Đứng dậy sau phá sản, doanh nhân công nghệ thành người giàu thứ hai ở Boston

Người Đồng Hành – Hồng Ngọc

Robert Hale, 56 tuổi, CEO Granite Telecommunications, là một doanh nhân luôn giữ những thói quen hàng ngày. Một ngày làm việc điển hình của ông sẽ bắt đầu với việc giành vị trí đỗ thứ 5 – con số may mắn của ông – trong bãi xe, uống hết 4 ly cà phê Dunkin ‘decaf lớn (2 vào buổi sáng, 2 vào buổi chiều), giám sát buổi tập luyện của một nhóm nhân viên vào 6h30 sáng và nhóm thứ hai vào buổi trưa, làm việc rồi nhanh chóng về nhà ăn tối với Karen, người vợ đã gắn bó với ông 28 năm. Hale giải thích: “Cuộc sống của tôi rất khuôn phép và hầu như không sai lệch nhiều”.

Chính sự kỷ luật trong mọi khía cạnh cuộc sống đã giúp Hale thu về những lợi ích kinh tế lớn. Công ty Granite đã đạt doanh thu hơn 1,6 tỷ USD vào năm ngoái và không có nợ dài hạn. Đứng dậy sau khi công ty tâm huyết đầu tiên sụp đổ 20 năm trước, Hale hiện có khối tài sản 5 tỷ USD từ 70% cổ phần ước tính trong Granite và là một trong 400 người giàu nhất nước Mỹ.

-5221-1665051702.jpg
Tỷ phú công nghệ Robert Hale. Ảnh: Forbes.

Nền tảng công nghệ 150 năm tuổi

Khác với những nhà đầu tư hiện đại quan tâm đến blockchain, metaverse hay điện toán đám mây, Hale đã xây dựng đế chế viễn thông thế kỷ 21 dựa trên nền tảng công nghệ 150 năm tuổi: đường dây điện thoại dây đồng xoắn, hay thuật ngữ trong ngành gọi là POTS (Plain Old Telephone Service). Cụ thể, Granite thuê những đường dây cổ điển này từ các công ty điện thoại, sau đó bán lại dịch vụ cho các doanh nghiệp với giá cao.

POTS có một lợi thế rất lớn so với cáp quang và không dây, khi có thể hoạt động ngay cả khi mất điện nhờ khả năng truyền năng lượng điện của đồng xoắn. Do đó, POTS có thể cung cấp năng lượng cho các thiết bị cần thiết như hệ thống báo cháy, hệ thống an ninh và điện thoại thang máy khẩn cấp. “Các chuyên gia phố Wall nghĩ rằng thiết bị này không thể tiếp tục tồn tại, nhưng những nhà bán lẻ lớn trên khắp thế giới đều có một vài dòng POTS”, Hale cho biết.

Granite nhắm đến các nhà bán lẻ quốc gia muốn có một đầu mối liên hệ duy nhất cho nhiều đường dây điện thoại đặt tại những nơi khác nhau như Nike, CVS và PepsiCo…. Như vậy, khi một đường dây POTS ở đâu đó gặp sự cố, các kỹ thuật viên những hãng này không cần tìm đến các nhà cung cấp dịch vụ điện thoại địa phương mà sẽ có đầu mối chính là Granite sửa lỗi cho họ.

Hale giải thích: “Bất kỳ thương hiệu lớn nào cũng không muốn giao dịch với tận 7,8 công ty điện thoại cho đường dây dịch vụ của mình”.

-5574-1665051702.jpg
POTS là viết tắt của Plain Old Telephone Service, đề cập đến hệ thống điện thoại truyền thống, trong đó việc truyền thoại analog diễn ra thông qua các dây đôi đồng xoắn. Ảnh: Unitedworldtelecom

Tuy nhiên, trong kỷ nguyên công nghệ ngày nay, Granite cũng đang phải đau đầu với bài toán tồn tại.

Năm ngoái, theo Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ, chỉ còn 32 triệu đường dây POTS đang hoạt động ở nước này, so với con số 123 triệu vào năm 2010. Một trong những nguyên nhân là việc sửa chữa hay bảo trì các đường dây đồng rất tốn kém và khó khăn. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ cũng đã yêu cầu các công ty điện thoại duy trì các đường dây POTS hoặc bán lại cho các đối thủ cạnh tranh như Granite trong nhiều thập kỷ qua, nhưng điều này cũng đã giảm dần trong những năm gần đây.

Hồi tháng 3, AT&T và Verizon, những nhà cung cấp POTS lớn nhất của Mỹ, đã thông báo kế hoạch ngừng kích hoạt một nửa đường dây đồng vào năm 2025. Nhiều doanh nghiệp đã chuyển sang hệ thống điện thoại trực tuyến hay VoIP – giao thức thoại qua Internet”. Các công ty vẫn dựa vào POTS để báo cháy. Tuy nhiên, các dịch vụ quan trọng khác đang dần thay thế POTS các hệ thống không dây kèm hỗ trợ bằng pin khác. 

Granite cũng không ngoài cuộc. Doanh thu hàng năm từ hoạt động kinh doanh POTS của công ty đã lần đầu tiên giảm vào năm ngoái. Denise Munro, chuyên gia tư vấn tại công ty chuyên quản lý chi phí viễn thông CRG Telecom, cho biết: “Nhìn từ góc độ của thị trường ngày nay, POTS có thể sẽ không thể tồn tại nữa”.

