“Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cơ chế “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” đã được thực hiện một cách thật đơn giản”. Ảnh TL
…………………
Gần đây Luật sư Nguyễn Tiến Lập xuất hiện một số bài viết về các vấn đề doanh nghiệp và kinh doanh rất đáng chú ý. Đây là một bài như vậy. Ông đã đặt vấn đề rất trúng: “Trong lịch sử, sáng tạo và đổi mới thường đến từ khu vực tư, tức người dân và xã hội, hơn là khu vực công. Khu vực công nói chung và quản trị công nói riêng luôn đóng vai trò quan trọng, tuy nhiên, nếu không đồng hành với nhịp điệu của đời sống bằng các thay đổi thường xuyên trong nhận thức và hành động thì rất dễ trở thành vật cản cho sự tiến bộ. Cuộc cách mạng 4.0 đang có nguy cơ tạo ra sự lệch pha như vậy.” Thiêt nghĩ các nhà quản lý doanh nghiệp nên tiếp cận những bài viết thế này để rút ra được nhiều bài học giúp cho việc thúc đẩy nền kinh doanh nước nhà ngày càng phát triển.
…………….
Một số câu chuyện gây ồn ào trên các phương tiện truyền thông trong thời gian qua, vừa bức xúc lại cũng tức cười, có thể được nêu ra như chỉ dấu của nhu cầu về một cuộc cách mạng tiếp theo, trước hết trong tư duy quản trị công.
Bất chấp thực tiễn, đẩy doanh nghiệp vào tình thế phải dối trá
Tại một hội thảo do VCCI tổ chức, một số doanh nghiệp đã phản ánh rằng họ chi tiền quảng cáo khá nhiều cho sản phẩm của mình qua dịch vụ online của Google nhưng vì không có hợp đồng và hóa đơn theo đúng hình thức được cơ quan thuế quy định, bởi phải tuân theo “luật” chung của Google, nên không được tính vào chi phí hợp lệ. Doanh nghiệp cực chẳng đã phải chọn giải pháp “lách”, đó là mua hóa đơn khống để hợp thức cho xong chuyện.
Chuyện này không chỉ là việc các quy định của ngành thuế không tiến kịp với thời đại “online”, mà còn làm cho tôi liên tưởng đến căn bệnh của tư duy “đúng quy trình”. Phàm đã là quan chức nhà nước thì việc đầu tiên là tuân thủ đúng các thủ tục và quy trình, mặc dù nó có thể rất hình thức và chẳng nói lên điều gì thực chất, miễn là tránh bị quy kết trách nhiệm.
Căn bệnh này đã thành “dịch” lan ra mọi ngõ ngách của đời sống công vụ, từ bổ nhiệm cán bộ đến cả phê duyệt các dự án đầu tư tiền trăm, chục tỷ. Ai từng ở nước ngoài, nhất là Âu, Mỹ thì biết nếu một thanh niên đến rạp chiếu phim mà bị nghi ngờ không đủ tuổi để xem một bộ phim cấm thiếu niên thì cậu ta có thể bằng mọi cách chứng minh mình đủ tuổi, không như ở ta phải chạy về nhà lấy chứng minh nhân dân.
Vậy thì trong một xã hội yên bình, nếu có niềm tin rằng sự việc hay một câu chuyện là đúng sự thật rồi thì việc gì cứ phải “hành hạ” để làm khổ nhau?
Vậy, khuyến nghị xin đưa với cơ quan quản lý là hãy nhanh chóng theo kịp tiến bộ công nghệ và phương thức kinh doanh mới, còn nếu chưa thì hãy dùng niềm tin công vụ để phán xử.
Cái gì mới lạ, không “quản” được thì cấm
Vừa rồi xảy ra một cuộc chiến trên thương trường giữa hai loại dịch vụ vận tải là Uber/Grab và taxi truyền thống. Theo đó, Bộ Giao thông – Vận tải đã thổi còi bắt dừng dịch vụ đi chung của cả Grab và Uber, trong khi có vị đại biểu Quốc hội còn đề nghị Chính phủ chấm dứt thí điểm kinh doanh của Uber và Grab.
Các lợi ích của Uber và Grab thì ai cũng rõ, vừa tiện lợi vừa rẻ tiền, sạch sẽ và niềm nở. Theo nguyên lý kinh doanh, bởi chinh phục được thị trường nên loại dịch vụ vận tải mới này đang thắng thế, và điều đó là đúng quy luật. Vậy thì sao các cơ quan quản lý lại mất công tranh luận nó là gì, hay phải quy vào lĩnh vực hay ngành nghề kinh doanh nào cho tiện quản lý? Rồi thì làm sao để tránh thất thu thuế, và nếu không thu được thuế thì buộc phải dừng.
Còn nữa là câu chuyện bảo vệ taxi truyền thống trước sự cạnh tranh của đối thủ không cùng chủng loại v.v.. Xin thưa, điều cuối cùng đó lại chính là bản chất của thời đại công nghiệp 4.0. Còn mục đích của luật cạnh tranh vẫn luôn là bảo vệ quyền tự do cạnh tranh của tất cả các bên trên thương trường.
Vậy, khuyến nghị xin đưa ra với cơ quan quản lý là hãy thay đổi tư duy, đặt mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng lên đầu, sau đó mới là việc thu thuế cho nhà nước hay làm sao để quản lý được. Bởi suy cho cùng, nhà nước hay chính quyền sinh ra là để phục vụ nhân dân kia mà?
