Cao hứng bàn về bóng đá chút chơi

Trần Quí Thanh

Nguồn ảnh: Internet

Phát biểu tại hội nghị bàn về chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam diễn ra ngày 19.12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra so sánh: 

“Bóng đá còn nhiều điều chúng ta chưa hài lòng nhưng nhìn chung vẫn có những điểm nổi bật. Chúng ta nên trân trọng đóng góp của tất cả. Nói gì thì nói, chúng ta là đất nước mới phát triển. Tầm cỡ đất nước trên thế giới cũng giống như cỡ như bóng đá Việt Nam trên thế giới nên chúng ta phải cố gắng nhiều hơn nữa. Bóng đá hãy cố bằng giáo dục đại học, vị thế tầm cỡ 60, 70 trên trường quốc tế. Bóng đá cũng vậy, phải theo quy luật, chuẩn mực của thế giới”.

Tui không biết có sự nhầm lẫn nào không, nhưng giáo dục đại học Việt Nam có vị thế tầm cỡ 60-70 trên trường quốc tế thì tui chưa nghe tới, tui cũng không biết đánh giá trên tiêu chuẩn nào và tổ chức nào đánh giá. Nhưng tui đồng ý với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là bóng đá phải vươn lên đạt các chuẩn mực quốc tế.

Câu hỏi mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ra là tại sao dân mình rất yêu bóng đá, đi đâu cũng nghe bàn đến bóng đá, nhưng nền bóng đá nước nhà thì quá thấp. Tui nghĩ y chang vậy, dân mình nghiện bóng đá kinh khủng, yêu bóng đá và say sưa môn thể thao này như tôn giáo. Các nước có nền bóng đá danh tiếng chưa chắc có tín đồ bóng đá cuồng nhiệt như Việt Nam.

Để phân tích và đưa ra lời giải cho bài toán này đương nhiên là việc của các chuyên gia, các nhà quản lý ngành. Nhưng tui là tín đồ bóng đá, tui nghĩ sao nói vậy. Bóng đá đòi hỏi chuyên nghiệp mới vươn lên đỉnh cao, các môn thể thao khác cũng thế, muốn có thành tích cao thì phải chuyên nghiệp. Còn mình nghe, không chuyên nghiệp từ liên đoàn bóng đá cho tới các đội bóng. 

Để có thể lực đâu phải tìm được một cầu thủ có tố chất, đem về bồi dưỡng là đạt yêu cầu. Thể lực phải có sự chuẩn bị từ nhỏ, nguồn dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ, đôi khi có liên quan đến sức khoẻ thế hệ mới có được những hạt nhân thể thao có thể lực tốt. Dân mình ăn uống còn thiếu thốn, thực phẩm kém chất lượng, cho nên tỉ lệ người có tố chất thể thao cùng với có thể lực tốt chưa cao.

Về đào tạo, các nước châu Âu, Mỹ  có những câu lạc bộ tổ chức các học viên đào tạo tài năng bóng đá, họ xã hội hoá thể thao và làm rất tốt. Chúng ta có được học viện bóng đá của Hoang Anh Gia Lai, ngoài ra chưa thấy có nơi nào khác. Phải có nhiều trường, đào tạo nhiều cầu thủ, mới chọn lựa ra được một đội bóng chất lượng. Đó là chuyên nghiệp.

Tui không có cơ sở để khẳng định tình trạng tiêu cực trong bóng đá, nhưng qua những vụ mà báo chí đã đưa, tui cho rằng, việc mua bán, tiền bạc sẽ thủ tiêu nền bóng đá của bất cứ quốc gia nào. Tiêu cực như một thứ tật bệnh, làm cho cơ thể ốm yếu, có thể gây tử vong, nói chi đến phát triển.

Hãy dẹp bớt những tổ chức quản lý trung gian trong lĩnh vực bóng đá, để dành tiền đó nuôi dưỡng nhân tài. Tui nói ví dụ, nếu phát hiện có em nào tài năng, cấp học bổng cho sang các câu lạc bộ nổi tiếng của châu Âu. Nhiều em như thế, ta chọn được một đội bóng tốt.

Cao hứng bàn về bóng đá chút chơi, sai đúng mong người xem xét.

TQT

Sài Gòn 21/12/2017

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *