Người Đồng Hành – Phương Kim
Người giàu có thể mua được bất cứ thứ gì, từ những món đồ nạm kim cương lấp lánh đến chuyến bay 3 phút bằng chuyên cơ riêng hay siêu du thuyền triệu USD, đặc biệt là những chiếc đồng hồ sang trọng.
Về mặt lý thuyết, cách để mua đồng hồ sang trọng đơn giản nhất là bước vào các cửa hàng như Rolex, Audemars Piguet, Patek Philippe hoặc Richard Mille và yêu cầu nhân viên đóng hộp sản phẩm rồi mang về. Tuy nhiên, thực tế thì không được như vậy, người bán hàng sẽ không thể đưa sản phẩm cho khách, vì lượng tồn kho không cho phép. Do đó, cách thứ hai và cũng là nhanh nhất để mua đồng hồ là tìm ở grey market (thị trường trao đổi hàng hóa hợp pháp nhưng không chính thức).
Các đại lý đồng hồ sang trọng ở chợ xám sẽ trả lời tin nhắn của khách ngay lập tức mà không cần quan tâm người đó là ai, chỉ miễn là có tiền. Những đại lý có cả kho đồng hồ với những tính năng và màu sắc đa dạng. Neel Alwani (người Mỹ) là một người như vậy, anh có thể bán cho khách một chiếc Audemars Piguet Royal Oak hoặc Patek Philippe Nautilus, những mẫu đồng hồ Thụy Sĩ được thiết kế bởi nghệ nhân Gerald Genta. Bằng cách bán lại đồng hồ cũ, Neel tự tiết lộ doanh thu lên tới 113 triệu USD vào năm ngoái.
Neel Alwani là một đại lý đồng hồ trên thị trường xám. Ảnh: Neeltpt/Instagram |
Xây dựng hình ảnh giàu có để tạo uy tín bán hàng
Trên Instagram cá nhân có hơn 65.000 người theo dõi, Neel Alwani thường khoe ảnh đi giày thể thao loại siêu hiếm, đi máy bay riêng và lái siêu xe. Anh cho biết, lần mua xe gần đây của anh là một chiếc Maybach màu đen, bên cạnh một chiếc McLaren màu cam, một chiếc Ferrari màu đỏ, một chiếc Lamborghini và một chiếc Audi R8. Hầu hết xe của Neel đều nằm trong gara của một ngôi nhà 5 phòng ngủ, 5 phòng tắm với hồ bơi ở Miami. Neel sống cùng hai em trai, những người cùng làm việc trong lĩnh vực kinh doanh. Cha mẹ của Neel mua một ngôi nhà khác ở bên cạnh.
Neel rất đầu tư vào việc xây dựng hình ảnh cá nhân. Anh tạo dáng chụp ảnh với kim cương, trực thăng khiến người xem có cảm giác anh giống như là “Kardashian của thế giới đồng hồ” (cách nói thể hiện sự giàu có).
Cuộc sống sang trọng là một yếu tố để tạo dựng uy tín trong việc bán hàng. Ảnh: Neeltpt/Instagram |
Ông hoàng bán đồng hồ xa xỉ
Những chiếc đồng hồ được Neel đăng trên TikTok hoặc Instagram thường cháy hàng chỉ trong vài phút. Nhờ vào tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội, Neel luôn có sẵn lượng khách hàng tiềm năng và anh cũng tặng đồng hồ cho các KOLs để nhận về nhiều bài đăng miễn phí.
Chiếc đồng hồ Audemars Piguet Royal Oak 15500ST có giá bán lẻ khoảng 26.000 USD nhưng được bán lại với giá hơn cả gấp đôi và ngay lập tức có thể giao dịch ở bất cứ đâu với giá từ 60.000 đến 100.000 USD. Sau đó, những chiếc đồng hồ này được chuyển qua các chợ kiểu eBay hoặc trực tiếp qua các đại lý đồng hồ tư nhân.
