Hằng Nga / ZingNews
Lạm phát tăng mạnh đi kèm với lãi suất cao đã gây ra áp lực giá cả trên nhiều ngành hàng tại Mỹ, khiến người dân nước này phải cân nhắc lại về kế hoạch chi tiêu.
Theo Wall Street Journal, trong tháng 9 vừa qua, tỷ lệ chi tiêu của người dân Mỹ cho từng mặt hàng có nhiều thay đổi. Nguyên nhân chủ yếu là tình hình lạm phát tăng nhanh tác động mạnh lên giá cả của nhiều ngành hàng.
Theo dữ liệu từ Chính phủ Mỹ, người dân nước này hiện phải chi nhiều tiền hơn cho các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, vì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của ngành hàng này tăng mạnh. Ngược lại, những sản phẩm khác như xăng dầu hay đồ nội thất có tỷ lệ chi tiêu ít hơn so với tháng trước.
Tổng doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 9 vừa qua không chênh lệch nhiều so với tháng trước đó, trong khi con số này ở tháng 8 đã tăng 0,4% so với tháng 7.
“Sự thay đổi chủ yếu là ở tỷ trọng chi tiêu cho các mặt hàng”, Bộ Thương Mại Mỹ cho biết thêm.
Chỉ số giá tiêu dùng tại Mỹ của các mặt hàng thiết yếu từ năm 2020-2022. Nguồn: WSJ. |
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, lạm phát nước này đã tăng tới 0,4% trong tháng 9, lớn hơn mức tăng trong tháng 8 là 0,1%. CPI cốt lõi – không tính giá các mặt hàng có biến động lớn như thực phẩm và năng lượng – cũng tăng khoảng 0,6% trong tháng vừa qua, gây ra nhiều áp lực đối với người tiêu dùng.
Dành nhiều tiền hơn cho thực phẩm
WSJ cho biết giá thực phẩm tại Mỹ đã tăng tới gần 1% trong tháng 9, và tăng khoảng 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cả tăng ở mức kỷ lục đã khiến người tiêu dùng phải bỏ ra nhiều tiền hơn khi đi chợ hay đến các nhà hàng và quán bar, đồng thời cũng phải cân nhắc lại về kế hoạch chi tiêu cho gia đình.
Giá thực phẩm tiêu thụ tại nhà – chủ yếu là các sản phẩm tạp hóa – đã tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 13% so với một năm trước đó. Con số này ở một số loại thực phẩm chưa chế biến như thịt lợn và rau củ cũng tăng lần lượt 14,7% và 10,4%.
Giá các sản phẩm từ bơ và sữa có mức tăng kỷ lục 32,3% so với năm 2021, tức là giá đã tăng gấp 1,3 lần. Bên cạnh đó, giá bột mì và các mặt hàng từ ngũ cốc cũng tăng tới 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái – xác lập mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1978.
Đối với các hộ gia đình hay đi ăn hàng thì tình hình còn khó khăn hơn, khi giá đồ ăn trung bình tại các nhà hàng hay các quán cà phê đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021, đạt tới con số 91,4%.
Giá cả tại các nhà hàng, quán bar tại Mỹ đã tăng gần gấp đôi so với tháng 9/2021. Ảnh: Victor J. Blue. |
Đặc biệt, giá cả tại các địa điểm ăn uống gần trường học hay khu công sở còn tăng mạnh hơn nữa.
Cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng khác
Trong khi giá thực phẩm tăng mạnh thì giá xăng dầu tại Mỹ lại có xu hướng giảm bớt. Tính đến tháng 9 thì đây đã là tháng thứ 3 liên tiếp người dân nước này chi tiêu ít hơn cho xăng dầu. Doanh thu bán lẻ của ngành hàng này trong tháng 9 cũng giảm khoảng 5% so với tháng trước, mặc dù vẫn tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo OPIS – một công ty chuyên nghiên cứu về dữ liệu năng lượng – giá xăng tại Mỹ đang ở mức 3,9 USD/gallon, giảm gần 2 USD so với mức đỉnh tại tháng 6.
Các mặt hàng tiêu dùng khác như quần áo, đồ nội thất hay ôtô cũ cũng giảm giá nhẹ trong tháng vừa qua, gây ít áp lực hơn đối với người tiêu dùng. Theo nhiều chuyên gia, điều này có được là nhờ các chuỗi cung ứng đã thông suốt trở lại, các công ty xả bớt hàng tồn kho, và đồng USD mạnh lên giúp giảm giá hàng nhập khẩu.
Giá xăng sụt giảm đã phần nào giảm bớt áp lực cho người tiêu dùng. Ảnh: WSJ. |
Giá các sản phẩm như quần áo, giày dép đang giảm mạnh vì đã đến thời gian giao mùa, các nhà bán lẻ muốn bán thật nhanh để chuyển sang quần áo mùa khác. Trong khi đó, giá các mặt hàng nội thất và đồ gia dụng giảm mạnh vì lượng cầu trên thị trường không nhiều, nhất là khi lãi suất thế chấp tăng khiến thị trường nhà ở suy thoái.
Ngoài ra, giá ôtô mới vẫn tăng 0,7% trong tháng này do các vấn đề về hàng tồn kho và chuỗi cung ứng. Trong khi đó, giá ôtô và xe tải cũ lại tăng 1,1% do tình trạng thiếu nguồn cung.
Nguồn: https://zingnews.vn/nguoi-my-giam-mua-xang-dau-chi-tieu-nhieu-cho-thuc-pham-post1366123.html