Trần Quí Thanh
—–
Gởi anh Dr Thanh,
Thưa anh, tôi chỉ là một nhà giáo đã về hưu, nhiều thời gian rảnh để lướt mạng, nhờ đó tôi biết được blog của anh, đọc lâu đâm ghiền. Thấy anh giải đáp nhiều câu hỏi trong mọi lĩnh vực cho cả trẻ lẫn già lại càng phấn khởi. Cảm ơn anh rất nhiều.
Nay tôi gởi tới anh tâm sự này: Mọi người chĩa mũi nhọn vào bệnh thành tích của ngành giáo dục là rất đúng nhưng chưa đủ. Theo tôi bệnh thành tích của các thầy cô được nuôi dưỡng từ bệnh sĩ diện hão từ các phụ huynh chúng ta. Ý anh thế nào xin cho biết.
Chúc anh mạnh giỏi.
Lâm Thị Hiền Hoà (Sài Gòn): hienhoa_saigon@gmail.com
—–
Chị Lâm Thị Hiền Hòa mến!
Chị nói quá đúng, bệnh thành tích trước hết là từ chính phụ huynh, đổ cho nhà trường, cho thầy cô, cho ngành giáo dục là không công bằng. Đồng ý là ngành giáo dục có nhiều chủ trương thể hiện chạy theo thành tích, nhưng thử hỏi phụ huynh không chạy thì ngành giáo dục có tự chạy được không?
Tui nói thiệt, cỡ tuổi tui, lúc nhỏ chỉ biết chơi, có học hành gì mấy đâu. Ba tui hồi đó cho tui chơi thoải mái, và bọn tui cũng không có khái niệm học thêm học bớt, cũng không biết học chuyên là gì. Vậy mà lớn tui đỗ vào trường bách khoa Phú Thọ đó chị.
Còn phụ huynh bây giờ, thay vì cho con vui chơi theo sở thích và tâm lý lứa tuổi, thì bắt con học như hành hạ, như tra tấn. Con còn nhỏ xíu được điểm 10 là về khoe cả làng, khoe trên phây, làm như con mình là thiên tài mới giáng thế không bằng.
Nhà này thấy nhà kia cho con đi học thêm, là lo lắng chạy vạy cho con mình học thêm, sợ thua thiên hạ mất mặt. Thế là cả nước đi học thêm, trách ai bây giờ?
Nhà này thấy nhà kia cho con vào trường chuyên, thì cũng chạy trối chết cho con vào trường chuyên lớp chọn, sợ mai mốt thua con người ta. Tuổi thơ, tuổi thần tiên của bao nhiêu đứa trẻ đã bị cha mẹ tước đoạt, chính vì chúng bị nhốt trong những phòng học thêm, phòng luyện thi và các trường chuyên lớp chọn đó.
Mấy ai biết rằng, một đứa trẻ cần sự phát triển đồng đều, toàn diện từ thể chất, tinh thần, tri thức, thẩm mỹ, không phải nhồi nhét những kiến thức trong sách giáo khoa và những điểm 10.
Và còn nữa, nhà này thấy nhà khác cho con du học, là sốt ruột kiếm tiền cho con đi, chẳng biết con mình sức lực thế nào, ra nước ngoài học ra sao, trường nào, ngành nghề gì. Họ quyết tâm cho con du học để bằng thiên hạ, để cha mẹ nở mày nở mặt. Tất nhiên có những người cho con đi du học rất có chí hướng, thành công, nhưng không phải ai cũng vậy.
Thôi, tóm lại là zầy cô giáo nhé. Tui là chủ doanh nghiệp, chưa bao giờ tuyển dụng nhân sự mà tui quan tâm người đó hồi xưa học trường chuyên hay lớp chọn, chẳng quan tâm có bao nhiêu điểm 10, chẳng quan tâm nhiều lắm về tốt nghiệp đại học như thế nào, mà là tư chất và kỹ năng làm việc của họ. Trong quá trình làm việc, họ sẽ thể hiện phẩm chất, năng lực, kỹ năng, đặc biệt là tư duy sáng tạo.
Tui cần những bộ óc đưa ra cái mới, không cần những bộ óc nhớ lại cái cũ.
Chào chị nhé, chúc chị sức khỏe, vui vẻ.
Trần Quí Thanh
(Hãy gửi thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)