TS.BS. Võ Xuân Sơn / TBKTSG
Nguồn Internet
Tui ủng hộ kịch liệt ý kiến của bác sĩ Võ Xuân Sơn. Là người trong ngành, tác giả đã nhận ra những hệ luỵ nguy hiểm trước vấn nạn bạo hành đối với các y bác sĩ một cachs trung thực và công bằng. “Việc chỉ quan tâm một chiều đến bệnh nhân và sự hài lòng của họ, mà bỏ qua sự an nguy của nhân viên y tế, phớt lờ những vấn đề gây ức chế tâm lý cho nhân viên y tế, mới thoạt nhìn thì có vẻ là nhân đạo, nhưng thực chất đó là giải pháp vô nhân đạo đối với nhân viên y tế.” Đó là một nhận định cực kì chuẩn xác mà những ai quan tâm đến vận nạn nói trên cũng nên chia sẻ.
Trần Quí Thanh
Liên tiếp trong thời gian gần đây, những vụ bạo hành y tế được dư luận quan tâm đã xuất hiện với mật độ dày đặc, tính chất cũng ngày càng hung bạo.
Đêm 15-2-2017, tại Trung tâm Y tế huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng, điều dưỡng Lan bị một nam thanh niên đi chung với người bệnh tấn công. Chị phải đi cấp cứu và nằm viện.
Tối 28-2-2017, tại Khánh Hòa, tên Nguyễn Tuấn Hảo (25 tuổi), đã tấn công, khống chế nữ nhân viên y tế N. đang trực một mình ở trạm xá, thực hiện hành vi hiếp dâm và ra tay dã man gây tổn thương nghiêm trọng cho chị.
Ngày 16-4-2017, một bác sĩ ở Bệnh viện Thạch Thất, Hà Nội bị người nhà bệnh nhân đánh chảy máu đầu, ngất xỉu.
Ngày 3-5-2017, tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, một người nhà bệnh nhân lao vào tát liên tiếp vào mặt em sinh viên y khoa.
4 giờ sáng ngày 7-5-2017, một nhóm côn đồ xông vào khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khống chế bác sĩ, tấn công một người bệnh đang được cấp cứu.
Tối ngày 7-5-2017, tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) các đối tượng dùng súng bắn trượt một bảo vệ bệnh viện, xuyên thủng kính một chiếc ô tô đỗ gần đó…
Chiều ngày 17-6-2017, tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam, bác sĩ Phạm Đình Vinh bị người nhà của một bệnh nhi đón đánh từ cổng bệnh viện vào đến phòng khám. Những người này còn bắt bác sĩ phải quỳ xuống đất xin lỗi.
Chiều 30-6-2017, tại Bệnh viện Sản – Nhi Nghệ An, Nguyễn Ngọc Thái (41 tuổi) đã dùng dao đâm chết ông Lô Minh Hương (59 tuổi), là bảo vệ của bệnh viện.
Ngày 13-7-2017, tại Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển, người nhà của một bệnh nhân – gãy liên mấu chuyển xương đùi tử vong sau mổ do thuyên tắc mạch phổi – đã khống chế và bắt bác sĩ phải ký nhận tội giết người vào “cáo trạng” mà gia đình bệnh nhân soạn sẵn.
Còn rất nhiều những vụ bạo hành y tế khác được thông tin trên báo chí mà không thể liệt kê ra đây, trong đó, có vụ án mạng rất trầm trọng, xảy ra ở Bệnh viện Vũ Thư, Thái Bình ngày 16-8-2011, khi bác sĩ Phạm Đức Giàu, 60 tuổi bị đâm chết, và bác sĩ Ngô Duy Hoàn, 30 tuổi, bị đâm trọng thương bởi một người nhà bệnh nhân.
Người hành nghề y là người luôn phơi mình trước những nguy hiểm chực chờ. Họ không được phép phản kháng, không được phép phòng vệ chính đáng. Những khẩu hiệu kiểu như “lương y như từ mẫu”, hay những cách hiểu sai trái nhưng khá phổ biến về y đức đang tước đi khả năng tự vệ, khả năng phản kháng của họ. Y tế là một nghề nguy hiểm.
Đánh một nhân viên hàng không, kẻ hành hung bị cấm bay. Một công nhân vệ sinh bị hành hung, Chủ tịch UBND Thủ đô trực tiếp đến thăm. Khi nhân viên y tế bị đâm chết, bị đánh đổ máu, chẳng mấy ai, từ lãnh đạo đến người dân tỏ ra quan tâm, thương xót.
Đấy là chưa kể đến việc, cứ sau mỗi lần bị bạo hành, khi sự việc đưa lên công luận, cả thế giới mạng xúm vào chửi rủa nhân viên y tế. Họ luôn được mặc định là người có lỗi. Chưa đủ, nhân viên y tế là nạn nhân của bạo hành lại còn phải làm bản tường trình, kiểm điểm.
Ngay cấp lãnh đạo ở cơ sở cũng vì cần lấp liếm câu chuyện, bảo vệ cái ghế của mình, nên cũng tìm cách đổ lỗi cho nhân viên y tế và kỷ luật họ, để chứng tỏ mình yêu thương người bệnh. Hậu quả là nhân viên y tế vừa bị bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân bạo hành về thân thể, vừa bị xã hội và cấp trên bạo hành về tinh thần.
Căm phẫn, uất ức, rồi sau đó là thất vọng, nhục nhã, ê chề là cảm giác của những nhân viên y tế bị bạo hành. Nhưng dù cho họ có căm phẫn, uất ức, thất vọng, ê chề đến đâu thì nhân viên y tế vẫn bị đòi hỏi phải luôn thánh thiện, luôn là “mẹ hiền” với lý luận “đã chọn cái nghề này là phải chấp nhận”.
Không mấy người, từ người dân tới lãnh đạo, quan tâm đến những phản ứng tâm lý của nhân viên y tế sau mỗi vụ bạo hành. Những thương tổn thân thể của nạn nhân trực tiếp bị bạo hành là rõ ràng. Nhưng còn những thương tổn tâm lý mà những vụ bạo hành đó gây ra cho cá nhân người bị bạo hành và cộng đồng y khoa cũng rất trầm trọng.
Việc chỉ quan tâm một chiều đến bệnh nhân và sự hài lòng của họ, mà bỏ qua sự an nguy của nhân viên y tế, phớt lờ những vấn đề gây ức chế tâm lý cho nhân viên y tế, mới thoạt nhìn thì có vẻ là nhân đạo, nhưng thực chất đó là giải pháp vô nhân đạo đối với nhân viên y tế.
Hình ảnh người bác sĩ cô độc ngồi khoanh tay chịu trận khi một đám đông lao vào xâu xé, xỉa xói trong clip về vụ người nhà bắt bác sĩ phải ký nhận tội giết người vào “cáo trạng” mà gia đình bệnh nhân soạn sẵn ở Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển là hình ảnh mô tả đầy đủ thân phận của nhân viên y tế trong môi trường làm việc đầy bạo lực hiện nay.
Hình ảnh bác sĩ bị đánh từ cổng bệnh viện vào đến phòng khám trong suốt 15 phút, bị bắt phải quỳ xuống đất ở Bệnh viện Thể thao Việt Nam mà không có sự can thiệp nào của cơ quan chức năng, của lực lượng bảo vệ và lãnh đạo của bệnh viện, đã cho thấy nhân viên y tế đơn độc trước bạo lực như thế nào.
Nhân viên y tế cũng là con người. Họ cũng cần được đối xử như con người. Chưa cần nói đến tính đặc thù của y tế, mà chỉ cần dư luận xã hội, những cán bộ lãnh đạo, đối xử với nhân viên y tế ngang hàng với công nhân vệ sinh, với tiếp viên hàng không, với những người không phải đầu tư nhiều cho việc học hành như họ.
Song song với sự an nguy về thân thể, tính mạng và danh dự của nhân viên y tế không được coi trọng, thì việc không áp dụng hình phạt với những kẻ bạo hành nhân viên y tế trong phần lớn các trường hợp, lại càng làm cho nhân viên y tế bị ức chế.
Ở Mỹ, nạn bạo hành y tế cũng rất trầm trọng. Tuy nhiên, trái ngược với chúng ta, phản ứng của các cơ quan chức năng lại rất tích cực. Năm 1996, cơ quan quản lý sức khỏe và an toàn nghề nghiệp Hoa Kỳ đã ban hành “Hướng dẫn phòng ngừa bạo hành công sở trong y tế và dịch vụ xã hội”. Hướng dẫn này được sửa đổi vào năm 2004 và mới đây, tháng 4-2015, ngay sau vụ một bác sĩ ở Boston bị bắn chết, lại được sửa đổi một lần nữa.
Hướng dẫn này đặc biệt chú ý đến việc đánh dấu và thông báo cho nhân viên y tế biết những khu vực và cá nhân bệnh nhân, thân nhân có nguy cơ hoặc có tiền sử bạo hành nhân viên y tế để có sự phòng bị đầy đủ. Cho đến nay, đã có nhiều bang trên nước Mỹ bắt buộc các bệnh viện phải thực hiện hướng dẫn này.
Sau mỗi vụ bạo hành, tâm lý hoang mang lo lắng khi hành nghề của nhân viên y tế lại tăng cao. Tâm lý bất an sẽ tác động đến mức độ tập trung, sự chính xác của các quyết định của nhân viên y tế. Trong hoàn cảnh như vậy, sai sót chuyên môn rất dễ xảy ra. Và người gánh chịu hậu quả lại chính là người bệnh.
Nếu nhân viên y tế cảm nhận được, rằng các cơ quan chức năng chú ý đến sự an nguy của mình, rằng mình đang được bảo vệ, thì họ mới có niềm tin để mà hành nghề và cống hiến cho xã hội.
Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn
Link bài: Bạo hành y tế nhìn từ bên trong