiết khấu.

Tình trạng bất ổn của kinh doanh xăng dầu hiện tại không thể giải quyết bằng cách áp đặt các biện pháp hành chính như rút giấy phép, khi mà các cửa hàng bán lẻ đang rơi vào nghịch lý bán nhiều, lỗ nhiều.

Nguồn: https://vnexpress.net/nghich-ly-ban-xang-4521684.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *