Doanh nghiệp cần gì?

Nguyễn Hoa Cương – VNExpress

Tôi vừa dự cuộc họp tham vấn chuyên gia của một ủy ban Quốc hội. Một cựu quan chức cấp thứ trưởng, giờ là chủ tịch hội đồng quản trị một doanh nghiệp lớn, chia sẻ: “Giờ ra kinh doanh tôi mới hiểu làm doanh nghiệp khó như thế nào”.

Hơn 20 năm làm việc với các doanh nghiệp, tôi đã chứng kiến nhiều cái khó của họ. Vài tháng trước, tôi có trao đổi với lãnh đạo sở một số tỉnh phía Nam nhằm nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp. Các anh chị cho biết, bên cạnh nguồn vốn, doanh nghiệp đề xuất làm thế nào để các quy định pháp luật trở nên đơn giản, dễ nắm bắt, tạo thuận lợi cho họ trong việc tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ. Doanh nghiệp cũng mong muốn được hỗ trợ kịp thời khi có khó khăn, vướng mắc. Một số doanh nghiệp từng gặp phải các vấn đề bất cập của chính sách và đã nỗ lực phản ánh với địa phương hoặc cơ quan chức năng. Nhưng thời gian chờ đợi giải quyết quá lâu, đến khi được triển khai hoạt động hỗ trợ, doanh nghiệp đã vụt mất cơ hội kinh doanh, tệ hơn là đã phá sản.

Một doanh nghiệp ở Bà Rịa – Vũng Tàu nhập loại bình chứa gas có thể tái sử dụng nhiều lần để tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, cơ quan hải quan gặp khó khăn trong việc áp đúng mức thuế với bình chứa vì loại hàng hoá này không nằm trong danh mục quy định. Trong khi chờ đợi đơn vị hải quan tham vấn các cấp liên quan, doanh nghiệp không nhập được hàng, chấp nhận tồn đọng vốn rất lâu.

Trong quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chúng tôi nhận được hai loại câu hỏi. Loại thứ nhất có thể đến từ bất cứ doanh nghiệp nào, hỏi về cơ quan sẽ hỗ trợ họ khi gặp khó khăn. Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi cố gắng đưa vào luật, văn bản dưới luật những hình thức hỗ trợ nhắm đến số đông hoặc tất cả doanh nghiệp, liên quan đến tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm thiểu chi phí tuân thủ về tài chính và thời gian cho doanh nghiệp; hoặc liên quan đến việc cung cấp thông tin cần thiết cho doanh nghiệp.

Câu hỏi thứ hai thường đến từ nhà quản lý, hoặc các cơ quan quốc hội, rằng, ngân sách nhà nước có hạn, làm sao có thể hỗ trợ tất cả doanh nghiệp. Với câu hỏi này, chúng tôi cố gắng xây dựng các chương trình, dự án có trọng tâm, liên quan đến các đối tượng doanh nghiệp cụ thể, để ngân sách bỏ ra đem lại hiệu quả cao nhất. Vì không một quốc gia nào, dù đông dân, giàu có đến đâu, đủ nhân lực, ngân sách để hỗ trợ trực tiếp tất cả doanh nghiệp.

Có hai câu chuyện về cách thức hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nước ngoài tôi được học đã lâu nhưng đến giờ vẫn thấy khó quên. Năm 2006, khi tổ chức một đoàn học tập kinh nghiệm ở một số nước châu Âu, chúng tôi biết Đan Mạch có một quỹ từ nguồn ngân sách nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc xem xét các phương án kinh doanh khả thi để qua đó có thể tài trợ tối đa một triệu euro. Nội dung này không quá mới. Điểm mới xuất hiện khi trong đoàn có người hỏi rằng nếu để thua lỗ, mất tiền hỗ trợ của quỹ, doanh nghiệp có phải chịu hậu quả gì không. Câu trả lời từ phía Đan Mạch là không phải chịu hậu quả gì, nếu họ nhận tiền và thực thi đúng phương án kinh doanh được phê duyệt. “Kinh doanh có nhiều rủi ro, nên khi thua lỗ xảy ra, chúng tôi hiểu đây đơn thuần là không may mắn thôi”.

Câu chuyện thứ hai xảy ra năm 2009 khi tôi dẫn đại diện một số địa phương đến Nhật Bản học về mô hình shindanshi (chẩn đoán viên), nôm na là hình thức chuyên gia tư vấn sâu, được thuê đến đánh giá toàn diện thực trạng doanh nghiệp, trên cơ sở đó đưa ra khuyến nghị để cải thiện hoạt động. Chi phí, tùy lĩnh vực, năng lực và kinh nghiệm của chuyên gia, tương đương 500-1.000 USD/ngày, một kỳ làm việc có thể kéo dài hàng chục ngày. Doanh nghiệp tự tìm chuyên gia phù hợp trên cơ sở dữ liệu do Hiệp hội Shindanshi toàn quốc hoặc thành phố xây dựng và công bố trên web; tự trao đổi, thỏa thuận để ký hợp đồng.

Đoàn Việt Nam hỏi các bạn Nhật “Khi các chuyên gia ký được hợp đồng, họ có nghĩa vụ ‘phải làm gì không’ đối với hiệp hội?”, phải mất một lúc giải thích “phải làm gì không” nghĩa là “hoa hồng, lại quả”, các bạn Nhật mỉm cười cho biết ngoài phí hội viên hàng năm khoảng vài trăm USD, các chuyên gia không phải đóng góp bất cứ chi phí gì dưới bất cứ hình thức nào, và bản thân việc trở thành chuyên gia Shindanshi cũng nhận được sự tôn trọng lớn của xã hội Nhật.

Không chỉ khác biệt về tư duy quản lý hay vận hành xã hội, mà sự khác biệt về văn hóa, điều kiện kinh tế cũng làm chúng ta khó áp dụng ngay các bài học của nước ngoài. Nhưng đã đến lúc cần thay đổi để hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân một cách sâu sát, hiệu quả hơn.

Khi xây dựng báo cáo thực hiện Nghị quyết 10 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, chúng tôi nhận ra, các doanh nghiệp tư nhân đã đạt những bước tiến mạnh mẽ, không chỉ quy mô quốc gia mà còn ở khu vực, phần nào đó ở quy mô thế giới. Việt Nam có những khách sạn hay khu nghỉ dưỡng được trao giải thưởng đẹp nhất thế giới, đẹp nhất châu Á, lãng mạn nhất thế giới, top 10 điểm đến mới. Doanh nghiệp tư nhân cũng tham gia đầu tư sân bay, đường cao tốc… Đầu tư tư nhân trong một số ngành như xây dựng, phát triển bất động sản được báo chí nước ngoài đánh giá là có sự quản lý hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ so với thời gian trước đó.

Gần đây nhất, nỗ lực của các bạn trẻ khởi nghiệp đã thu hút mối quan tâm ngày càng lớn của các quỹ đầu tư và Việt Nam ghi được tên mình trong bản đồ kỳ lân công nghệ (doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được định giá trên một tỷ USD) của thế giới với bốn start-up, trong đó start-up mới nhất chỉ mất ba năm để đạt được mức vốn này.

Với bối cảnh môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn những rào cản và ngân sách nhà nước dành cho công tác hỗ trợ doanh nghiệp chưa nhiều như kỳ vọng, rõ ràng các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã nỗ lực phi thường để đóng góp cho xã hội và đất nước. Câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp có thể tăng trưởng thêm đến đâu, nền kinh tế có thể tiến xa thêm đến đâu, nếu môi trường kinh doanh ở trung ương và địa phương được cải cách mạnh mẽ hơn, nếu các cơ quan quản lý thật sự đặt doanh nghiệp là trọng tâm hỗ trợ thay vì cái gì không quản được thì cấm hoặc đặt ra các điều kiện khó dễ.

Nhiều năm trước, một sở của Thanh Hóa làm được một việc tuy nhỏ, nhưng rất có ích với doanh nghiệp, đấy là đảm bảo rằng doanh nghiệp đến làm thủ tục hành chính sẽ được hướng dẫn đầy đủ, dễ hiểu để chỉ phải bổ sung thông tin, chỉnh sửa hồ sơ, văn bản… không quá một lần. Không có hiện tượng doanh nghiệp phải đi lại lần này đến lần khác, mỗi lần chỉ để thực hiện một yêu cầu khác nhau. Việc này nếu được thực hiện đồng loạt ở tất cả địa phương, sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho xã hội.

Và nếu nhiều việc nhỏ như vậy cùng đồng loạt được thực hiện, doanh nghiệp có cơ hội thoát khỏi khả năng “chết trước khi được cứu”.

Khi ra về cùng vị doanh nhân cựu thứ trưởng sau cuộc họp, chúng tôi nói về giá trị của việc trải nghiệm “làm doanh nghiệp khó như thế nào”. Nếu cơ quan quản lý đặt mình vào vai chủ doanh nghiệp, đừng tạo thêm rào cản hay chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp, nền kinh tế đất nước chắc chắn sẽ phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.

Nguồn: https://vnexpress.net/doanh-nghiep-can-gi-4522628.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *