2017 là một năm cực kỳ bận rộn của “chính phủ kiến tạo”. Và với những gì đã làm được, chúng ta có quyền tin vào một năm 2018 với nhiều khởi sắc hơn.
Ngay từ đầu năm, việc triển khai hai nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh (2017) và nghị quyết 35 (2016) về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tiếp tục được triển khai rốt ráo. Trái với lo ngại “đánh trống bỏ dùi”, chính quyền các cấp thực sự bắt tay vào hành động, thực hiện được những thành công bước đầu đáng khích lệ.
Chính phủ kiến tạo: Bãi bỏ gần 700 điều kiện kinh doanh
Trước hết phải kể đến việc Bộ Công thương bãi bỏ gần 700 điều kiện kinh doanh, chiếm đến hơn một nửa số điều kiện mà bộ này quản lý. Dưới chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành khác cũng không thể ngồi yên. Đầu tháng 12, Bộ Xây dựng để xuất bãi bỏ 41,3% tổng số ĐKKD, đơn giản hóa 43,7% ĐKKD thuộc trách nhiệm của Bộ. Bộ Nông nghiệp và PTNT đề xuất bỏ 34,2% ĐKKD và cắt giảm 56,5% thủ tục hành chính do mình quản lý.
Những điều kiện kinh doanh được bãi bỏ có thể chưa tạo ra ngay được cú hích cho nền kinh tế. Nhưng về dài hạn, đây chắc chắn là một bước đi vô cùng tích cực bởi một số lý do:
Thứ nhất, chính phủ đã giúp xoá bỏ rào cản gia nhập thị trường cho hàng loạt các ngành nghề, tạo điều kiện cho người dân tham gia hoạt động kinh doanh – sản xuất có lợi nhuận.
Thứ hai, việc tích cực xoá bỏ hơn 3.400 ĐKKD sẽ khiến môi trường kinh doanh ở Việt Nam minh bạch hơn, tránh tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước lợi dụng ĐKKD để làm khó doanh nghiệp hoặc trục lợi.
Thứ ba, dỡ bỏ các ĐKKD không cần thiết chứng tỏ tư duy quản trị nhà nước mới theo hướng “kiến tạo”: nhấn mạnh vào các cơ chế “hậu kiểm”, vận dụng tích cực vai trò của người dân và thị trường trong công tác giám sát, thay vì quản lý “đầu vào” theo cách vẫn được thực hiện từ xưa đến nay.
Việc bãi bỏ các ĐKKD, vì thế, thực sự là điểm nhấn lớn nhất trong việc “dọn dẹp” môi trường kinh doanh ở Việt Nam. Nếu như tâm điểm của năm ngoái là việc chính phủ vào cuộc để giải quyết vụ quán café Xin chào ở Bình Chánh (TP. HCM), thì năm nay câu chuyện đã được đi vào những chính sách cụ thể. Chính phủ cũng đã phản ứng nhanh với những thắc mắc, phàn nàn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Tất nhiên, vẫn còn rất nhiều việc phải làm sắp tới để tiếp tục bước theo đà cải cách năm nay, nhưng sự khởi đầu như vậy là đáng được ghi nhận.
Chính phủ kiến tạo: Thoái gần 60% vốn tại hãng bia lớn nhất Việt Nam
Tín hiệu tích cực thứ hai của chính phủ kiến tạo là việc cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Trong những ngày cuối cùng của năm, nhà nước đã hoàn thành việc thoái gần 60% vốn tại hãng bia lớn nhất Việt Nam là Sabeco, với giá trị lên đến 4.8 tỷ đô la.
Ngoài ra, quá trình CPH các “đại gia” nhà nước khác như PVN, EVN,… cũng đang rục rịch bắt đầu. Đây chính là hành động mạnh mẽ nhất cho cam kết nhà nước không kinh doanh những gì tư nhân có thể thực hiện, không “bán bia bán sữa” như tuyên bố trước đó. Những bước đi quyết đoán này còn đáng hoan nghênh hơn, nếu biết rằng quá trình CPH DNNN đã chững lại đáng kể trong vòng gần chục năm trở lại đây.
CPH diễn ra hiệu quả sẽ tạo thêm nguồn vốn đầu tư phát triển cần thiết trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, và quan trọng hơn, loại bỏ vai trò “đi làm kinh tế” của nhà nước, chuyển giao cho tư nhân. Nhà nước sẽ bớt chịu các rủi ro kinh doanh, bớt các chi phí quản lý, trong khi môi trường kinh doanh sẽ năng động, hiệu quả, và minh bạch hơn. Đương nhiên, CPH là một quá trình thử và sai, với những lùm xùm quanh các câu chuyện lợi dụng CPH để trục lợi như ở Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS). Chính vì thế, việc hoàn thiện các quy định liên quan đến CPH sẽ là một nhiệm vụ cần thực hiện sớm trong năm 2018.
Chính phủ kiến tạo: Dịch chuyển cả một bộ máy “trên nóng dưới lạnh”
Tuy vậy, nói đi cũng phải nói lại, chính phủ kiến tạo 2017 không phải không còn những hạn chế cần phải khắc phục.
Trước nhất, có lẽ là nguy cơ bất ổn vĩ mô tăng cao do ưu tiên mục tiêu tăng trưởng. Việc quyết tâm đạt bằng được mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã mang lại cú hích tinh thần cho nền kinh tế, nhưng để lại rủi ro về lạm phát lớn cho năm tới. Lạm phát bắt đầu tăng trở lại trong Quý 3, đạt mức 3,4% (theo năm) trong tháng Chín, và tăng mức 3,61% trong 11 tháng đầu năm.
Nền tảng của các doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất yếu, thể hiện rõ nhất ở việc thành tích xuất khẩu chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung (chiếm đến gần 1/4 kim ngạch xuất khẩu). Trong Quý 3/2017, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 6,1% so với quý trước dù cao hơn 21,3% so với cùng kỳ năm 2016. Đồng thời, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm đi tương ứng là 22,9% (theo quý) và 15,4% (theo năm). Quy mô việc làm tạo mới trong Quý 3 giảm đi 22,8% (theo quý) và 8,6% (theo năm), xuống còn 259,2 nghìn người. Tất cả những bất ổn vĩ mô, nếu có, sẽ lại tiếp tục tác động tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, cần tiếp tục coi bình ổn vĩ mô là ưu tiên hàng đầu, thay vì đánh đổi tăng trưởng bằng mọi giá.
Thứ hai, chính phủ vẫn phải thực hiện tốt hơn vai trò “người phán xử” khi xử lý các mâu thuẫn giữa nhà nước – người dân và doanh nghiệp – người dân. Câu chuyện khủng hoảng BOT trải dài ở nhiều vùng trên cả nước, xung đột đất đai nảy sinh ở Đồng Tâm (Hà Nội) và nhiều nơi khác,… cho thấy việc tìm một phương thức giải quyết những mâu thuẫn mới nảy sinh trong giai đoạn phát triển mới là rất cấp thiết. Chính phủ cũng cần rộng đường hơn cho những cơ chế giải trình hiệu quả, minh bạch hóa hoạt động của chính quyền, và cho phép người dân tham gia nhiều hơn vào quá trình giám sát.
Thứ ba, chính phủ cần phải cẩn trọng với vai trò “kiến tạo”, để không bị nhầm lẫn giữa việc chủ động đưa ra những giải pháp chính sách với việc duy ý chí thực hiện những mệnh lệnh hành chính, đi ngược lại với nguyên tắc phát triển của thị trường. Trong một nền kinh tế, vai trò chủ đạo vẫn phải nằm ở các doanh nghiệp tư nhân, nhà nước chỉ nên giữ trách nhiệm ổn định bộ khung chính sách để khuyến khích các hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Dịch chuyển cả một bộ máy “trên nóng dưới lạnh” như lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không phải là một việc dễ dàng và nhanh chóng. Tuy vậy, với những gì làm được trong năm vừa qua, chúng ta có quyền tin vào một năm 2018 với nhiều khởi sắc hơn, ít nhất là về các chính sách kinh tế. Chúng ta cũng hi vọng những định hướng chưa thực hiện (CPH các tập đoàn lớn), những nhiệm vụ chưa giải quyết (như tình trạng chậm tiến độ ở đường sắt đô thị Hà Đông), những mâu thuẫn còn tồn đọng (như khủng hoảng BOT), sẽ sớm được chính phủ giải quyết dứt điểm khi bước sang năm mới.