Kính chào anh Thanh.
Trước hết em chúc anh dồi dào sức khỏe để cùng Tân Hiệp Phát đạt được chỉ tiêu và hoài bảo của mình. Em xin được hỏi anh vài vấn đề về Tân Hiệp Phát, mong anh dành chút thì giờ chia sẻ.
Ngoài các sản phẩm truyền thống là Trà xanh không độ và Trà thanh nhiệt Dr Thanh, anh còn kỳ vọng vào sản phẩm nào để đạt doanh số 3 tỉ USD trở lên? Tầm nhìn của Tân Hiệp Phát? Trong tình hình cạnh tranh khốc liệt của thị trường nước giải khát hiện nay, Tân Hiệp Phát đã chuẩn bị đối sách gì để tồn tại và phát triển ngang hoặc cao hơn giai đoạn 2009 – 2011?
Kính chúc anh mọi chuyện tốt đẹp.
Em: Phạm Danh Huynh
(Comment trong bài viết Sự trung thực không bị tuyệt chủng)
Chào anh Huynh
Lâu rồi không gặp nhau, dạo này có blog, được anh quan tâm hỏi han nhiều đến tui và Tân Hiệp Phát rất mừng. Là người cũ của Tân Hiệp Phát, xa nhau càng lâu càng nhớ nhau, rất quí. Cảm ơn anh rất nhiều.
Như anh biết đó, chiến lược phát triển của Tân Hiệp Phát là hiện đại hóa tối đa công nghệ để sản xuất ra sản phẩm tốt nhất phục vụ người tiêu dùng. Và hiện nay, tổ hợp nhà máy của Tân Hiệp Phát được công nhận là hiện đại số 1 thế giới, sản xuất những sản phẩm an toàn vệ sinh tuyệt đối, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng. Điều này không phải tui tự nói, mà đươc các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước chứng nhận.
Dây chuyền Aseptic
Với công nghệ đó, hai sản phẩm Trà xanh không độ và Dr Thanh ngày càng đứng vững trên thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng. Bên cạnh đó, Tân Hiệp Phát còn cho ra các sản phẩm mới, phục vụ nhu cầu đa dạng, phong phú của thị trường và Number 1 là một sản phẩm thành công tiếp theo.
Tân Hiệp Phát trước sau như một, dù tung thêm sản phẩm gì ra thị trường, thì vẫn lấy chất lượng cao nhất làm tiêu chuẩn, lấy sức khỏe của người dân làm trọng, sau đó mới tính đến chuyện lợi nhuận.
Nếu không đảm bảo được chất lượng sản phẩm, không đặt sức khỏe của cộng đồng lên hàng đầu thì dù có đạt doanh số 3 tỉ USD cũng chẳng ích gì, cũng chẳng sung sướng gì. Chưa nói, khi ai đó làm ăn gian dối, thì không trước thì sau cũng sập tiệm.
Nói thiệt với anh nha, tui không giấu giếm gì tham vọng của mình, đó là đưa Tân Hiệp Phát trở thành công ty hàng đầu châu Á trong ngành đồ uống, thực phẩm và bao bì.
Nhiều người nói tui hoang tưởng, ảo vọng, nhưng tui quyết tâm làm điều này, không phải chỉ là chuyện làm giàu, mà mang khát vọng phải xây dựng được doanh nghiệp thương hiệu Việt có tầm cỡ thế giới. Chẳng lẽ mình suốt ngày cứ đi ngưỡng mộ các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài, chẳng lẽ dân mình suốt ngày móc túi xài sản phẩm đồ uống của thiên hạ, tại sao mình không đem sản phẩm của mình đi bán để lấy tiền của thiên hạ đem về?
Đã tham gia thị trường sản xuất kinh doanh thì chấp nhận cạnh tranh. Trong cuộc đời kinh doanh của mình, tui không hề sợ cạnh tranh, kể cả các đối thủ mạnh như Coca Cola, Pesi, nhưng tui cũng như nhiều doanh nghiệp khác lo lắng về những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nghiệp làm ăn chân chính như người ngoài sáng, bị kẻ trong bóng tối, rình rập và mưu hại, thì quá nguy hiểm.
Tân Hiệp Phát đã trải qua quá nhiều vụ bị người ta dùng thủ đoạn mưu hại, nhưng đã may mắn vượt qua, bởi vì Tân Hiệp Phát giữ vững tôn chỉ mục đích là phục vụ người tiêu dùng với sản phẩm chất lượng cao nhất, đạt tuyệt đối các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Và trong những bước phát triển tới, Tân Hiệp Phát vẫn lấy tôn chỉ này làm ngọn cờ.
Vài vấn đề vậy nhé, có dịp anh em mình sẽ trao đổi thêm. Chúc anh mạnh giỏi, thành đạt.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)
Em rất thấm thía ba điều trong bài trả lời của anh.
Thứ nhất: Chất lượng tất cả các sản phẩm của THP phải là số 1 thì mới có doanh số bán là số 1.
Thứ hai: Công nghệ thiết bị sản xuất chất lượng cao vào loại hàng đầu thế giỡi thì mới hạn chế tối đa các rủi ro về chất lượng sản phẩm nhằm phục vụ tốt nhất cho sức khỏe con người.
Thứ ba: Điều mà em thấy khoái nhất là mình không thể ngắm nhìn, chiêm ngưỡng và ngưỡng mộ đối thủ hoài. Phải xông pha và cạnh tranh lành mạnh với họ để khẳng định thương hiệu Việt của mình.
Trong kinh doanh là phải chấp nhận thách thức và vươn lên. Tuyệt đối không tự ti, lo sợ hay lép vế với đối thủ mạnh. Em rất kính phục anh ở điểm này, anh thành công là điều đương nhiên rồi.
Kính chúc anh và THP luôn thắng lợi và đi đầu trong ngành NGK và thưc phẩm tiêu dùng nhanh. Em luôn ngưỡng mộ anh.
Cảm ơn anh Huynh nhiều. Có anh trao đổi tui cũng có điều kiện suy nghĩ được nhiều hơn. Các vấn đề anh đưa ra rất có ích cho tui và anh em THP.
Kính chào anh Thanh. Hôm nay em chỉ xin anh có vài ý kiến về nguồn lược nhân sự của THP hiện nay và "chiến lược các sản phẩm có chất lượng số 1". Em xin lỗi trước vì các bài viết của em thường rất chân thành và thẳng thắn có thể làm phật ý người khác. Bỏ qua cho em.
1. Về nhân sự tại THP hiện nay, xin lỗi em xin được nói thẳng thắn mang tính góp ý xây dựng thật sự nhé.
Phải nói rằng những nhân sự cũ đã gắn bó với anh để tạo lập và xây dựng THP từ thuở khai thiên lập địa ban sơ , những người đã đồng cam, cộng khổ với "nhà D,r Thanh" mang đầy tâm huyết để có thương hiệu THP hùng mạnh như ngày nay. Đó mới thực sự là nguồn lực nhân sự đáng được trân trọng và cũng có niềm tự hào về họ khi nhắc đến THP.
Còn các nhân sự sau này đa phần theo đánh giá khách quan của những người thường theo dõi sự phát triển của THP thì chưa đủ tầm với tốc độ phát triển như vũ bão của tập đoàn Việt nam này (chủ yếu là Manager). Nói tóm lại (có thể) họ là những người giỏi đối phó, biết lách mình, biết chọn vị thế để cho cái tôi phát triển và có lợi nhiều cho bản thân chứ hiệu quả họ đem lại theo em tiếp xúc một số người thì chưa chắc gì là cao. Chưa đủ số tiền lương mà họ nhận được từ đơn vị. Với cái tầm đó thì sẽ rất khó khăn cho sự phát triển của công ty để đạt được hoài bảo chiến lược đặt ra. Những người giỏi hô khẩu hiệu, giỏi đối phó thì thể hiện được ít nhất là ba yếu tố: Thứ nhất – Hiệu quả lao động sẽ rất thấp, chất lượng sản phẩm của họ làm sẽ không đạt. Thứ hai – Rất giỏi lách, rất giỏi đỗ lỗi trách nhiệm cho cấp dưới và đồng nghiệm. Thứ ba – Rất giỏi tâng bốc cấp trên. Em không dám đưa ra ví dụ nhưng với tầm quan sát tinh tế và qua trao đổi với vài người và sự từng trãi của mình em cũng cảm nhận ra điều đó. Ngoại trừ Hoàng Anh Tuấn vẫn là vị Manager rất xuất sắc hiện nay tại khối SX. Em rất tâm đắc với Tuấn ở chỗ là: Bao giờ cũng đặt vị trí của mình vào cương vị khách hàng để mà mổ xẻ, phán xét sản phẩm do mình làm ra kết hợp với sự quản trị tối ưu nhằm đảm bảo tiêu chí đề ra.
