MINH HOÀ / Lao Động
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia ngành F&B (thực phẩm và đồ uống) đang phải vật lộn, gặp trở ngại vì không thể đạt được mục tiêu khi đặt chân vào thị trường Việt Nam.
Cạnh tranh thị phần
McDonald’s và Burger King là hai thương hiệu nổi tiếng trong ngành F&B toàn thế giới. Thế nhưng khi đến Việt Nam, cả 2 thương hiệu này chưa thể thực hiện hóa tham vọng “phủ sóng”, thậm chí còn liên tục rơi vào thảm cảnh thua lỗ. Nguyên nhân được cho là mảng ẩm thực đường phố tại Việt Nam rất đa dạng về đồ ăn, thức uống, có mức giá bình dân, phù hợp với đại bộ phận người dân… Do đó, các “gã khổng lồ” ngành F&B không thể cạnh tranh với các cửa hàng ẩm thực nhỏ lẻ tại đây.
Nhiều chuyên gia cho rằng, McDonald’s và Burger King có thể đang đi sai hướng khi áp dụng máy móc chiến lược kinh doanh ở phương Tây cho thị trường phương Đông. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này rất khó hạ giá đồ ăn nhanh vì cửa hàng của họ thường nằm ở vị trí đắc địa, chi phí mặt bằng và marketing quá lớn. Trong khi đó, những cửa hàng ẩm thực đường phố Việt Nam hầu như không phải chi các khoản này, đặc biệt là chi phí marketing.
Ra mắt thị trường trong nước cách đây vài năm thế nhưng chuỗi cửa hàng Soya Garden cũng nhanh chóng rơi vào cảnh thua lỗ. Do chi phí mặt bằng quá cao, chuỗi cửa hàng Soya Garden đã phải đóng cửa tại nhiều vị trí “vàng” ở các quận trung tâm Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Ngoài Soya Garden, một số cửa hàng Highland Coffee, Starbucks, The Coffee House… sau dịch COVID-19 cũng đang trả lại một số mặt bằng và thu hẹp kinh doanh. Đến nay, trong bối cảnh chi phí vận chuyển và giá nguyên liệu đầu vào vẫn đang tăng cao, các doanh nghiệp F&B vẫn đối mặt với những thách thức về tài chính.
Cân nhắc để giảm gánh nặng chi phí
Bà Hoàng Nguyệt Minh – Giám đốc Cấp cao Bộ phận Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội – cho biết, vấn đề mặt bằng là một yếu tố quan trọng mà doanh nghiệp cần phải xem xét kỹ trong quá trình mở cửa và hoạt động kinh doanh.
Thông thường, khách thuê mới sẽ phải thanh toán ba tháng tiền đặt cọc và ba tháng tiền ngay từ ban đầu. Điều này cũng sẽ tạo thêm gánh nặng về nguồn vốn đầu tư cho các doanh nghiệp F&B. Nếu như doanh nghiệp lựa chọn vị trí không chính xác thì tiền đền bù do đóng cửa hay di dời cũng sẽ rất tốn kém.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp F&B và một số nhãn hàng ẩm thực khác, bà Hoàng Nguyệt Minh cho rằng, những năm gần đây, các doanh nghiệp F&B đã và đang là ngành dịch vụ bán lẻ có tốc độ mở rộng cửa hàng nhanh nhất tại cả Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Các đơn vị ngành hàng F&B luôn chú trọng đầu tư vốn ban đầu lớn, từ hệ thống bếp, đến cơ sở vật chất, trải nghiệm từ chỗ ngồi của khách hàng, do vậy khi gặp khó khăn, các cửa hàng này gần như không thể trụ được về mặt tài chính.
Do vậy, các doanh nghiệp nên cố gắng tối ưu hoá giá trị và khả năng sử dụng mặt bằng. Khi lựa chọn địa điểm cửa hàng, các đơn vị kinh doanh cần tính toán những yếu tố như đối tượng khách hàng tiềm năng trong khu vực, khả năng tiếp cận với người đến sử dụng dịch vụ và người giao hàng, hay khả năng thay đổi linh hoạt giữa các mô hình kinh doanh trực tiếp và trực tuyến. Đưa ra sự lựa chọn địa điểm cho doanh nghiệp thuê mặt bằng thì khối đế và trung tâm thương mại sẽ là lựa chọn tốt nhất.
“Bản thân các cửa hàng F&B đang giảm số lượng các cửa hàng mở theo chuỗi. Với một số đơn vị đặc thù như cửa hàng đồ ăn nhanh, doanh nghiệp sẽ tìm kiếm những địa điểm có kho bếp tiện lợi cho việc chế biến đồ mang đi thay vì thuê mặt bằng với giá cao để thu hút khách như trước đây. Dù là nhà phố hay trung tâm thương mại, yếu tố địa điểm sẽ quyết định đáng kể sự thành công của hoạt động kinh doanh. Bởi vậy, các doanh nghiệp F&B sẽ cần phải đưa ra những lựa chọn phù hợp với chiến lược của mình ngay từ ban đầu” – bà Hoàng Nguyệt Minh lưu ý thêm.
Nguồn: https://laodong.vn/bat-dong-san/dai-gia-nganh-fb-meo-mat-vi-chi-phi-mat-bang-1089061.ldo