Trần Quí Thanh
—–
Thông tin lũ quét từ các tỉnh phía Bắc mấy ngày qua bắt buộc mỗi chúng ta đều phải suy nghĩ, chúng ta đã làm gì để thiên nhiên nổi giận như vậy.
Mỗi năm, lũ quét hung hãn hơn, bất ngờ hơn và tàn phá nhiều hơn. Tui không dám xem kỹ mà chỉ lướt qua những bức ảnh xác người bị vùi trong bùn đất, nhất là trong đó có xác của những đứa trẻ. Nhìn những tấm ảnh đó tui có cảm giác như mình cũng là người có lỗi.
Còn nữa, tài sản, nương rẫy, vật nuôi ky cóp cả năm bỗng dưng trôi đi trong chốt lát. Người dân vùng đất này cứ phải góp hụi cho thiên tai mỗi năm bằng chính tài sản và mạng sống của mình.
Vậy thì vấn đề đặt ra là làm sao để ngăn chặn thiệt hại từ thiên tai, làm sao để hạ bớt cơn giận dữ của thiên nhiên? Chúng ta không thể ngăn một trận mưa lớn, nhưng chúng ta có thể chủ động bảo vệ con người và tài sản tối đa. Không thể để dân mình chết đau thương như vậy.
Việc ngắn hạn phải làm, đó là chính quyền các địa phương không thể để người dân muốn làm nhà ở đâu cũng được. Đa số người dân không có kiến thức, xén mặt bằng dưới chân núi làm nhà ở, hoặc chọn những địa điểm thuận lợi trong sinh hoạt, nhưng lại là những nơi nguy hiểm khi có lũ quét. Nếu thống kê các trường hợp bị thiệt hại nặng về người và tài sản, chắc chắn là những họ sống ở điểm nguy hiểm đó.
Kiên quyết ngăn chặn nạn phá rừng trên phạm vi toàn quốc, không chừa một địa phương nào. Không lấy bất cứ lý do gì để khai thác bừa bãi. Kiểm soát chặt các dự án thủy điện, chúng ta không thể thiếu điện để sinh hoạt và sản xuất, nhưng lựa chọn địa điểm để xây nhà máy và bảo vệ được rừng thì cần có trí tuệ và tâm huyết. Nếu chỉ vì cái lợi nhất thời thì giá trả cho phá rừng là mọi thời.
Về lâu dài, không còn cách nào hơn là tái tạo rừng. Chúng ta đã phá rừng và cái giá phải trả là những cơn lũ quét dữ dội, vậy thì chúng ta phải trả thiên nhiên lại cho thiên nhiên, những rừng cây đó là phên giậu tốt nhất để ngăn giặc thiên tai.
Triển khai ngay lập tức các dự án khôi phục rừng phòng hộ, chú trọng khu vực đầu nguồn. Ưu tiên ngân sách cho các dự án trồng rừng. Đất nào thì cây đó, hãy trả lại đúng vùng sinh thái của các loài cây, không tùy tiện can thiệp vào thiên nhiên mà phải thuận theo lẽ của trời đất.
Nếu làm ngay, làm kiên trì, khoa học, thì sau 10 năm sẽ có tác dụng ngăn lũ, 20 – 50 năm sau con cháu chúng ta sẽ không chịu thảm cảnh như bây giờ. Nên nhớ rằng, chống biến đổi khí hậu và nước biển dâng mà tiếp tục phá rừng thì coi như mọi cố gắng đều vô ích.
Không phải lũ quét ở tỉnh nào thì trồng rừng ở tỉnh đó, mà làm đồng bộ, thiên nhiên có cơ thể chung, không chỉ là một quốc gia, mà có khi phá rừng ở quốc gia này sẽ làm tổn thương đến môi trường ở quốc gia khác. Cho nên, tập trung trồng cây trọng điểm ở các rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, nhưng phủ xanh thì cả nước Việt Nam.
Sài Gòn ngày 27/06/2018
TQT
Bài đọc thêm,Link: Cần một “Hội nghị Diên Hồng” bàn quyết sách cho vùng lũ quét
(http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/can-mot-hoi-nghi-dien-hong-ban-quyet-sach-cho-vung-lu-quet-459071.html)