Đây là thông điệp được đưa ra tại sự kiện 1000 CEO Hà Nội do Công ty TNHH Đào tạo Tư vấn PDCA kết hợp với Tập đoàn CEO K35 tổ chức hôm nay, 15/4, tại Hà Nội.
Phát biểu mở đầu sự kiện này, ông Hoàng Đình Trọng, Chủ tịch Công ty TNHH PDCA lấy ví dụ từ chính hình ảnh doanh nghiệp do chính tay ông xây dựng cách đây 10 năm là công ty TST.
“Tôi quản lý khá dễ dàng khi TST chỉ có 10 nhân viên. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp tăng lên 20 người, 30 người rồi đỉnh điểm là 60 người, tôi đã hoàn toàn mất kiểm soát. Tôi trở thành một lãnh đạo xấu tính, luôn chỉ trích người khác, nợ lương nhân viên 6 tháng rồi lần lượt nhân viên rời khỏi công ty. Đó là nỗi đau rất lớn khi bạn đang được tôn vinh bỗng chốc không còn gì nữa”, ông Trọng nói.
Đây cũng là thực tế mà khá nhiều doanh nghiệp Việt đang gặp phải vì theo nghiên cứu của PDCA, nhiều doanh nghiệp không kịp tổ chức sinh nhật lần thứ 3 của mình.
Phân tích các lý do, ông Trọng cho rằng: “Các CEO đi lên từ nghề có điểm chung là trong chuyên môn, họ có thể rất giỏi nhưng trong quản lý công ty, họ mới ở giai đoạn nhập môn. Họ thường thiếu tư duy làm doanh nghiệp bài bản. Họ xây dựng công ty một cách bản năng, chắp vá, chưa biết cách điều hành công ty theo đúng nghĩa mà chỉ đơn thuần là săn các đầu việc và giao xuống cho nhân viên. Khi sự việc phát sinh, các CEO tối tăm mặt mũi, hết làm việc chuyên môn lại rơi vào sự vụ”.
“Giữa lúc không biết hướng đi, tôi đã gặp một người bạn làm cho công ty Nhật, công ty đó có tới 5.700 người mà hệ thống vẫn chạy êm ro và điều đặc biệt là bạn tôi tỏ ra rất khâm phục lãnh đạo và nguyện cống hiến cả đời cho doanh nghiệp này. Điều này đã thôi thúc tôi tìm hiểu bí mật của những công ty lớn này. Sau thời gian nghiên cứu, tôi nhận thấy, những doanh nghiệp đó đã xây dựng thương hiệu và quy trình tự động, bài bản và có hệ thống”, ông Trọng nói.
“Thay vì chỉ tập trung vào việc bán hàng, chủ doanh nghiệp hãy đầu tư thời gian, trí lực xứng đáng để xây dựng hệ thống quản trị, quản lý trong công ty một cách bài bản, khoa học. Có hệ thống tốt, doanh nghiệp sẽ xây dựng được một “đế chế” không phụ thuộc vào con người hay chính bản thân chủ doanh nghiệp. Có hệ thống tốt, chủ doanh nghiệp có thể điều hành nhiều nhưng vẫn nhàn, vẫn có thời gian bên gia đình, bạn bè. Mỗi tuần họ đến họp với công ty một lần, định hướng kế hoạch tuần tới và truyền động lực cho nhân viên… nhưng doanh thu vẫn tăng vượt trội. Có hệ thống cũng là điều kiện để CEO có thể nhân bản, mở rộng quy mô doanh nghiệp”, ông Trọng nhấn mạnh thêm.
Tuy nhiên, câu chuyện xây dựng hệ thống luôn gắn với con người, do đó, ông Trọng cũng đưa ra lời khuyên, nhân sự có thể đào tạo kiến thức nhưng thái độ làm việc mới là quan trọng bởi thái độ tích cực sẽ tạo ra hứng khởi cho cả doanh nghiệp còn thái độ tiêu cực sẽ tạo ra năng lượng xấu kéo cả doanh nghiệp đi xuống.
Cùng quan điểm này, ông Trần Quí Thanh, Nhà sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát khẳng định: “Bất kỳ người nào trong tổ chức đều phải có người thay thế, kể cả tổng giám đốc. Doanh nghiệp tôi luôn có ít nhất 2-3 người thay thế cho một vị trí, khó nhất trong tuyển dụng không phải là tuyển người có chuyên môn tốt mà khó nhất là chọn được người cùng giá trị cốt lõi”, ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, bài toán nhân sự của người đứng đầu sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững vì nhiệm vụ của người đứng đầu là duy trì giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, bảo tồn và chuyển giao cả vốn ban đầu cùng lãi cho thế hệ sau. Đó cũng là bí quyết của những doanh nghiệp trường tồn hàng trăm năm trên thế giới.