Minh Dũng / Đầu tư tài chính
Áp lực từ đợt tăng lãi suất của Fed lần này với thị trường tài chính trong nước không lớn như những lần trước đó. Nhưng tín hiệu từ nửa vòng trái đất cùng với việc tỷ giá hạ nhiệt giúp NHNN có thêm dư địa để nới lỏng chính sách, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
7 lần nâng lãi suất của Fed
Rạng sáng 15/12 (giờ Việt Nam), Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất chuẩn thêm 50 điểm cơ bản, đưa lãi suất lên khoảng 4,25-4,5%, mức cao nhất trong vòng 15 năm qua.
Từ đầu năm đến nay, Fed đã tăng lãi suất 7 lần liên tiếp. Động thái trên là một phần chính sách kiểm soát lạm phát mạnh tay nhất của Mỹ kể từ đầu những năm 1980. Fed tin rằng việc tăng lãi suất sẽ giúp rút tiền ra khỏi nền kinh tế, làm giảm nhu cầu và cuối cùng là kéo giá cả xuống thấp hơn, sau khi lạm phát tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn 40 năm.
Các nhà đầu tư dự báo, mặt bằng lãi suất tại Mỹ có thể được giữ trên 5% trong năm tới để cân bằng tổng cầu của nền kinh tế. Điều này cho thấy cuộc chiến chống lạm phát của Mỹ vẫn chưa kết thúc bất chấp một số dấu hiệu tươi sáng đầy hứa hẹn gần đây.
Sau khi Fed nâng lãi suất, chứng khoán Mỹ đã quay đầu giảm. Giá vàng thế giới cũng giảm nhẹ. Giá vàng ngày 15/12 đã mất mốc 1.800 USD/ounce.
Ngay sau quyết định của Fed, đồng USD tiếp tục suy giảm. Đầu phiên giao dịch 15/12 (giờ Việt Nam), trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) giảm 0,36%, xuống mốc 103,62 – thấp nhất kể từ tháng 6/2022.
Đầu năm 2022, chỉ số DXY ở mức 95,81 điểm, sau đó tăng mạnh lên mức 115 điểm hôm 28/9 (tăng hơn 20%). Đồng USD tăng mạnh khiến nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới, trong đó có Euro, bảng Anh, yên Nhật,… tụt giảm mạnh nhất trong nhiều thập kỷ, gây ra cuộc khủng tỷ giá trên thị trường tài chính thế giới.
Phản ứng sau những quan điểm mang tính ”bồ câu” của Fed, đồng bạc xanh đã trượt sâu từ mức đỉnh của 20 năm. Chỉ số DXY hiện đã giảm hơn 8% so với mức đỉnh vào cuối tháng 9, trong bối cảnh đồng bạc xanh được cho là sẽ giảm sức hấp dẫn khi chính sách thắt chặt của Fed chậm lại.
Tuy nhiên, áp lực đợt tăng lãi suất của Fed lần này với thị trường tài chính trong nước không lớn như những lần trước đó. Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 15/12 không bị ảnh hưởng nhiều bởi thông tin Fed tăng lãi suất. Kết thúc ngày giao dịch 15/12, VN-Index tăng phiên thứ 3 liên tiếp.
Nhưng giá vàng giảm khá mạnh. Ngày 15/12, giá vàng miếng “bốc hơi” 200-300 nghìn/lượng, giá vàng nhẫn giảm nửa triệu đồng mỗi lượng.
Tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại ngày 15/12 biến động trái chiều nhau, không bắt nhịp theo quyết định tăng lãi suất của Fed như các lần trước. Ngày 15/12, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại dao động trong khoảng 23.300 – 23.800 đồng/USD (mua vào và bán ra).
Từ đầu tháng 11 đến nay, tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại, chợ đen và liên ngân hàng đều đang trong xu hướng giảm…
Trong vòng một tháng qua, giá USD tại các ngân hàng đã giảm 1.200-1.300 đồng/USD, tương đương giảm 5-5,5%, về mức thấp nhất 3 tháng. Tỷ giá USD/VND tại thị trường tự do đã hạ 5% trong vòng 1 tháng qua, về quanh mốc 24.000 đồng/USD.
Nhìn xu hướng để nới lỏng chính sách
Sáng 15/12, NHNN đã chính thức niêm yết lại tỷ giá mua vào USD ở mức 23.450 đồng/USD tại Sở Giao dịch.
Như vậy, sau hơn 3 tháng tạm dừng nghiệp vụ này, NHNN đã phát đi tín hiệu sẵn sàng mua USD, bơm tiền đồng ra thị trường. Động thái niêm yết trở lại giá mua USD ngay sau khi “room” tín dụng được nới cũng cho thấy NHNN muốn hỗ trợ thanh khoản bằng nhiều phương thức.
Trước đó, do sức ép tỷ giá gia tăng, kể từ đầu năm, NHNN đã phải liên tục bán can thiệp ngoại tệ. Chỉ trong vòng hơn 1 tháng, NHNN đã 4 lần giảm giá bán USD, tổng cộng 40 đồng. Mức điều chỉnh trên là tương đối nhỏ so với 6 lần tăng mạnh trước đó, cho thấy tỷ giá đã không còn căng thẳng như giai đoạn trước.
Sau khi thông báo nới room tín dụng thêm 1,5-2%, NHNN đã có động thái đáng chú ý trong hoạt động điều tiết thanh khoản trên thị trường mở.
Tuần trước, NHNN đã bơm ròng 8.100 tỷ đồng VND ra thị trường thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Bên cạnh kỳ hạn 14 ngày thường thấy, NHNN đã phát hành thêm 9.000 tỷ đồng trên thị trường mở với kỳ hạn 91 ngày. Việc bơm tiền ở kỳ hạn 91 ngày cho thấy thông điệp của cơ quan quản lý về việc cung cấp thanh khoản dài hạn hơn, đảm bảo thanh khoản cho thị trường trong giai đoạn cao điểm cận Tết Nguyên đán.
Bên cạnh việc tăng kỳ hạn cho các khoản vay cầm cố giấy tờ có giá, NHNN tiếp tục dừng hoạt động phát hành tín phiếu hút thanh khoản.
Theo giới phân tích, tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục duy trì xu hướng ổn định trong giai đoạn cuối năm. Áp lực tỷ giá giảm cho phép NHNN bơm thanh khoản vào hệ thống và ổn định mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN cũng giúp VND mạnh lên trước diễn biến điều hành lãi suất của Fed.
Trong tháng 9 và tháng 10/2022, NHNN đã phải thực hiện 2 đợt tăng lãi suất điều hành liên tiếp. Tuy nhiên, trước việc tăng lãi suất của Fed lần này, lãi suất trong nước không tăng thậm chí còn giảm.
Theo thông tin từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, có 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm. Hiệp hội Ngân hàng cho biết đã kêu gọi thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tại các kỳ hạn tối đa 9,5%/năm, ổn định mặt bằng lãi suất huy động, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Dự báo về diễn biến của tỷ giá, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, tỷ giá USD/VND từ nay tới cuối năm không chịu quá nhiều sức ép như giai đoạn vừa qua khi NHNN đã có điều hành kịp thời, chính xác.
Nhưng sang năm 2023, áp lực có thể sẽ lớn hơn. “Chúng tôi dự báo đồng VND có thể tăng 1-2% so với USD trong năm 2023 do Fed chuyển từ chính sách “thắt chặt tiền tệ” sang “bình thường hóa” vào năm tới”, các chuyên gia VnDirect dự báo.