Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố ký ngay trong chiều 17-5 chỉ thị 20 (với nội dung chính không kiểm tra doanh nghiệp quá 1 lần/năm) – Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Trước hội nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp gửi ý kiến đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kiến nghị nhiều điều, nhưng chắc chắn yêu cầu có một môi trường kinh doanh an toàn là quan trọng nhất.
Tui có đọc ý kiến của luật sư Nguyễn Trường Thành trên facebook của ông. Trong đó, luật sư đưa ra 4 vấn dề mà doanh nghiệp sợ nhất. Tui tâm đắc nhất vấn đề thứ 4.
“Sợ tin đồn : Đã nhiều doanh nghiệp không chết vì kinh doanh mà chết vì tin đồn không đúng sự thật trong đó có sự tiếp tay của một số nhà báo bất lương”.
Tui rất cám ơn luật sư Nguyễn Trường Thành, ông đã hiểu được đúng tim gan của doanh nghiệp hiện nay. Tui quá sợ tin đồn, người ta vô cớ vu cho tui đủ thứ, những người khác xông vào đánh hội đồng với những kết luận rất thiếu trách nhiệm. Tui tin rằng, nhà báo chân chính, có lương tâm nghề nghiệp, có trách nhiệm với xã hội không làm như thế.
Trong hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp diễn ra ngày 17.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định một cách quyết liệt rằng: “Tinh thần lớn mà tôi muốn nhấn mạnh để các nhà đầu tư, các doanh nghiệp yên tâm rằng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ là xây dựng được một môi trường kinh doanh tốt, có tính cạnh tranh cao. Một môi trường không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn, bảo vệ được tài sản của doanh nghiệp, của nhà đầu tư; không chỉ có chi phí thấp mà còn rủi ro thấp…”.
Còn chi sướng hơn khi nghe người đứng đầu Chính phủ nói như vậy, câu nào “chết” câu đó, doanh nghiệp tụi tui như mở cờ trong bụng. Một môi trường kinh doanh an toàn là mơ ước của không chỉ riêng tui, một môi trường kinh doanh rủi ro thấp là mong muốn của tất cả nhà đầu tư.
Thiệt bụng, tui không sợ rủi ro chi hơn những tin đồn, tin giả làm khủng hoảng doanh nghiệp nhưng không biết cách nào để xử lý. Tui có cảm giác tui không được pháp luật bảo vệ, cậy nhờ đến pháp luật xử lý kẻ tống tiền thì bị cho rằng làm việc thất đức.
Doanh nghiệp đòi hỏi được bảo vệ tài sản, nhưng còn nhiều thứ khác phải được bảo vệ, đó là uy tín thương hiệu, sản phẩm, danh dự doanh nghiệp và của cá nhân. Tui thấy người ta thích là chửi bới, đòi tẩy chay sản phẩm, đưa thương hiệu của một doanh nghiệp ra bêu rếu như “kẻ phạm tội”. Nhưng làm sao để doanh nghiệp được bảo vệ? Câu hỏi đó dường như đã đến tai Thủ tướng, không chống thì chầy Chính phủ cũng sẽ trả lời. Hy vọng.
Link bài: Thủ tướng: "Năm 2017 sẽ làm năm giảm phí cho doanh nghiệp"