Phạm Vũ/ Báo Tuổi trẻ
…………….
Tui nhớ ba tiếng “Hố tử thần” có từ thập niên cuối thế kỉ 20. Từ đó ba tiếng này ngày một phát triển đến nỗi ngày nay trỏ thành “quốc nạn”. Nó là nỗi ám ảnh khủng khiếp của mỗi người dân sống trong thành phố “đáng sống” này. Cho nên tui rất chia sẻ với tác giả bài này về câu chuyện đầy thương cảm về những cháu bé rơi xuống miệng cống và không bao giờ trở về nữa. Đau lắm.
Trần Quí Thanh
…………………
Đến tận 21h30 đêm qua (28-9), sau nhiều nỗ lực tìm kiếm dưới lòng cống, dọc suối, dọc sông… lực lượng chức năng đã tìm thấy thi thể bé Trường.
Trường không phải trường hợp đầu tiên, duy nhất, cá biệt. Xem tin về Trường, sau phút thảng thốt, người đọc lại thảng thốt hơn khi nhớ lại: đây đã là lần thứ mấy?
Chỉ phút trước, giây trước, Tấn Trường, Thảo Uyên, Bích Diệp còn đang vui cười với câu chuyện trường lớp. Mưa lớn, thế rồi cuộn nước trên miệng cống bỗng cuốn chân, kéo phăng cả thân người. Giây phút kinh hoàng trước khi chìm vào bóng tối, thinh lặng, có thể các em đã rất sợ hãi, có thể các em bật nhớ những người thân yêu, có thể các em biết mình sẽ chết…
Mới tuần trước là Thảo Uyên ở Bình Phước. Mới tháng trước là Bích Diệp ở Quảng Ninh. Và những mùa mưa năm trước nữa: Hiếu ở Bình Dương, Thảo ở Thủ Đức… Chưa thể quên. Nhưng tại sao có cái kết cục đau đớn ấy thì chắc chắn không em nào biết, cả Trường, cả Uyên, cả Diệp…
Chỉ những người còn sống mới thở dài: “Giá như…”, mới nuối tiếc: “Đáng lẽ…”, mới đặt câu hỏi: “Tại sao?…”, mới phẫn uất gọi: “Ai?…”.
Tại sao cống thoát nước đang thi công mà công trường không có rào chắn? Tại sao nắp chắn miệng cống bị tháo ra mà không có cảnh báo? Tại sao những sự cố phải trả giá bằng mạng người này cứ lặp đi lặp lại từ mùa mưa này sang mùa mưa khác, từ địa phương này sang địa phương khác, từ trận mưa này sang trận mưa khác?
Trong hàng ngàn công việc quản lý đô thị bề bộn, hàng trăm việc của ngành cấp thoát nước, chuyện cái nắp cống có phải là chuyện nhỏ? Có thể là nhỏ vì đó chỉ là một đầu việc, nhưng khi việc nhỏ ấy không được thực hiện với đầy đủ trách nhiệm và lương tâm thì hậu quả lại là một chuyện lớn.
Lớn như mạng người. Sinh mạng của Tấn Trường, Thảo Uyên, Bích Diệp… Những cô cậu bé đã được hình thành từng tế bào một từ máu thịt, tình yêu của mẹ cha, những cuộc đời đã được chăm chút, dưỡng dục từng giây phút. Thế rồi phải ra đi trong một trận mưa. Oan nghiệt như bị nước cuốn vào miệng cống.
Thi thể bé Trường đã được tìm thấy sau 24 giờ. Đã hơn một tuần sau cái chết của Thảo Uyên mà vẫn chưa thấy ai lên tiếng nhận trách nhiệm. Với Bích Diệp của một tháng trước cũng vậy. Và những trường hợp trước của năm ngoái nữa…
Có thể nào cứ thở dài “xui rủi” và đổ cho số mệnh? Mùa mưa vẫn còn dài, những trận mưa sắp tới liệu có còn ai, còn cô bé, cậu bé nào sẽ gặp một nắp cống hở, một dòng nước xiết nữa?
Ống kính nhà báo ngày hôm nay vẫn ghi nhận được trên đường những nắp hố ga vỡ, những miệng cống toang hoác được che chắn sơ sài bằng vài thanh gỗ, vỏ lốp xe… sẽ trôi đi rất nhanh trong trận mưa khi nước dâng lên.
Với quyền sống bất khả xâm phạm, một đứa trẻ sinh ra và lớn lên phải được bảo vệ mọi lúc mọi nơi bằng tình yêu, trách nhiệm và pháp luật, chứ không thể bị đe dọa đến cả tính mạng ngay khi đang đi trên con đường quen thuộc.
Với Trường, với Uyên, với Diệp…, phải có con người cụ thể chịu trách nhiệm. Với những nguy cơ, ẩn họa vẫn đang hiện diện, phải có cơ quan, bộ phận chịu trách nhiệm sửa chữa, bịt đi những lỗ hổng trên mặt đường, vỉa hè và vá lại những tổn thương trong lòng người.
Không thể lặp lại một lần nữa chuyện một con người bị nước cuốn vào miệng cống. Vì chuyện đó quá đau đớn!
Theo báo Tuổi trẻ
Link bài: Đừng để lặp lại nỗi đau từ những cái chết vì miệng cống