Do đó để có nguồn lực nhân sự mạnh thì THP nên soạn thảo ra một bộ qui chế thật sự khả thi thực sự, không tản mạn chung chung, không làm cho có hình thức, không hô khẩu hiệu. Nói thật là qua bao nhiêu năm đổi mới và phát triển rồi mà em thấy nhân sự vẫn dẫm chân tại chỗ, thậm chí một số vấn đề trong phỏng vấn và tuyển dụng, tiếp nhận không bằng trước đây. Như vậy thì đâu ra hệ thống, bài bản gì mà nói tuân thủ hệ thống và xây dựng hệ thống vững mạnh làm sao khi những vấn đề cơ bản còn thiếu quan tâm. Việc này không phải lỗi do hệ thống và do tập đoàn mà là do người thực hiện. Người ta chỉ nói đúng một câu là do bận quá nên, nên, nên…tất cả nhiều vấn đề đả được giải đáp. Em chỉ ví dụ vài đơn vị như TH True Milk, Vina capital, IDP hay Bluscope hay như tập đoàn Hoa sen, Masan Group, họ có qui chế hẳn hoi, phỏng vấn Manager thì ra sao, Supervisor thì ra sao, kỹ sư, nhân viên và các ngành nghề thì ra sao chứ không cá mè một lứa.
Tóm lại điều gần mà dễ hiểu và có thu hoạch tốt nhất về nhân sự đơn giản chỉ có các vấn đề này:
+ Có qui chế rõ ràng. Thực ra qui chế là hình thức luật hóa thu nhỏ. Mà đã luật thì phải chấp hành.
+ Setup KPI đầy đủ, chính xác không hô khẩu hiệu cho từng vị trí công việc (nhất là các Manager). Bắt buộc phải thực hiện vì đó là thước đo hiệu quả lao động cho mỗi người.
+ Phải tạo ra được giá trị ở cương vị của mình và biết tạo nên sự khác biệt.
+ Cần thiết sự cầu tiến, trân trọng sự học hỏi vươn lên và tuyệt đối tôn trọng và giữ bí mật tuyệt đối cho thương hiệu mà mình đang làm việc.
+ Khen thưởng kỷ luật rõ ràng.
+ Không thích nghi với môi trường làm việc và không đạt KPI thì "BIẾN".
2. VỀ VẤN ĐỀ SẢN PHẨM ĐẠT Ở TOP SỐ 1.
Theo em chiến lược cho nó cũng không đến mức trừu tượng lắm. Chúng ta có thể thấy ngay các vấn đề này:
+ Phải có một giám đốc điều hành thực sự giỏi, có tâm huyết, có óc quản trị tốt để làm thuyền trưởng cho con tàu sản xuất luôn đi đúng hướng. Hiện tại Hoàng Anh Tuấn sẽ và đang đáp ứng tốt với yêu cầu này.
+ Phải có nguồn đầu vào tốt như nguyên vật liệu, nhân sự…Nói chung chất lượng đầu vào đạt chất lượng cao rất căn bản.
+ Phải có công nghệ chế biến và công nghệ pha chế tối ưu vào loại hàng đầu thế giới.
+ Điều rất quan trọng là hạn chế đến mức tối đa các rủi ro xảy ra trong quá trình sản xuất. Ví dụ như một cái ống hút nằm hẳn trong chai thủy tinh không lấy ra được trong quá trình rửa chai. Nếu có quan tâm và để ý thì vấn đề này rất dễ xảy ra với loại ống hút có chiều dài thấp hơn thân và cổ chai v.v…
+ Thường xuyên coi trọng công tác an toàn lao động và an toàn sản phẩm.
+ Dự báo sales phải khá chuẩn, ít nhất độ chính xác phải đạt trên 85% so với thực tế thực tế.
Em kính chào trân trọng " nhà D.r Thanh" và tập đoàn THP. Em luôn có tâm huyết và mong muốn anh luôn biến cái không thể thành cái có thể để cùng THP vươn ra biển lớn với doanh số bán ra đạt trên 3 tỷ USD.
Kính chúc anh, chị và đại gia đình THP luôn dồi dào sức khỏe để đưa con tàu ta ví như chiến hạm lớn này vượt biển lớn.
Trân trọng
Phạm Danh Huynh