Lê Hoàng / Kinh tế Sài Gòn
Để đưa được sản phẩm lên kệ hàng hóa ở các hệ thống bán lẻ quốc tế là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính nhà sản xuất, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan xúc tiến thương mại các nước và cả sự hợp tác đến từ chủ sở hữu các chuỗi bán lẻ.
Gạo mang thương hiệu “Cơm – Rice Viet Nam” của Tập đoàn Lộc Trời (LTG) hồi tháng 9 vừa qua đã chính thức được lên kệ của hai hệ thống siêu thị tại Pháp là Carrefour và Leclerc. Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng với LTG khi bước vào “sân chơi” toàn cầu bằng các sản phẩm dưới nhãn của chính mình.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho biết sau gần một tháng doanh nghiệp đã đưa được 1.000 tấn gạo thương hiệu riêng “Cơm – Rice Viet Nam” vào 2 hệ thống bán lẻ nói trên với gần 800 đại siêu thị và hơn 3.000 siêu thị cùng chuỗi cửa hàng tiện tích ở Pháp.
Hiện tập đoàn này đã tiếp nhận thêm đơn đặt hàng 4.500 tấn và đang nỗ lực để cung ứng kịp thời trong thời gian tới. “Điều này đã khẳng định được gạo Việt Nam nói riêng và hàng hóa Việt Nam nói chung, hoàn toàn có thể xuất khẩu vào thị trường khó tính bằng chính thương hiệu của mình với giá trị gia tăng cao”, ông Thuận nói, và cho biết giá bán 3-4,5 euro/kg, thay vì xuất thô qua đơn vị trung gian chỉ với giá 0,3 euro/kg.
Một trường hợp khác là Hợp tác xã chuối Laba Banana Đạ K’Nàng (Lâm Đồng), bên cạnh việc cung ứng đều đặn 20 tấn chuối mỗi tuần đến Nhật Bản để đưa lên kệ hàng của siệu thị Aeon, Zheshu…, đơn vị này cũng bán hàng chục tấn quả cho các hệ thống bán lẻ tại Hàn Quốc, Malaysia và một số thị trường châu Á.
Trong cuộc trò chuyện cùng KTSG Online, bà Võ Thị Thu, Phó chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) chuối Laba Banana Đạ K’Nàng, chia sẻ rằng một số nhà nhập khẩu cho hệ thống siêu thị ở Mỹ vào đầu tháng 10 này đã liên hệ với HTX về việc cung ứng chuối. Tuy nhiên, Laba Banana Đạ K’Nàng chưa dám nhận vì năng lực sản xuất hiện tại chưa thể đáp ứng đủ yêu cầu.
“Việc quả chuối laba được bán ở một số chuỗi siêu thị của xứ sở hoa anh đào, một trong những thị trường khắt khe hàng đầu thế giới, đã giúp khách hàng tin tưởng tìm đến hợp tác xã”, bà Thu nói.
Cuối tháng 7 vừa qua, những trái vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên được bày bán trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Safeway và Albersons – hai chuỗi siêu thị có mạng lưới lớn nhất bờ Tây nước Mỹ, trong đó Safeway có 773 cửa hàng, Albersons có trên 340 cửa hàng.
Đại diện Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) đánh giá, sự hiện diện thành công của trái vải Việt Nam tại các hệ thống siêu thị của Mỹ mở ra triển vọng lớn cho các loại nông sản, hàng hóa của Việt Nam trên thị trường quan trọng này. Thực tế, phần lớn trái cây Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ mới chỉ tiếp cận được hệ thống chợ, siêu thị nhỏ phục vụ người gốc Á.
Trước đó, trái vải Việt Nam cũng tới Úc bằng đường hàng không, vượt qua các khâu kiểm tra thông quan theo tiêu chuẩn khắt khe. Đáng chú ý, vải tươi đã trở thành mặt hàng quen thuộc tại siêu thị MCQ, thành phố Perth, phía Tây Úc. Theo Thương vụ Việt Nam tại Úc, sầu riêng, gạo, mít đông lạnh đã được bày bán ở một số siêu thị. Quả bơ, gừng đông lạnh… cũng đang được tiêu thụ tốt tại thị trường này.
