Zing News – Bảo Trung
Theo các chuyên gia, khi USD tăng cao, đa số doanh nghiệp sẽ phải hy sinh một phần tài chính và rất ít bên có thể vừa đảm bảo lợi nhuận tăng trưởng mà không đối mặt rủi ro tỷ giá.
Sức mạnh đồng USD ghi nhận xu hướng tăng cao trong thời gian qua khiến hàng loạt đồng tiền của các quốc gia khác giảm giá mạnh và Đồng Việt Nam cũng không ngoại lệ. Việc tỷ giá quy đổi USD/VNĐ tăng mạnh không chỉ tác động tới thị trường tiền tệ trong nước mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, trong vòng 3-6 tháng tới, doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu, sẽ gặp nhiều khó khăn vì có nguy cơ tỷ giá chênh lệch.
Người vui kẻ buồn
Thông thường, khi giá USD tăng, dễ thấy nhất là những doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ nước ngoài và bán vào nội địa, đặc biệt là những ngành hàng trung, cao cấp sẽ đối mặt với giá cả tăng lên, chính vì vậy những doanh nghiệp này sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu thu về đồng USD thường sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, diễn biến kể trên chỉ đúng với các doanh nghiệp có đầu vào nguyên liệu từ nội địa, đa phần là các ngành nông sản, thủy sản. Còn nếu là doanh nghiệp nhập hàng về gia công và xuất ngược lại thì cũng không được hưởng lợi bao nhiêu.
Ông Đoàn Tiến Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Nam Hà, chia sẻ thời điểm đầu năm, tỷ giá giao dịch mới ở mức 22.600 đồng/USD, khi doanh nghiệp xuất khẩu đạt doanh thu 1 triệu USD sẽ thu về 22,6 tỷ đồng, nhưng hiện tỷ giá neo ở mức hơn 24.500 đồng/USD, doanh nghiệp sẽ thu về 24,5 tỷ đồng, tức hưởng lợi thêm 2 tỷ đồng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, cho biết với ngành nhựa, 80-90% nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu và thanh toán bằng USD, nên việc tỷ giá tăng cao đã gây sức ép giảm lợi nhuận khá lớn.
Doanh nghiệp có đầu vào nguyên liệu từ nội địa sẽ gặp ít bất lợi hơn từ tỷ giá. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, xuất khẩu chỉ được hưởng lợi đối với thị trường dùng đồng USD trong thanh toán. Trong khi đó, trên thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng xuất khẩu sang các thị trường có đồng tiền riêng như euro hay bảng Anh, những đồng tiền cũng đang giảm mạnh trong 4 tháng qua. Chính vì vậy, mà cả doanh nghiệp xuất khẩu cũng sẽ gặp khó khi đồng USD tăng cao.
Hiện tại, châu Âu cũng là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, nhưng lại đang phải thắt chặt chi tiêu do lạm phát cao. Nhu cầu giảm dẫn tới lượng hàng Việt Nam xuất qua cũng giảm mà doanh nghiệp trong nước lại không thể tăng giá vì dễ đứt gãy đơn hàng.
Theo ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí điện TPHCM, ngành cơ khí điện chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu, Nhật, Mỹ. Hiện đồng euro và yen Nhật mất giá rất mạnh so với USD nên các doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu và Nhật đang không có lợi nhuận.
Đối với các sản phẩm gỗ và đồ gỗ nội, ngoại thất xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Sang, Giám đốc điều hành của Viet Products Corp, cho hay nhu cầu đồ gỗ tại thị trường thế giới đang yếu đi, đơn hàng xuất khẩu ngành gỗ đang giảm mạnh.
Đừng vì mục tiêu ngắn hạn
Trên lý thuyết, việc đồng USD tăng cao như hiện nay có thể chỉ diễn ra trong ngắn hạn, bởi chính nước Mỹ sẽ chịu thiệt hại khi đồng tiền của mình tăng quá cao.
Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định: “Trong giai đoạn ít nhất 3-6 tháng tới, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cần làm là phải cố gắng giữ vững đơn hàng và thị trường, đồng thời phải chấp nhận thiệt hại tài chính chứ không thể đặt ra mục tiêu có lời đối với các thị trường không sử dụng đồng USD”.