Hale đang muốn mở rộng mảng bán buôn của Granite trong các thị trường mới. Bên cạnh POTS, công ty hiện cho thuê cáp internet và mua thiết bị không dây với số lượng lớn sau đó thu phí quản lý hàng thàng.  

Dòng POTS hiện chỉ chiếm một nửa doanh thu của Granite. Các sản phẩm VoIP không dây và cáp của hãng hiện lần lượt chiếm 20% và 15% doanh số bán hàng. Năm ngoái, Granite đã thực hiện thương vụ mua lại đầu tiên, chi 20 triệu USD để thâu tóm EPIK, một nhà sản xuất thiết bị thay thế POTS, để phục vụ những khách hàng cũ không còn nhu cầu với dòng sản phẩm này. 

Tuy nhiên, càng xa rời mảng kinh doanh chính lâu đời, Granite càng phải cạnh tranh nhiều hơn với các đối thủ đáng gờm như các công ty điện thoại, cáp quang Verizon, AT&T, Charter, RingCentral và 8X8. Mặc dù vậy, lượng khách hàng trung thành của Granite vẫn tương đối ổn định, bởi công ty có sự kết nối và chăm sóc khách hàng tốt. 

Hale khẳng định, “chúng tôi luôn tự hào về việc thường xuyên trò chuyện với khách hàng. Không chỉ giao dịch kinh doanh, đó là việc xây dựng mối quan hệ với khách hàng”. 

Đứng dậy sau thời kỳ bong bóng dot-com

-7058-1665051702.jpg
Sau khi công ty đầu tiên sụp đổ sau sự kiện bong bóng dot-com, Hale dồn sức vào phát triển Granite. Ảnh: The Patriot Ledger. 

Robert Hale sinh năm 1966 và lớn lên ở Northampton, một thị trấn 30.000 người ở phía tây Massachusetts, Mỹ. Năm 1988, Hale bắt đầu công việc đầu tiên là nhân viên bán hàng tại công ty điện thoại đường dài MCI sau đó nhảy sang làm cho New England Telephone, một nhà mạng địa phương (hiện thuộc sở hữu của Verizon).

Năm 1990, ông thành lập công ty đầu tiên, Network Plus với 400.000 USD vay từ bố mẹ. Công ty khởi đầu với ý tưởng tiền đề cho sự phát triển của Granite: mua sỉ và bán các đường dây điện thoại đường dài giá rẻ cho các doanh nghiệp nhỏ. “Từ năm 91 đến năm 98, chúng tôi đã kinh doanh có lãi”, ông nhớ lại. “Chúng tôi đã có một giai đoạn kinh doanh tuyệt vời”.

Ông kể lại, “sau đó, vào năm 98, Goldman Sachs đã gọi cho tôi và nói “Bạn có muốn mở một đợt chào bán trái phiếu không?” và tôi đáp “Tôi chỉ có chuyên môn về viễn thông, tôi không phải một người làm tài chính”. Ông lớn phố Wall khi ấy đã hứa hẹn nếu Hale thực hiện một đợt IPO, ông sẽ trở thành một tỷ phú. 

Đó là thời điểm gần đỉnh điểm của bong bóng dot-com, và các nhà đầu tư đang “ném tiền” vào tất cả các lĩnh vực viễn thông. Network Plus đã vay 200 triệu USD với kế hoạch xây dựng mạng điện thoại khu vực. Công ty đã lên sàn vào tháng 6/1999 và chỉ trong phút chốc, Hale đã thực sự trở thành một tỷ phú.

Nhưng sau đó, tất cả đã sụp đổ. Khi bong bóng dot-com tan vỡ, Network Plus cũng buộc phải tuyên bố phá sản vào tháng 2 năm 2002. Công ty đã phải bán tài sản còn lại với giá dưới 16 triệu USD và sa thải hàng trăm nhân viên.

“Xây dựng một mạng lưới giống như xây một cây cầu, và chúng tôi chỉ còn lại một nửa cây cầu”, Hale chia sẻ. “Tôi sút cân nghiêm trọng vì không thể ăn uống được gì. Mỗi buổi sáng, tôi thức dậy và nôn ói. Tôi cảm thấy như có vết cứa trong lòng”.

Hale sau đó đã dồn toàn bộ sức lực vào Granite. Ban đầu, ông đặt kế hoạch xây dựng một mạng điện thoại khác nhưng quá tốn kém. Vì vậy, Granite đã cho thuê một số đường dây điện thoại ở khu vực Boston. “Chúng tôi có được một lượng khách hàng và bắt đầu xây dựng quy mô nhỏ, rồi triển khai các thiết bị chuyển mạch”. Và Hale thừa nhận, công ty đã thực sự gặp may.

Sau đó, Walmart và Walgreens đều ký hợp đồng riêng với Granite để quản lý tất cả các đường dây điện thoại của họ ở khu vực Boston. Granite đã xây dựng được các đường dây điện thoại ở New England, rồi trên toàn vùng Đông Bắc Mỹ, và cuối cùng phủ rộng khắp toàn quốc.

“Mọi người luôn hỏi bí quyết của tôi là gì, nhưng thật sự chúng tôi chỉ đơn giản là lắng nghe ý tưởng của họ”, Hale nói.

Nguồn: https://ndh.vn/lam-giau/dung-day-sau-pha-san-doanh-nhan-cong-nghe-thanh-nguoi-giau-thu-hai-o-boston-1325476.html

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *