Trần Quí Thanh
—
Kính chào chú Trần Quí Thanh
Vợ chồng cháu là những doanh nhân nhỏ rất ngưỡng mộ chú. Chúng cháu đã theo dõi rất kĩ các bài viết của chú trên blog Trần Quí Thanh. Vì vậy chúng cháu mạo muội viết thư hỏi chú cho mục “Chat với mọi người”. Câu hỏi đầu tiên gửi đến chú là: làm thế nào để thành công trong giao tiếp, hay là kĩ năng giao tiếp của một doanh nhân? Rất mong chú chiếu cố trả lời.
Năm mới kinh chúc chú muôn vàn sức khoẻ và hạnh phúc
Lê Anh- Hoài Thương ( Ha Nội):leanh_hoaithuong82@gmail.com
—
Lê Anh – Hoài Thương mến!
Trong cuộc sống, bất cứ ai cũng cần có kỹ năng giao tiếp, thường thì người giao tiếp giỏi là người thành công, người giao tiếp vụng về mất đi nhiều cơ hội. Ứng xử bình thường đã vậy thì đối với doanh nhân, giao tiếp lại càng quan trọng, đôi khi một hợp đồng lớn được ký kết chỉ nhờ vào một nụ cười thân thiện.
Kỹ năng giao tiếp được đúc kết thành sách vở, bán nhiều ở nhà sách, các cháu có thể mua để tham khảo. Riêng chú thì không sách vở, qua mấy chục năm lăn lóc trên thương trường, từ thành công và thất bại của chính mình mà rút ra bài học.
Đầu tiên là sự tự tin, một người không tự tin vào bản thân mình thì không thuyết phục được ai cả. Khi mình mất tự tin, đối tác sẽ phát hiện ra ngay và họ khai thác tối đa nhược điểm đó để dành ưu thế về phía họ. Trong nhiều buổi thương lượng các hợp đồng với các đối tác quốc tế, chú biết tâm lý của các tập đoàn lớn thường đánh giá thấp doanh nghiệp Việt Nam, biết mình cần họ nên họ ép mình. Nếu như mình mặc cảm thân phận nhược tiểu, xem họ là “nước ngoài” là những tập đoàn tên tuổi lâu đời, cái gì cũng phụ thuộc vào họ thì mình bị thiệt thòi. Nhưng chú chưa bao giờ thất bại trong các cuộc thương lượng đó, bởi vì chú tự tin vào bản thân, tin vào trí thông minh và sự khôn ngoan của người Việt.
Thứ hai là bình tĩnh, có nhiều người thường hay mất bình tĩnh, nóng giận, bực bội khi gặp đối tác nói những điều không hài lòng hay thiếu thiện chí. Nóng giận chỉ chuốc lấy thất bại, hãy đè nén nó, và hiểu rằng mục đích của mình là chiến thắng cuối cùng, là đạt được mục đích cho công ty, không phải là hơn thua trong một cuộc cãi nhau. Tâm có tĩnh thì trí mới sáng, mới phát hiện ra ưu nhược của đối phương và đưa ra những quyết định chính xác.
Thứ ba là hiểu mình hiểu người, trước khi đi đến cuộc thương lượng hay tiếp xúc với đối tác, thì phải tìm hiểu thật kỹ về họ. Tìm hiểu càng kỹ lưỡng, càng nhiều thông tin thì càng có lợi và chiếm được ưu thế trong cuộc trao đổi, dù chỉ là sơ giao. Bất cứ ai cũng cho rằng mình là quan trọng, nên mình biết rõ tên tuổi, khả năng, sự nổi tiếng của họ để nói với họ thì mình đã có được tình cảm từ phía họ. Và còn nữa, biết được rõ thông tin về doanh nghiệp và cá nhân những người mà mình giao tiếp thì mình luôn trong thế chủ động.
Cuối cùng là sự chân thành, thiện chí. Nghệ thuật giao tiếp cao nhất chính là sự chân thành, mộc mạc, với mục đích đưa ra là hai bên đều có lợi. Có lẽ, trong cuộc đời kinh doanh của chú, có được sự thành công hôm nay, có được sự quý mến của bạn bè, đó là nhờ vào sự chân thành, mộc mạc vốn có.
Chúc các cháu thành công.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)