Phát biểu trong sự kiện CEO 1000 tại Hà Nội hôm 15/4, tiến sĩ Trần Quí Thanh kể rằng, ông khởi nghiệp với tấm bằng kỹ sư của Đại học Bách khoa TP HCM cùng tư duy “không gì là không thể”.
Trong giai đoạn đầu của Tân Hiệp Phát, nhận thấy bản thân còn thiếu kỹ năng quản trị kinh doanh, ông quyết định học bộ môn này. Dù đã có bằng tiến sĩ về quản trị, ông vẫn luôn tâm niệm mọi thứ ông đã học chỉ là lý thuyết. Vì thế, ông luôn tìm tòi, học hỏi mỗi khi có cơ hội.
Thái độ của nhân sự quan trọng hơn tài năng
Dựa trên kinh nghiệm của bản thân, vị tiến sĩ nhận định trình độ chuyên môn không phải là yếu tố quan trọng nhất khi tuyển chọn nhân sự mới.
“Khi chọn nhân sự mới, chúng tôi không ưu tiên người giỏi, mà ưu tiên người có thái độ làm việc tốt và có giá trị cốt lõi tương đồng với tập đoàn. Người giỏi mà không có cùng giá trị cốt lõi với tập đoàn sẽ không gắn bó lâu. Nếu nhân sự mới thiếu kiến thức chuyên môn nhưng có tinh thần làm việc đúng đắn, chúng tôi có thể đào tạo chuyên môn cho họ”, ông Thanh thổ lộ.
Để chuẩn bị đội ngũ kế cận, ông Thanh yêu cầu mọi cấp quản lý phải đào tạo những người có thể thay thế họ. Khi một vị trí quản lý thôi việc hay thuyên chuyển vị trí, tập đoàn sẽ có nhân sự để lấp chỗ trống ngay lập tức.
“Chúng tôi chỉ đạo các bộ phận thuộc tập đoàn đề bạt người trong nội bộ lên các vị trí quản lý, hạn chế tới mức tối đa việc đưa người ngoài vào để nhận vị trí điều hành. Đó là cách để chúng tôi khuyến khích tinh thần phấn đấu, cống hiến của nhân viên, tăng mức độ gắn bó của họ với Tân Hiệp Phát”, ông phát biểu.
Tinh thần học hỏi và thay đổi không ngừng của ông Thanh Thể hiện rõ nét trong năm 2017. Đây là khoảng thời gian Tân Hiệp Phát tiến hành những thay đổi, cải tổ ngoạn mục.Là một công ty gia đình, Tân Hiệp Phát bắt buộc phải giải bài toán về phương thức quản trị tập trung – vấn đề mà đa số doanh nghiệp gia đình trên thế giới phải xử lý.
Chi hàng triệu USD để xây dựng hệ thống quy trình, thuê các chuyên gia hàng đầu quốc tế tham gia xây dựng mô hình quản trị mới, ông Thanh đã tìm ra lời giải bằng cách tự tay xóa phương thức quản trị cũ, coi đây như một sự khởi đầu mới sau chặng đường khởi nghiệp 20 năm.
Chỉ trong 6 tháng, tập đoàn chuẩn hóa hơn 6.000 quy trình trong lĩnh vực mua hàng, giao vận. Thời gian giao hàng rút ngắn tới 50% và mục tiêu của ông Thanh là tăng con số này lên 80% để “tối ưu hóa sự thỏa mãn của khách hàng.
Với nỗ lực cải tổ quyết liệt, mô hình của Tân Hiệp Phát đã thực sự thay đổi, không còn cách vận hành theo cơ chế một người quyết định. Hệ thống vận hành theo sự phân cấp, phân quyền và giám sát, thưởng phạt theo kết quả thực hiện.
Do hệ thống có thể tự vận hành mà không cần người đứng đầu, tiến sĩ Thanh tin rằng tập đoàn của ông sẽ tồn tại trong hàng trăm năm nữa.
Mục tiêu của doanh nghiệp quyết định sự trường tồn
“Nhiệm vụ của thế hệ đầu tiên là chuyển giao doanh nghiệp cho thế hệ thứ hai, rồi thế hệ thứ hai phát triển rồi chuyển giao cơ đồ cho thế hệ thứ ba. Quy trình cứ thế diễn ra cho tới thứ hệ thứ mười và những thế hệ sau đó”, ông Thanh bình luận.
Vị Tổng giám đốc 65 tuổi nhấn mạnh rằng sự chuyển giao cơ đồ kinh doanh là trách nhiệm và nghĩa vụ, chứ không phải món lợi.
Tâm niệm chất lượng sản phẩm chính là yếu tố quan trọng nhất để chinh phục thị trường, Tân Hiệp Phát chi hàng triệu USD để đầu tư nhà máy Aseptic.
Theo ông Thanh thì việc xác định mục tiêu doanh nghiệp rất quan trọng. Tân Hiệp Phát xác định mục tiêu chiến lược là trở thành công ty giải khát hàng đầu Châu Á, sản xuất sản phẩm có lợi cho sức khỏe với chất lượng hàng đầu thế giới.
“Vì xác định tập đoàn sẽ trường tồn hàng nghìn năm nên chúng tôi mới mạnh dạn đầu tư hàng triệu USD cho hệ thống thiết bị hiện đại. Nếu chỉ xác định tầm nhìn vài năm thì chúng tôi đầu tư làm gì”, ông Thanh nói.
Với chiến lược “tập trung và khác biệt”, Tân Hiệp Phát chủ trương không cung cấp cho thị trường những sản phẩm mà tập đoàn có, chỉ cung cấp những sản phẩm thị trường cần.
Định hướng ấy thôi thúc Tân Hiệp Phát sản xuất nước uống giải khát từ trà xanh, trà thảo mộc. Vai trò tiên phong của Tân Hiệp Phát tại Việt Nam khiến hai tập đoàn nước giải khát tầm cỡ thế giới là Coca-Cola, Pepsico học theo.