Thái An / Zingnews
Gen Z bị gắn mác là những người không trung thành vì thường xuyên nhảy việc. Nhưng thực tế, các công ty lại không làm đúng hứa hẹn ban đầu, khiến người lao động chán nản và rời đi.
Nhiều gen Z chọn từ bỏ công việc hiện tại để tìm cơ hội mới với mức lương cao hơn. Ảnh: Wall Street Journal. |
Làn sóng nghỉ việc trong hai năm qua đã tạo ra một vòng lặp liên hồi: Nhân viên thấy những người khác nghỉ việc, họ cũng lần lượt nghỉ việc. Những người ở lại bị công ty giao nhiều việc hơn, họ cũng chán nản rồi rời đi.
Đối với một nhóm nhỏ người lao động trẻ tuổi – những người tham gia lực lược lao động khi cuộc Đại từ chức đang diễn ra – nghỉ việc đã trở thành một lối sống. Điều này khiến công ty mất đi năng lực tập thể, buộc các nhà quản lý phải tìm kiếm những tài năng mới hoặc cũng chọn cách rời đi.
Khi đối mặt với những vấn đề đó, gen Z chọn cách thích nghi giống như những điều “bình thường mới”. Nếu cảm thấy không ổn, họ sẽ tìm công việc mới. Do đó, gen Z được ví như gen quit (tạm dịch: Thế hệ rời đi).
Bàn về vấn đề lao động trẻ nhanh bỏ việc, GS Xã hội học Pamela Aronson tại Đại học Michigan, Dearborn (Mỹ) nhận định điều quan trọng là những người trẻ tuổi không được xã hội hóa theo các tiêu chuẩn ở nơi làm việc và họ cũng không được tư vấn về điều này.
“Họ gặp rất nhiều gián đoạn và ít có được cảm giác ‘đây là nơi tôi muốn gắn bó trong thời gian dài'”, GS Aronson nói.
Lao động trẻ nhận ra một sự thật là công ty không phải gia đình. Ảnh: Pexels. |
Công ty không phải gia đình
Đại từ chức giống như một làn sóng lớn khiến 47 triệu người lựa chọn nghỉ việc vào năm 2021. Đến năm 2022, kỷ lục của năm 2021 bị phá vỡ khi thị trường lao động ghi nhận hơn 50 triệu người từ bỏ công việc của mình.
Theo Insider, cuộc Đại từ chức ngày càng được gen Z thống trị. Những người lao động trẻ tuổi thường là những người đầu tiên bị sa thải trong năm 2020 và họ nhanh chóng chấp nhận một thực tế rằng công ty không phải gia đình mình.
Nhưng gen Z không phải là những người duy nhất có suy nghĩ đó. Khi hầu hết người lao động rời đi, những người ở lại ngày càng kiệt sức và quá tải. Đối với những nhân viên mới, Đại từ chức khiến họ mất đi những cố vấn quan trọng.
Jasmine (22 tuổi), nhiếp ảnh gia, đang rơi vào tình trạng như vậy. Gần đây, đồng nghiệp Jasmine yêu quý – người gia nhập công ty sau cô khoảng một tuần, đã rời đi. Điều này khiến cô gái 22 chán nản và cũng muốn rời đi. “Thật thất vọng khi phải chứng kiến quá nhiều người nghỉ việc”, Jasmine nói.
Jasmine quyết định quay về công việc đã theo đuổi thời đại học, nơi cô có nhiều cơ hội, thời gian và đặc biệt là có một người cố vấn, có thể hướng dẫn cô khi làm việc.
“Lý do chính khiến tôi muốn quay lại công việc thời đại học là tôi cảm thấy mình có được sự cố vấn tuyệt vời”, cô nói với Insider.
Những người trụ lại công ty cũng bắt đầu tìm kiếm cơ hội mới. Ảnh: Pexels. |
Gen Z không trung thành?
Gen Z bị cáo buộc là những người bay bổng, không trung thành với các công ty. Nhưng thực tế, trong một khảo sát của Oliver Wyman, 70% những người đang gắn bó với công việc hiện tại vẫn đang tích cực tìm kiếm công việc mới. Theo những người này, chủ của họ cũng không trung thành.
Cụ thể, nhiều người lao động phát hiện các công ty hứa hẹn trả lương, phúc lợi cao có thể “quay xe” bất cứ lúc nào. Hiện tại, không ít công ty bắt đầu tước đi những quyền lợi từng hứa hẹn với nhân viên.
Bộ trưởng Lao động Mỹ Marty Walsh từng nói rằng chúng ta đang thấy một số nơi làm việc điều chỉnh và ngăn người lao động tìm việc làm mới. Các công ty đã học được bài học từ việc để quá nhiều nhân viên rời đi vào năm 2020 và sau đó đấu tranh để đưa nhân viên trở lại. Theo ông Walsh, điều quan trọng nhất nhân viên muốn thấy là tính bền vững ở nơi làm việc.
Tuy nhiên, gen Z vẫn chưa cảm nhận được những điều công ty thay đổi để giữ chân nhân viên. Do đó, đối với gen Z, nghỉ việc là cách để họ tìm công việc được trả lương cao hơn, phúc lợi tốt hơn, thời gian làm việc phù hợp hơn. Khi công việc toàn thời gian với mức lương tối thiểu không đủ để mua nhà, nghỉ việc vì lương thấp, thiếu cơ hội thăng tiến là điều không quá ngạc nhiên.
“Khi còn trẻ, chúng ta thường được hứa hẹn nếu làm việc chăm chỉ, cống hiến hết mình, chúng ta sẽ nhận được tất cả. Nhưng đó chỉ là lời nói dối. Chúng tôi cống hiến hết mình và không nhận lại được gì”, Jassmine nói.
Nguồn: https://zingnews.vn/the-he-tu-bo-o-noi-lam-viec-post1403136.html