Kiểm soát những suy nghĩ và hành động hằng ngày để thay đổi từ tâm trạng kém vui sang phấn chấn hơn chỉ trong vòng năm phút.
Theo nhận định của ABC News (hãng truyền thông đại chúng của Úc), nếu một phần của hạnh phúc cá nhân được xác định là do các yếu tố di truyền và hoàn cảnh thì nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chúng ta có thể kiểm soát những suy nghĩ và hành động hằng ngày để thay đổi từ tâm trạng kém vui sang phấn chấn hơn chỉ trong vòng năm phút.
Nghe những giai điệu nhạc vui vẻ
Nghiên cứu tại Đại học Missouri (Hoa Kỳ) cho thấy việc nghe những giai điệu lạc quan, vui vẻ thực sự giúp cải thiện được tâm trạng cá nhân. Tác giả nghiên cứu – TS Yuna Ferguson chia sẻ thêm: “Điều quan trọng là trong lúc nghe nhạc, bạn đừng suy nghĩ mình có hạnh phúc hay không. Thay vào đó, cứ thoải mái tận hưởng cảm giác thú vị ấy”.
Cười thoải mái
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Stanford (Hoa Kỳ) khẳng định rằng tiếng cười làm tăng lượng endorphin trong cơ thể, giúp gia tăng tâm trạng hứng khởi của não bộ. Hơn nữa, tiếng cười còn làm tăng lượng oxy trong cơ thể và làm dịu căng thẳng, đem lại những cảm xúc tích cực và thư giãn.
Tản bộ hay làm vườn
TS Daniel Kripke ở Đại học California (Hoa Kỳ) cho hay: “Những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng trong ngày thường ít bị mất ngủ hay trầm cảm. Đó là nhờ ánh nắng có tác dụng giúp họ tỉnh táo và hăng hái hơn”.
Jack Raglin – chuyên gia sức khỏe tinh thần và thể chất cho biết thêm rằng chỉ cần tập luyện nhẹ, ở mức nâng tối đa khoảng 40% nhịp tim là tâm trạng của người tập sẽ sảng khoái hơn. Do đó, tốt nhất là chúng ta thực hiện các hoạt động phù hợp với tâm trạng của mình, đừng cố ép bản thân làm những điều không thích thú.
Sắp xếp lại mọi thứ
Theo Elain Aron – tác giả cuốn sách The Highly Sensitive Person (tạm dịch: Người nhạy cảm cao) thì tình trạng lộn xộn, bừa bộn trong nhà có thể khiến chủ nhân có tâm trạng uể oải và cảm giác không hứng thú vươn tới thành công. Cách tốt nhất là sắp xếp ngăn nắp lại mọi thứ để tâm trạng trở nên tích cực hơn.
Ôm ghì ai đó
Chuyên gia Tiffany Field tại Học viên Miami chỉ ra bí quyết: “Các thụ thể trên da khi được kích thích sẽ làm giảm các hormone gây stress. Việc ôm ghì người khác còn kích thích hormon oxytocin, đồng thời tạo ra những ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng. Thường xuyên xoa bóp trán, bàn tay và cổ cũng là cách massage làm giảm nhịp tim và giảm lượng cortisol gây stress”.
Suy nghĩ về những diễn tiến tốt đẹp trong ngày
TS Susan Bali (người Mỹ) cho rằng việc suy nghĩ về ba điều đang diễn ra tốt đẹp hay ba khoảnh khắc tích cực trong ngày sẽ ghi được dấu ấn trong suy nghĩ của chúng ta. Những khoảnh khắc đó sẽ đem lại một tâm trạng vui tươi và cảm xúc tốt đẹp.
Cho phép bản thân được thoải mái sau khi giải quyết xong một việc
Leon F. Seltzer – chuyên gia tâm lý người Mỹ chia sẻ: “Việc giải quyết ổn thỏa một vấn đề với bạn bè hay đồng nghiệp có nhiều lợi ích cho tâm trạng của bạn. Trong nhiều trường hợp, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn khi được xả hết những cảm xúc tiêu cực chôn giấu trong lòng. Điều đó còn giúp tâm trạng khôi phục lại trạng thái cân bằng”.
Giảm thời gian lên mạng trong buổi tối
Sau khi làm việc nhiều giờ trên internet, cơ thể chúng ta bị mất nước và cảm thấy mệt mỏi. Vì vậy, tốt nhất là hạn chế lên mạng vào buổi tối để làm điều gì đó đem lại cảm giác thoải mái và thư giãn, sau đó cũng dễ đi vào giấc ngủ, ngủ ngon, thức dậy với tâm trạng sảng khoái và tích cực hơn.
Ngoài ra, tránh suy nghĩ hoài đến sự cố nào đó trong công việc hay một xung đột mới xảy ra với người khác. Cố gắng gác điều đó sang một bên để tìm đến những điều vui vẻ hay có tính chất thư giãn.
Nguồn: Theo Báo Doanh nhân Sài Gòn