Bộ GTVT đã có văn bản yêu cầu Uber và Grab không thực hiện dịch vụ đi chung xe . Ảnh: Grab Việt Nam.
Mỗi anh quản một sân, chỉ biết chơi theo luật của mình
Cảnh sát giao thông đang xử phạt các lái xe không mang giấy tờ gốc đối với ô tô bị thế chấp ngân hàng, dẫn đến tranh cãi giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an, cho đến giờ vẫn chưa phân thắng bại. Là một luật sư, trước hết tôi thấy cả hai bên cùng có lý, bởi ngành nào cũng muốn quản lý chặt chẽ, tránh rủi ro như: cảnh sát giao thông muốn xem và cầm giấy tờ gốc vì chỉ như thế mới dễ xử phạt vi phạm; còn ngân hàng khi cho vay tiền thì phải nắm chắc tài sản để không bị người vay thế chấp lần hai, lần ba.
Trường hợp này là thông thường và xảy ra ở bất cứ nước nào. Tuy nhiên, khi ấy, người ta xử lý rất đơn giản và nhẹ nhàng, miễn sao các quan hệ dân sự – thương mại diễn ra suôn sẻ nhất. Chẳng hạn, theo logic, anh mua xe thì đã phải thế chấp để vay tiền rồi, vậy thì ưu tiên ngân hàng giữ giấy tờ gốc là đúng, cơ quan công an chỉ việc xem văn bản xác nhận gốc của ngân hàng mà thôi. Còn trong thời đại internet thì lại càng dễ dàng.
Đó là việc kiểm tra chéo trên mạng giữa các bên liên quan với hệ thống thông tin chung là sẽ có kết quả chứng minh. Vậy, tại sao các cơ quan, tổ chức của chúng ta lại không làm điều đó, trong khi vẫn chi rất nhiều cho cái gọi là “chính phủ điện tử”?
Vậy, khuyến nghị đưa ra với cơ quan quản lý là hãy sử dụng công nghệ thông tin và internet vào ngay các hoạt động công vụ hàng ngày, đặc biệt là kết nối giữa các hệ thống, nhưng với mục tiêu trước hết là phục vụ người dân qua việc làm thuận lợi và dễ dàng hơn cho sinh hoạt hàng ngày của họ.
Là quan thì không sợ khi sai vì tưởng chẳng ai biết
Chuyện này có phần tức cười bởi việc bà phó chủ tịch một quận của thủ đô đi ăn và đỗ ô tô ở bất cứ chỗ nào, miễn tiện cho việc ăn uống vốn được coi “hơn cả bình thường”. Tuy nhiên, lần này, lại có việc người dân nhắc nhở chuyện đỗ xe sai quy định, rồi bà phó chủ tịch gọi ngay cấp dưới là chủ tịch và công an phường ra để xử lý giúp, theo hướng duy trì trật tự để bà tiếp tục ăn cho yên ổn.
Câu chuyện ấy chắc chắn sẽ qua đi mà không ai biết, nếu nó xảy ra một vài năm trước. Tiếc rằng giờ đây, với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thì cơ chế “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” đã được thực hiện một cách thật đơn giản. Tất cả nhờ công nghệ điện thoại thông minh kỹ thuật số có tích hợp đủ các tính năng của một phương tiện truyền thông đại chúng. Và thế là chỉ mấy phút sau, qua mạng xã hội, cả nước đã biết chuyện.
Bà phó chủ tịch hoàn toàn không ý thức được điều này nên đã bị kiểm điểm nội bộ sau đó, mặc dù rất có thể bà đang sử dụng cái điện thoại còn thông minh hơn cái của người dân kia.
Vậy, khuyến nghị đưa ra với cơ quan quản lý là hãy thừa nhận sức mạnh của truyền thông và mạng xã hội để trên cơ sở đó tin vào một chân lý hiển nhiên, đó là người dân có quyền tham gia trực tiếp vào quản lý nhà nước và xã hội.
Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ thêm hai câu chuyện tích cực mà cả hai đều mang thông điệp rất rõ ràng về tác động to lớn của cách mạng công nghiệp 4.0. Một là, vào cuối năm trước, khi người dân miền Trung đang khốn cùng vì chịu bão lũ, chỉ cần qua mạng xã hội mà sau một tuần, một cá nhân đơn lẻ đã kêu gọi tài trợ được 16 tỷ đồng để giúp đỡ bà con, hơn rất nhiều các tổ chức lớn khác. Hai là, gần đây, trong lĩnh vực tư pháp đang có một hoạt động rất bình thường nhưng có tiếng vang lớn, đó là việc Tòa án Nhân dân tối cao cho công bố các bản án đã tuyên trên mạng internet. Hành động này được xã hội nói chung và giới luật sư nói riêng cho rằng sẽ có hiệu ứng tích cực để nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, hiệu quả hơn hàng loạt nỗ lực cải cách của ngành tòa án trong nhiều năm cộng lại.
Vậy, thì tại sao không nên bắt đầu một cuộc cách mạng về nhận thức, tư duy và hành động trong quản trị công trong lúc này?
LS. Nguyễn Tiến Lập – Thành viên NHQuang & Cộng sự; trọng tài viên VIAC
Theo báo Người Đô Thị