Theo ông Hiển, nếu doanh nghiệp chỉ vì lo sợ chi phí tài chính trong vấn đề quy đổi tỷ giá như hiện nay mà bỏ sức đi tìm thị trường mới thì sẽ rất tốn kém tiền bạc và công sức, thậm chí có thể phải kéo dài hơn 3-6 tháng.
“Vì vậy, các doanh nghiệp ở những thị trường không sử dụng đồng USD, như châu Âu, cần phải giữ vững thị trường mới là điều nên làm và nên chấp nhận chi phí này”, ông Hiển chia sẻ.
Theo vị chuyên gia, điều này có thể rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam không quen vì đa số doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là doanh nghiệp TNHH, nguồn vốn mỏng nhưng thích làm quy mô lớn. Còn đối với các công ty lớn, làm việc bài bản, ông Hiển cho biết sẽ chấp nhận chi phí tài chính này, vì nó là lý do khách quan, để có thể đi đúng với chiến lược phát triển.
Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng bảo hiểm tỷ giá. Ảnh: Hoàng Hà. |
Trong bối cảnh biến động tiền tệ lớn, việc ký thanh toán bằng nhiều loại tiền hay ký bảo hiểm tỷ giá với ngân hàng đều là những bài toán cơ bản trong quản trị tài chính của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tế là doanh nghiệp Việt vẫn ưu tiên sử dụng đồng USD mặc cho việc giá loại tiền này tăng cao. Nguyên nhân do chênh lệch giá bán và giá mua của đồng bạc xanh khi quy đổi sang Đồng Việt Nam là thấp nhất trong các loại tiền tệ phổ biến.
Ngoài ra, không phải doanh nghiệp nào cũng có thể áp dụng bảo hiểm tỷ giá.
Ông Đinh Thế Hiển phân tích đa số doanh nghiệp có quy mô lớn tại một thị trường chuyên biệt như Trung Quốc, Nhật Bản mới sử dụng bảo hiểm tỷ giá, vì họ sẵn sàng chấp nhận mất đi một phần chi phí tài chính để bảo đảm sự an toàn về tỷ giá.
Còn đối với nước có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ như Việt Nam, USD vẫn là một đồng tiền tốt, chỉ là doanh nghiệp Việt vẫn chưa có chi phí dự phòng trong biến đổi tỷ giá.
Sản xuất cần hướng tới chất lượng
Trong bối cảnh hiện nay, ông Hiển cho rằng doanh nghiệp Việt vẫn dễ bị tổn thương bởi các chi phí nguyên liệu và nhiên liệu tăng cao hơn các nước như Thái Lan, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Bởi vì Việt Nam hiện đa phần vẫn đang sản xuất các sản phẩm cấp thấp và cạnh tranh về giá.
Đa phần sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp Việt vẫn là sản phẩm cấp thấp và ưu tiên cạnh tranh về giá. Ảnh: Hoàng Hà. |
Vì vậy, theo vị chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm lên, từ khâu sản xuất cho đến khâu chăm sóc khách hàng, từ đó hợp lý hóa sản xuất. Có như vậy, kết cấu giá thành của sản phẩm mới có thể chịu được chí phí nguyên liệu.
“Đây cũng là điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm trong tương lai, bởi đây không phải vấn đề mới mà đã kéo dài rất lâu”, ông Hiển nhấn mạnh.
Trong ngắn hạn, vị chuyên gia khuyến nghị những doanh nghiệp sản xuất không nên vội vã tăng giá mà nên lập một quỹ dự phòng để giữ vững khách hàng. Tuy nhiên, nếu các công ty trong ngành cùng đồng loạt tăng giá thì nên chấp nhận và tăng giá từ từ.
Tóm lại, trong những giai đoạn như hiện tại, chắc chắn đa số doanh nghiệp sẽ phải hy sinh một phần tài chính, rất ít bên có thể vừa đảm bảo lợi nhuận tăng trưởng mà không bị rủi ro tỷ giá. Quan trọng là doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị trước để giảm thiểu rủi ro.
Nguồn: https://zingnews.vn/gia-usd-tang-cao-doanh-nghiep-doi-pho-the-nao-post1366704.html