Đức Huy / ZingNews
Những bức thư được gấp gọn trong ngăn bàn hay gập thật nhỏ dúi vào trong chiếc cặp đều đem đến nhiều kỷ niệm với nhiều thế hệ.
Những lá thư trên chợ đồ cũ ở Hoàng Hoa Thám, năm 2014. Ảnh: Lê Bích. |
Cảm giác chờ đợi những bức thư trong hộc bàn khi xưa luôn đem lại cảm giác vui mừng, hồi hộp xen lẫn sự xấu hổ. Dù vậy nó vẫn là những ký ức không thể quên đối với nhiều người thuộc thế hệ 6X, 7X hay thậm chí là 8X, 9X.
Trong bối cảnh công nghệ phát triển như hiện nay, cảm giác được đọc một bức thư ai đó gửi bằng toàn bộ các giác quan không còn nữa. Chúng có thể là một giọng nói, một đoạn video hay các biểu tượng cảm xúc. Dù là bằng con đường nào, tình yêu vẫn được gửi đi theo theo cách đặc biệt nhất.
Chiếc hộc bàn thần thánh
Trong ký ức của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, những bức thư trong hộc bàn thời học sinh là một trong những kỷ niệm khó phôi pha. Ngày còn là cậu bé nhảy tàu điện và đi hái me trên phố Phan Đình Phùng, ông và bạn cùng lớp đã bắt đầu viết thư để trong ngăn bàn. Ai văn hay chữ đẹp thì làm thơ, ai vụng hơn thì viết vài dòng để làm quen.
Trường của ông ngày đó chia làm hai ca học. Các cậu học trò học ca chiều thường đến sớm hơn để xem có cô gái nào ngồi chỗ của mình vào ca sáng không. Một tốp con trai túm tụm lại ngó vào phòng học, sự lén lút lúc bấy giờ bỗng đem lại cảm giác vui mừng thấy lạ.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến không nhớ rõ tên cô gái ngồi vị trí của mình khi ấy. Ông chỉ nhớ rằng mình cũng viết một lá thư để lại và nó là một bài thơ “con cóc”.
Ông cho rằng điều mình lưu giữ không phải là bức thư hay câu từ trong đó mà nó là cảm giác chờ đợi được hồi âm. Chỉ cần thoáng nghĩ đến việc đó thôi, trong lòng cậu học sinh đã nhen lên những niềm vui trong trẻo. Sự chờ đợi khi thì lạnh như băng khi tình bừng tỉnh như một con gấu sau giấc ngủ đông dài.
“Cái cảm giác chờ đợi lúc đó nó khác bây giờ. Qua thư tín ta thấy được nét chữ người viết, đẹp hay xấu, để viết ra một dòng người ta cũng phải suy nghĩ đắn đo bỏ công sức nhiều hơn. Khi có điện thoại rồi Internet, cảm giác chờ đợi vẫn còn nhưng nó sẽ khó lòng có được sự cồn cào như ngày xưa”, nhà văn Ngọc Tiến chia sẻ. Cuối cùng cô bạn ấy cũng hồi âm một lần và đó cũng là những dòng thơ bông đùa đầy hài hước nhưng cũng rất tế nhị. Cho đến hiện tại, bức thư trong bàn luôn là một hình ảnh gợi nhắc về những năm tháng đầy mộng mơ.
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu hiện là Đại biểu Quốc hội Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: CAND. |
Không chỉ với nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, bức thư trong hộc bàn cũng là kỷ niệm của nhiều người và trong đó có PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.
“Vào một chiều đông, cuối học kỳ một năm lớp 11, khi vừa đút cặp vào ngăn bàn thì tôi thấy một tờ giấy gập tư ở cái vị trí mà người đi ngang qua không thấy được, nhưng nếu là chủ nhân cái ngăn bàn ấy chắc chắn sẽ phát hiện ra. Mở ra, là một bức thư làm quen của bạn gái lớp sáng cũng ngồi ở vị trí của tôi”, ông Hiếu viết trong cuốn Gửi quá khứ một hộp thời gian.
Chiếc hộc bàn bỗng chốc trở thành một hòm thư cho hai người trao đổi cả sách truyện, bài tập. PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu gọi đó là “chiếc ngăn bàn thần thánh”. Cho đến khi gặp nhau, ông mới biết hai cô gái đã cùng “giao tiếp” với mình qua chiếc ngăn bàn đó. Mối tình chóng nở chóng tàn nhưng cho đến nay vẫn khiến ông Hiếu kể lại trong sự vui vẻ và đầy hoài niệm.
Tình yêu thời nghe nhìn
Còn đối với nhà báo Hoàng Anh Tú (từng giữ bút danh anh Chánh Văn ở báo Hoa học trò, tác giả của cuốn Chúng mình yêu nhau xong rồi), mỗi lá thư đã cùng anh trưởng thành và đan dệt thành một trời ký ức ngọt ngào.
“Thời của việc người ta yêu nhau bằng những con chữ đa hình hài chứ không phải chỉ vài font chữ như hiện tại. Không chỉ là bác bưu tá đưa thư mà còn là thư ngăn bàn, thư dúi tay, thư giấu trong cặp… Tôi cũng từng có những mối tình chỉ qua thư, kiểu yêu xa như thời nay vậy, dù cả hai chỉ cách nhau mấy… cái bàn”, anh Tú chia sẻ.
Cảm giác chờ đợi khi xưa được tính theo ngày, theo giờ chứ không theo phút và giây như hiện tại. Người gửi không thể biết được đối phương đã xem tin nhắn của mình hay chưa. Đôi khi các bức thư cũng có thể bị thất lạc hàng năm trời. Do đó, cảm giác hồi hộp trông mong mới là thứ làm nên cảm xúc trong những lá thư.
Khi còn làm ở báo Hoa học trò, anh Tú cũng trả lời thư cho rất nhiều người. Không chỉ nhìn thấy nét chữ mà còn mùi giấy, mực, những dòng viết vội rồi tẩy xóa đi viết lại, những bức thư luôn khiến anh Tú phải đọc bằng toàn bộ các giác quan của mình có.
Dù thời đại có thay đổi nhờ sự phát triển của công nghệ, nhưng anh Tú cho rằng tình yêu thời đại nghe – nhìn nên các cặp cũng phải thể hiện nhiều hơn là những dòng tin nhắn. Nhưng điều đó không có nghĩa tình yêu bây giờ chỉ toàn hình thức hóa. Các bạn trẻ mạnh dạn hơn biết bảo vệ mình hơn và vượt qua các vấp ngã nhanh hơn trong các mối quan hệ.
“Tôi nghĩ là tôi thích tình yêu của tôi hồi xưa nhưng tôi muốn con mình yêu nhau như bây giờ hơn”, nhà văn Hoàng Anh Tú tâm sự.
Nguồn: https://zingnews.vn/nhung-buc-thu-to-tinh-trong-hoc-ban-ngay-xua-post1401457.html