Đáng chú ý, dừa Việt Nam xuất hiện tại siêu thị lớn của Úc. Các thương hiệu nước ngoài đã tìm đến để nhập nước dừa Việt Nam đưa vào các siêu thị lớn tại nước này, kể cả siêu thị nông sản danh giá Harris farm. Tại thời điểm hiện tại có thể tìm thấy các nhãn hàng: Vico fresh, Cocosoul organic, RawC, Chef’s choice,.. với dòng chữ “Sản phẩm của Việt Nam” phía sau. Đáng chú ý, nước dừa đóng hộp Cocoxim, một nhãn hiệu của Việt Nam đang được nhà phân phối đánh giá cao.
Hàng loạt sản phẩm với nhiều ngành hàng của doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và gia công ngày càng được đưa lên kệ hàng hóa của các chuỗi siêu thị lớn nhỏ khắp thế giới được khách hàng tin dùng và khẳng định được vị thế của ngành sản xuất, chế biến trong nước…
Điều hiển nhiên để đưa được hàng hóa vào kênh siêu thị ở các nước thì điều quan trọng là sản phẩm phải đạt được tiêu chuẩn và chất lượng của các nước hoặc của chính các nhà bán lẻ đó đề ra.
Nhưng làm sao có thể tiếp cận vào các kênh bán lẻ của các nước là chuyện không hề đơn giản bởi lẽ đa số thương hiệu của doanh nghiệp trong nước chưa được phổ biến trên thế giới và doanh nghiệp Việt phần lớn là làm gia công thuộc cấp 2 hoặc cấp 3 cho các thương hiệu các nước.
Câu chuyện của Công ty TNHH Hồ Tiêu Việt (Viet Pepper) với tuổi đời chỉ mới được 10 năm, phải mất 4 năm để định hình xây dựng và tìm hướng phát triển nhưng giờ đây đã xuất được nhiều kênh siêu thị từ khu vực châu Á, đến châu Âu và Mỹ.
Bà Lê Thị Hoài Thương, Phó giám đốc Viet Pepper, cho biết là doanh nghiệp ra đời muộn và còn quá “non” về năng lực sản xuất cũng như tài chính nên Viet Pepper đã quyết định chọn hướng đi thận trọng nhưng bền vững.
Nhận thấy vấn đề quan tâm hàng đầu với hầu hết người tiêu dùng là an toàn thực phẩm và sản xuất an toàn, Viet Pepper quyết định chọn hướng đi sản xuất các sản phẩm gia vị canh tác hữu cơ hoàn toàn. Với hướng đi này, năm 2015 Viet Pepper đã nỗ lực từ khâu cải tiến trồng trọt, quản lý và sản xuất cũng như mời các đơn vị thứ ba kiểm tra, đánh giá, cấp chứng nhận quốc tế sản phẩm đạt chất lượng hữu cơ trước khi đi giới thiệu đến khách hàng.
“Các hội chợ triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm và gia vị trong nước và thế giới chính là nơi tiếp cận khách hàng của Viet Pepper”, bà Thương nói, và cho biết: “Với những sản phẩm chất lượng trưng bày cụ thể cùng những chứng nhận về sản phẩm sản xuất an toàn, canh tác tiêu chuẩn hữu cơ của các tổ chức quốc tế cấp mà chúng tôi ngày càng được sự tín nhiệm của khách hàng”.
Khởi đầu bằng việc xuất thành phẩm đã qua xử lý, làm thương hiệu riêng cho các hệ thống siêu thị, kênh phân phối trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc, châu Âu…, sau đó Viet Pepper cũng xây dựng thương hiệu gia vị riêng của mình Vipep.
“Nhận được nhiều đánh giá cao và tín nhiệm từ những đối tác lớn trên thế giới, sản phẩm Vipep của chúng tôi sau đó cũng thuận lợi để vào hầu hết các kênh siêu thị, cửa hàng bán lẻ trong nước với hàng ngàn điểm bán”, bà Thương cho biết.
“Đơn cử như Central Retail Việt Nam sau khi đã tin tưởng đưa các sản phẩm Vipep vào kinh doanh ở các chuỗi như Big C, GO! thì còn hỗ trợ đưa vào kệ hàng hóa của chuỗi bán lẻ của mình ở bên Thái Lan”, bà Thương chia sẻ.
Trong khi đó, tại thị trường Nhật Bản, nhà nhập khẩu ở Việt Nam sau nhiều lần kiểm tra kỹ chất lượng và năng lực sản xuất tại nhà máy Viet Pepper cũng đã quyết định cho nhập các sản phẩm gia vị dưới thương hiệu Vipep vào kệ hàng hóa ở các chuỗi bán lẻ Nhật Bản được hơn 2 năm nay. “Cứ thế mà tệp khách hàng mua sản phẩm Vipep hoặc Viet Pepper sản xuất tăng lên theo năm tháng”, bà Thương chia sẻ.
Tuy nhiên, có lẽ lối đi thông qua các hệ thống bán lẻ ngoại ở Việt Nam được các doanh nghiệp trong nước chọn lựa nhiều và được cho là cách làm thuận lợi hơn. Đã xuất khẩu sản phẩm chế biến từ cà phê và nông sản đi hơn 10 nước khó tính ở Mỹ, châu Âu… nhưng mới đây Meet More Coffee tiếp tục tham gia sự kiện tìm nhà cung cấp của nhà bán lẻ Aeon Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Ngọc Luận, người sáng lập, Giám đốc điều hành Meet More Coffee, thông qua sự kiện này, công ty muốn tìm cơ hội đưa sản phẩm dưới thương hiệu của công ty vào các điểm bán lẻ của Aeon vốn đang nhân rộng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước. Mặt khác, thông qua các sự kiện này, Aeon cũng tìm kiếm các nhà cung cấp Việt Nam có đủ năng lực để có thể đưa hàng hóa vào kinh doanh tại Aeon ở Nhật Bản và các nước trong khu vực. “Đây cũng là cơ hội cho Meet More Coffee để vào hệ thống bán lẻ Aeon ở ngoài Việt Nam”, ông Luận chia sẻ.
Tương tự, theo đại diện Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare, đơn vị sản xuất tương ớt lên men Chilica, thông qua các chương trình kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp và Aeon Việt Nam, Tomcare có cơ hội kết nối 1:1 với Aeon và gặp đúng người thu mua để nắm thông tin và yêu cầu của nhà bán lẻ nhằm cải tiến sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn và chất lượng… Đáng chú ý, việc đưa hàng vào siêu thị này mở ra nhiều cơ hội để xuất khẩu Chilica đi các quốc gia mà có hệ thống Aeon phân phối, đặc biệt là Nhật Bản. Sau khi đưa vào Aeon, Chilica sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của đối tác đến từ Nhật Bản.
Không riêng Meet More Coffee hay Tomcare, hàng trăm doanh nghiệp Việt khác cũng đã xuất khẩu và sản phẩm lên được kệ hàng siêu thị ở các nước theo hướng đi này. Bởi lẽ, thông qua việc tiếp xúc và trao đổi khả năng cung ứng hàng hóa của doanh nghiệp Việt, bộ phận thu mua và kỹ thuật của Aeon còn hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp Việt Nam trong việc cải tiến sản xuất, mẫu mã sản phẩm… phù hợp hơn.
Để bán hàng vào Nhật Bản qua hệ thống Aeon, Tập đoàn có những quy định, yêu cầu nghiêm ngặt, đòi hỏi hàng hóa qua Aeon phải đạt các tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn chuyên ngành và các tiêu chuẩn riêng từ Aeon (từ nuôi trồng, sản xuất cho đến phân phối hàng hóa…). Những đơn hàng đầu tiên thường nhỏ. Chỉ khi nhận được ý kiến tích cực từ khách hàng, Aeon mới xúc tiến đầu tư, hướng dẫn và đặt hàng với số lượng lớn.
Theo ông Kazaoka Takao, Phó tổng giám đốc, phụ trách khối thu mua của Aeon Việt Nam, sự kiện kết nối doanh nghiệp và Tuần lễ hàng Việt Nam được tổ chức thường niên từ năm 2018 với số lượng nhà cung cấp được lựa chọn tăng dần qua các năm. Ông đánh giá chất lượng và nguồn cung sản phẩm Việt được cải thiện và ngày càng tăng, bằng chứng là từ khi tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018, đến nay số lượng nhà cung cấp được lựa chọn đưa vào hệ thống tăng dần qua các năm. Hiện Aeon Việt Nam đang làm việc với khoảng 2.000 nhà cung ứng Việt.