Các thương hiệu cao cấp thường kiểm tra khách hàng và tùy trường hợp cụ thể sẽ cố gắng tránh bán cho những kẻ đầu cơ. Tuy nhiên, một người bạn của Neel gần đây đã thuyết phục nhân viên bán hàng ở Rolex rằng anh muốn có một chiếc Submariner để đeo trong ngày cưới nhưng sau đó thì lại quay ngoắt bán nó đi để trả cho chi phí đi trăng mật.
“Một chiếc đồng hồ có thể được bán và mua lại với giá gấp 10 lần ban đầu khi qua tay nhiều người”, Neel chia sẻ. Phần lớn các ngày, Neel bán được khoảng 435.000 tiền đồng hồ.
Một chiếc đồng hồ có thể tăng giá gấp 10 lần khi qua tay nhiều người. Ảnh: Neeltpt/Instagram |
Neel có trong tay 25 triệu USD các loại đồng hồ trong kho, tương đương với khoảng 300 chiếc vào bất cứ thời điểm nào. Số lượng này thậm chí còn nhiều hơn 20 lần so với các cửa hàng Rolex. Neel giữ mối quan hệ tốt với khách ruột của các cửa hàng chính hãng. Nhiều người trong số họ mua bất cứ thứ gì có thể từ cửa hàng và sau đó bán lại để thu về số tiền lớn hơn. Giá trung bình của các mẫu đồng hồ mà Neel bán rơi vào khoảng 75.000 USD với lợi nhuận khoảng 3.500 USD. Neel nói khách hàng rất tin tưởng mình vì không tăng giá nhiều như nhiều đại lý khác, những người sẵn sàng lấy chênh lệch đến 5.000 USD.
Hiện tại, một chiếc Rolex Submariner Hulk mặt số màu xanh lá cây từ năm 2019 (hiện đã ngừng sản xuất) được bán với giá 29.500 USD, cao hơn nhiều so với giá bán lẻ ban đầu là 10.000 USD. Neel nói: “Nếu đến cửa hàng, bạn có thể phải chờ cả năm trời mà cũng chưa chắc có được nó. Với tôi, bạn chỉ mất một tuần là có thể sở hữu nó trong tay”.
Ngành công nghiệp đồng hồ đã qua sử dụng không còn mới. Vào những năm 90, các đại lý sẽ tham dự các triển lãm thương mại ở New York, Chicago, Las Vegas. Các đại lý thuê bàn và hộp đựng đồ trang sức và bán hàng chỉ với những tờ hóa đơn mỏng manh. Nhân viên an ninh không can thiệp vào việc này và những người bán hàng có thể giao dịch hàng nghìn chiếc đồng hồ ngay tại chỗ, rồi bán lại cho khách để kiếm lời.
Mua đồng hồ ở cửa hàng chính hãng rất khó, nhưng ở chợ xám thì khác. Ảnh: Neeltpt/Instagram |
Tim Stracke, người sáng lập Chrono24, cho biết một số người mua ngày nay đang sử dụng số tiền kiếm được trong vài năm qua, từ việc mua vào tiền điện tử, cổ phiếu. Ông sáng lập Chrono24 vào năm 2003 và trở thành trang web mua bán đồng hồ đã qua sử dụng lớn nhất thế giới với doanh thu hơn 2 tỷ USD và 3.000 đại lý.
Cách đây 5 năm, các mẫu đồng hồ dễ tìm hơn. Gần đây, trong khi nhu cầu tăng quá cao mà các công ty vẫn giữ nguyên sản lượng nên thị trường đồng hồ luôn trong tình trạng khan hiếm hàng loạt.
Nguồn: https://ndh.vn/loi-song/ong-hoang-ban-dong-ho-nguoi-my-va-chieu-tao-hinh-anh-sang-chanh-de-giu-uy-tin-voi-khach-hang-1324714.html