Nguồn biếm hoạ: Internet
Anh Thanh mến,
Cảm ơn anh đã hồi đáp nhanh chóng thư của tôi. Chưa gặp nhau nhưng tôi cảm nhận có sự tri âm giữa tôi và anh. Vừa đọc báo Dân trí , có bài “Chính quyền "hành" doanh nghiệp nội dễ hơn doanh nghiệp ngoại”, thấy cũng buồn. Thế thì làm sao doanh nghiệp nội ngóc đầu lên nổi. Theo anh có phải bụt chùa nhà không thiêng hay vì lý do nào khác?
Mong anh hồi đáp
Thân,
Anh Hoan mến,
Cảm ơn anh đã chia sẻ và động viên. Tụi mình đều kinh doanh lâu năm, có vấn đề gì thì cứ nêu chính kiến của mình để Nhà nước xem xét, từ đó có thể cải tiến biện pháp quản lý, thay đổi chính sách phù hợp hơn. Đó cũng là trách nhiệm của doanh nhân anh ạ.
Về vấn đề anh nói, tui nghĩ tâm lý “bụt chùa nhà không thiêng” cũng có nhưng không là vấn đề chính anh ạ. Doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam được nhiều ưu đãi, điều này rất đúng, phải vậy người ta mới đến nước mình. Thời mở cửa, Việt Nam có câu " trải thảm đỏ đón nhà đầu tư" là vậy.
Lành mạnh hoá môi trường hành chính, tạo điều kiện tối đa để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam là đòi hỏi thực tế và tất yếu, phải thay đổi thường xuyên, liên tục để chính sách được hoàn thiện, đáp ứng các yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư. Kiến tạo chính sách thu hút nhà đầu tư không phải là cạnh tranh của doanh nghiệp mà là cạnh tranh chính phủ với chính phủ của các quốc gia. Anh Hoan có nhất trí với tui không? Tui tin là anh nhất trí.
Vậy đối với doanh nghiệp trong nước thì sao?
Chắc anh có theo dõi qua truyền thông trong nước, tại buổi toạ đàm Kinh tế vĩ mô quý II/2017 tổ chức này 10.7, bà Phạm Chi Lan- một chuyên gia kinh tế ( anh biết bả chứ?) đã nhận định: "Đối với đầu tư nước ngoài, áp lực và chi phí liên quan đến chính quyền đỡ hơn so với doanh nghiệp trong nước, bởi chính quyền sợ các doanh nghiệp ngoại vì họ được bảo vệ bởi các đại sứ quán, tổ chức hội và tiếng nói báo chí".
Anh Hoan thừa hiểu "Áp lực và chi phí liên quan đến chính quyền" có nghĩa là các loại tiêu cực phí. Doanh nghiệp nước ngoài cũng không thoát được tiêu cực phí, chỉ đỡ hơn thôi.
Bà Phạm Chi Lan giao lưu với sinh viên Huế (Theo website Đại học Huế)
Bà Phạm Chi Lan nói, điều này được minh chứng là trong 6 tháng qua, số DN trong nước tạm ngừng hoạt động và phá sản vẫn rất cao, mặc dù Nhà nước có nhiều Nghị quyết tốt về cải cách môi trường kinh doanh và tạo cơ hội cho DN trong nước như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35.
Có thể có ý kiến khác tranh luận với bà Phạm Chi Lan, nhưng riêng sự trải nghiệm của mình, tui thấy bả nói đúng và thẳng thắn. Trong hoạt động kinh doanh hiện nay, có sự phân biệt rất rõ giữa doanh nghiệp nước ngoài với doanh nghiệp trong nước. Nói thiệt luôn nghen, các ông quan liêu tiêu cực cũng khó lòng hành doanh nghiệp nước ngoài, lộn xộn họ kiện cho thì mất chức như chơi. Họ không đi kiện một mình đâu, đại sứ quán nước họ sẽ làm tới cùng nếu như doanh nghiệp nước họ bị ăn hiếp.
Mà lạ thiệt nghe, doanh nghiệp nước ngoài được đại sứ quán, tổ chức hội, báo chí bảo vệ, vậy tại sao doanh nghiệp Việt Nam thì không? Dân mình sính ngoại, nghe sản phẩm nước ngoài thì tin hơn sản phẩm trong nước, đó đã là lợi thế của họ. Họ lại có thêm lợi thế không bị hành như doanh nghiệp trong nước, không mất sức vì chi phí tiêu cực, vậy thì cạnh tranh sao lại với họ.
Tui nghĩ đơn giản thế này anh Hoan ạ, cần có chính sách để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng phải có chính sách thu hút nhà đầu tư trong nước. Đã là doanh nghiệp thì cứ bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Và cho dù là doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp trong nước, đều phải nhận được sự nâng đỡ, hỗ trợ để phát triển, không ai bị "hành" cả. Được vậy thì sẽ không có doanh nghiệp nào ăn trên ngồi tróc, không doanh nghiệp nào bị “đì”, doanh nghiệp ngoại và nội cùng nắm tay nhau phát triển bền vững, hay biết mấy phải không anh Hoan?
Link: Chính quyền "hành" doanh nghiệp nội dễ hơn doanh nghiệp ngoại