Hiện một số mặt hàng Việt Nam được người tiêu dùng Nhật Bản ưa chuộng như vải thiều, chuối, thanh long, các loại thực phẩm chế biến như mì gói và phở ăn liền, hay các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gia dụng và hàng thủ công mỹ nghệ…
Cũng theo đại diện phụ trách khối thu mua của Aeon Việt Nam, thị hiếu của khách hàng có nhiều thay đổi sau đại dịch Covid-19, điển hình như việc tìm kiếm các sản phẩm phục vụ xu hướng sống khỏe. Do đó, hệ thống đang tìm kiếm các sản phẩm mới và nâng cao chất lượng dịch vụ.
Không riêng Aeon mà các nhà bán lẻ ngoại khác như Lotte (Hàn Quốc), Central Retail (Thái Lan)… trong những năm qua cũng liên kết với các cơ quan xúc tiến thương mại Việt Nam nhằm tìm kiếm những nhà sản xuất trong nước để hỗ trợ cải tiến sản xuất và đưa sản phẩm vào kinh doanh ở các siêu thị của mình ở Việt Nam cũng như các nước.
Bộ Công Thương cho biết, hiện có hàng nghìn doanh nghiệp Việt đã kết nối với các hệ thống phân phối nước ngoài như: Aeon (Nhật Bản), Lotte (Hàn Quốc), Walmart (Mỹ)… Và hàng Việt hiện diện tại nhiều hệ thống siêu thị lớn, nhỏ khắp thế giới được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng.
Hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã trở thành “cánh tay nối dài” đưa hàng Việt ra thế giới, đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu cũng như là cầu nối cho hàng hóa doanh nghiệp Việt vào các kênh phân phối các nước.
Trong thời gian qua, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã hỗ trợ việc xúc tiến thương mại, tạo cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp trong nước với các thị trường thế giới, trong đó có nhiều kênh bán lẻ, siêu thị.
Từ thực tế tại doanh nghiệp mình, ông Nguyễn Duy Thuận cũng cho rằng vai trò kết nối thị trường, xúc tiến giao thương của các thương vụ Việt Nam tại thị trường nước ngoài rất quan trọng. Để có thể xuất khẩu gạo vào Liên minh châu Âu (EU) và hệ thống siêu thị tại Pháp vừa qua, Tập đoàn Lộc Trời đã được thương vụ tại EU tổ chức kết nối thông qua 20 cuộc họp để nắm bắt những tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu cũng như hoàn thiện năng lực cung ứng từ phía doanh nghiệp.
Theo các doanh nghiệp và giới phân tích, việc các Thương vụ Việt Nam đứng ra làm cầu nối không chỉ giúp doanh nghiệp trong nước có cơ hội tiếp xúc với các hệ thống bán lẻ ngoại mà niềm tin của các nhà nhập khẩu về các doanh nghiệp được kết nối này cũng được nâng cao hơn hẳn so với việc họ tự tìm đến. Bởi lẽ, trước khi giới thiệu đến các kênh phân phối và nhà nhập khẩu, các thương vụ đã sàng lọc kỹ về khả năng cung ứng cũng như tiềm lực, uy tín của nhà cung cấp trong nước.
Trên thực tế, trong những năm qua, thương vụ Việt Nam ở các nước cũng đã tổ chức hàng loạt các cuộc triển lãm, hội chợ hoặc tuần lễ giới thiệu hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tại các hệ thống siêu thị ở các nước để người tiêu dùng có thể dùng thử sản phẩm trước khi cho nhập hàng kinh doanh.
Cũng từ các cuộc kết nối này mà hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng có cơ hội xuất khẩu và đưa vào kệ hàng hóa của kênh phân phối bán lẻ của các nước. Ngay cả các sản phẩm thuần Việt hoặc đặc trưng của Việt Nam như đồ gỗ mỹ nghệ, cà phê, trái cây tươi, bún, phở, bánh tráng, miến khô, bánh đa nem, gia vị,… của Việt Nam được đưa đến các thị trường trưng bày tại siêu thị các nước Nhật Bản, Mỹ, Anh…
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, hệ thống các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã chủ động nghiên cứu, đánh giá, tổng hợp tình hình thị trường và các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại, từ đó kịp thời cung cấp thông tin, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Các doanh nghiệp đã tận dụng tốt thời cơ từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên để mở rộng, phát triển, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/hang-viet-len-ke-sieu-thi-quoc-te-khong-chi-la-cau-chuyen-lam-thuong-hieu/