Gốc rễ của marketing

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: Internet.

—–

Chào anh Thanh,

Em là Lan, em gái chị M., người có được nhắc đến trong cuốn “Chuyện nhà Dr. Thanh” đó anh. Bữa nay em viết thư thăm anh, nhân tiện hỏi anh về Marketing, vì nghe nói chị Nụ làm Marketing cực siêu, cũng vì trong blog của anh có mục “Chat với mọi người” kêu gọi mọi người chat cùng anh.

Em nghe một vài chuyên gia nói  phương thức Marketing truyền thống sẽ chết. Em không hiểu “chết” như thế nào? Nếu “chết” là thay đổi phương thức xây dựng Marketing mới thì phương thức Marketing mới đó là như thế nào?

Em hỏi cho con cháu và cũng hỏi cho chính em. Em đã già vẫn làm CEO anh ạ. Mong anh trả lời.

Chúc anh mạnh giỏi

Kính

Phạm Khánh Ngọc Lan (Qui Nhơn): khanhlan_quinhon2011@gmail.com

—–

Phạm Khánh Ngọc Lan mến!

Em đặt một vấn đề tối quan trong hiện nay trong kinh doanh, đó là marketing trong thời đại 4.0. Anh cũng đã xoay chuyển hoạt động tiếp thị của Tân Hiệp Phát theo cách mới hơn, vượt ra khỏi khuôn khổ của marketing truyền thống.

Trước hết, phải hiểu marketing truyền thống là gì, đơn giản là bỏ tiền ra chi quảng cáo trên các báo đài, từ báo hình, báo giấy, báo nói, đến báo điện tử. Cách làm này mang lại hiệu quả một thời gian dài, nhưng đến nay bắt buộc phải có sự thay đổi.

Thời đại ngày nay là thời đại công nghệ, công nghệ thay đổi thế giới từng ngày. Còn nhớ chiếc điện thoại Nokia từng quyến rũ thiên hạ một thời, bỗng dưng lăn đùng ra chết. Trước đó người ta còn săn tìm các loại máy ảnh để đi du lịch, nay thì chiếc smartphone làm được tất cả, chụp ảnh, chỉnh sửa ảnh, chuyền ảnh, chất lượng cũng rất cao.

Khi mà một chiếc điện thoại có thể kết nối với toàn thế giới thì tư duy marketing cũng phải thay đổi, đó là chuyện không thể nào khác. Mạng xã hội là một công cụ, cho nên nhiều doanh nghiệp chọn lựa đây là một kênh để giới thiệu sản phẩm, không phải là một pa nô quảng cáo mà bằng nhiều cách thức dẫn dắt khác nhau để cộng đồng biết đến sản phẩm một cách tự nhiên, không phải áp đặt bằng hình ảnh.

Khi mà internet “soi chiếu” đến tận giường ngủ của từng người, thì mọi thông tin về sản phẩm không chỉ là vài hình ảnh ở trên mặt báo hay trên ti vi, người tiêu dùng có thể tìm hiểu đến tận cùng chân tơ kẻ tóc của sản phẩm. Chính vì vậy nên Toyota và một số hãng xe hơi khác, chỉ cần có lỗi nhỏ là thu hồi hàng vạn chiếc về để sửa chữa và bồi thường cho khách hàng.

Anh muốn gợi ý với Ngọc Lan rằng, với vai trò CEO, em nên thay đổi phương thức marketing, đó là dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại để thúc đẩy thương hiệu đi nhanh, đi xa, độ lan tỏa rộng, nhưng cao hơn là đạt được sự tin cậy của người tiêu dùng.

Để thuyết phục được cộng đồng, cách tốt nhất là càng ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, chất lượng là nền tảng. Khi có nền tảng đó, doanh nghiệp đặt ra chiến lược tiếp thị dựa trên nguyên tắc “trung thực”. Đó là gì, tốt nói tốt, chưa tốt nói chưa tốt, lỗi thì nhận, sai thì xin lỗi người tiêu dùng rồi tích cực sửa. Giấu giấu, giếm giếm, thật giả đúng sai không rõ ràng thì không bao giờ có được niềm tin từ xã hội.

Công nghệ hiện đại là phương tiện, nhưng nó chuyển tải nội dung gì mới là điều quan trọng, theo anh, đó là sự chia sẻ của doanh nghiệp với cộng đồng. Doanh nhân kinh doanh thu lợi nhuận, thì hãy dành một phần lợi nhuận đó cho xã hội, chung quanh chúng ta còn nhiều người nghèo, còn nhiều vùng quê không có hệ thống giao thông tốt, còn nhiều đứa bé không được đến trường, vậy thì hãy mở rộng vòng tay để chia sẻ bằng cả tấm chân tình.

Những việc làm mang tính nhân văn, những hoạt động tạo nên chân dung văn hóa của doanh nghiệp sẽ thấm sâu trong cộng đồng, xây dựng được niềm tin và sự yêu mến của người tiêu dùng, đó là gốc rễ của marketing.

Chúc Ngọc Lan thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *