Trần Quí Thanh
Kính gửi bác Trần Quí Thanh,
Thưa bác chúng cháu vừa ra trường thì làm đám cưới, hai vợ chồng cùng bắt tay khởi nghiệp. Được biết vợ chồng bác cùng khởi nghiệp sau khi cưới nhau, xin bác chỉ giáo cho chúng cháu vợ chồng cùng khởi nghiệp thì có những thuận lợi, khó khăn gì. Và làm sao để gặt hái được thành công.
Rất mong hồi âm của bác
Chúng cháu kính bác
Hùng – Loan ( Thanh Hoá): hung_loan2017@gmail.com
—–
Hai bạn Hùng – Loan thân mến!
Trước tiên, biết hai bạn cùng bắt tay khởi nghiệp là tui thấy phấn khởi rồi, phải có nhiều bạn trẻ, vừa mới ra trường đã mạnh dạn, tự tin đương đầu với thử thách thương trường thì ngay mai mới có những doanh nhân lớn.
Hai bạn yêu nhau mới cưới nhau, có thể rất hợp nhau trong chuyện tình cảm mới thành vợ chồng, nhưng chuyện làm ăn khác chuyện yêu đương đó nha. Cho nên, chú sẵn sàng chia sẻ chuyện vợ chồng cùng khởi nghiệp với hai bạn.
Khi mới bắt tay khởi nghiệp, ai cũng hào hứng, cho rằng “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, nhưng thực tế của hoạt động kinh doanh và đấu tranh trên thương trường đòi hỏi cao “trên mức tình cảm”. Đó là khoa học quản trị, trong đó có quản lý vốn, quản lý nhân sự; đó là nghiên cứu và phát triển doanh nghiệp; đó là tích lũy vốn mở rộng sản xuất và nhiều việc khác nữa.
Với bao công việc như trên, chuyện tình cảm giữa vợ và chồng, cho dù thương yêu nhau đến mấy cũng vẫn chưa đủ, mà phải bổ sung thêm các yêu cầu khác nữa trong quan hệ giữa hai bên.
Ở nhà là vợ chồng, nhưng khi làm việc công ty, điều hành doanh nghiệp thì cấp trên với cấp dưới. Vợ là cấp trên hay chồng là cấp trên, đã bổ nhiệm ai làm sếp thì phải giao cho người đó quyết định cuối cùng và tôn trọng quyền quyết định của người đó. Nếu như đem chuyện tình cảm ở nhà, chồng đòi quyết thay vợ trong khi vợ làm chủ tịch doanh nghiệp thì chỉ có loạn. ở Việt Nam có nhiều cặp vợ chồng cùng khởi nghiệp, nhưng vợ là bà sếp, và họ đã rất thành công, ví dụ như nữ tỉ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO của Vietjet Air, Chủ tịch tập đoàn Sovico Holdings.
Nhưng cũng có trường hợp vợ chồng cùng khởi nghiệp, thành công, nhưng rồi tan đàn xẻ nghé, chú không tiện nêu tên ra đây.
Đối với kinh nghiệm của cá nhân chú, trong quá trình điều hành, hai người coi nhau như cộng sự thân tín, cùng bàn bạc công việc, nêu những thuận lợi và đánh giá những rủi ro với tất cả trách nhiệm. Nếu như nghiêng về tình cảm vợ chồng, ví dụ người vợ cho rằng cứ giao cho chồng lo hết, mình còn việc nhà, chăm sóc cho con cái, vậy thì không còn đúng với tinh thần hai vợ chồng cùng khởi nghiệp.
Có điều chú nhắc hai cháu, vì cả hai vợ chồng cùng khởi nghiệp, cho nên cần tính toán bài toán rủi ro thật sát. Nếu như chồng khởi nghiệp, vợ làm công việc khác, nếu chồng thất bại thì còn về vợ kiếm ăn và ngược lại.
Nhưng nếu hai vợ chồng khởi nghiệp, thất bại coi như đi dứt, không ai dựa được vào ai. Vì vậy phải làm chắc từng bước, có dự phòng rủi ro về tài chính và cơ hội việc làm khác. Chơi kiểu “qua sông đốt thuyền” chỉ có thể hợp với một người khởi nghiệp, vì dù sao còn có vợ hoặc chồng ở sau lưng.
Chia sẻ cuối cùng của chú, rất quan trọng, đó yêu thương và tin tưởng nhau tuyệt đối. Chồng cầm cọc tiền đi nhậu với đối tác để hay xây dựng các mối quan hệ mà vợ cứ “kết án” chồng đi cho bồ thì doanh nghiệp đó trước sau cũng phá sản. Chú từng biết có một đôi vợ chồng khởi nghiệp ở Sài Gòn, chồng đi đâu vợ cùng theo sát một bên để kiểm soát. Dần dần đối tác cũng chán, người có các mối quan hệ lo lót bí mật cũng ngại có mặt người thứ ba. Thế là dần dần họ xa lánh hết.
Hợp tác bên ngoài còn cần niềm tin huống chi là vợ chồng.
Chúc hai cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi:tranquithanh1953@gmail.com)