Tác giả bài báo viết: “Nhiều doanh nghiệp ở nhiều địa phương chịu kiếp nạn thanh tra nhiều đoàn, chồng chéo, nhưng họ im lặng chịu đựng, hầu hạ cho qua chuyện. Họ không dám tố cáo hay kêu cứu vì sợ bị trù dập, họ lo sợ khi bị cán bộ cơ quan nhà nước trả thù thì khong biết kêu cứu ai nữa”.
Tác giả quá hiểu tâm tư của doanh nghiệp.
Vậy là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp mỗi năm không quá một lần đã bị các cơ quan này bỏ ngoài tai.
Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt như vậy vì trên thực tế, có nhiều đoàn lợi dụng thanh tra, kiểm tra quấy rầy doanh nghiệp. Để tiếp đoàn thanh tra, doanh nghiệp phải chuẩn bị rất nhiều báo cáo, mất thời gian, chưa kể còn quà cáp, phong bì phong bao tốn kém.
Một thực tế của bức xúc, đó là doanh nghiệp không có thời gian để lo việc sản xuất kinh doanh, xử lý công việc hằng ngày, lại phải cắt cử người tiếp các đoàn, thật vô lý.
Những đoàn kiểm tra này chẳng giúp được gì ngoài làm mất thì giờ của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp ở nhiều địa phương chịu kiếp nạn thanh tra nhiều đoàn, chồng chéo, nhưng họ im lặng chịu đựng, hầu hạ cho qua chuyện. Họ không dám tố cáo hay kêu cứu vì sợ bị trù dập, họ lo sợ khi bị cán bộ cơ quan nhà nước “trả thù” thì không biết kêu cứu ai nữa.
Nhẫn quá thành nhục, thành tiền lệ, thành tập quán, cho nên các đoàn thanh tra cứ thế mà lấn lướt, xem nhẹ luôn cả chỉ thị của Thủ tướng. Nhưng con giun xéo mãi cũng oằn, Cty Nam Hà Tĩnh chịu không xiết nên buộc phải phản kháng. Và rõ ràng có kêu cứu có khác, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo làm rõ nội dung phản ánh của doanh nghiệp, chấn chỉnh việc thanh tra, kiểm tra trùng lặp, chồng chéo. Kết quả là 3 đoàn thanh tra dự kiến đến thanh tra Cty Nam Hà Tĩnh từ 8-13.12 đã không đến, còn đoàn thanh tra ngày 16.12 chắc cũng không dám làm càn.
Những đoàn thanh tra không dám đến hoạnh họe Cty Nam Hà Tĩnh chứng tỏ chẳng có việc gì phải thanh tra, chỉ là kiếm cớ làm khó doanh nghiệp, còn mục đích vì sao làm khó thì đứa con nít cũng hiểu.
Các doanh nghiệp khác trên đất nước này hãy quyết tâm phản kháng, nếu nhận quá một đề nghị thanh tra, thì kêu cứu, không chấp nhận, trừ những trường hợp đặc biệt như xảy ra sự cố, vi phạm pháp luật.
Chính phủ kiến tạo không thể thành công nếu không có sự hưởng ứng từ cộng đồng.