Trần Quí Thanh
—–
Gian lận thi cử không chỉ xảy ra ở Hà Giang, mà phát hiện thêm ở Sơn La, còn nhiều địa phương khác có dấu hiệu bất thường về kết quả điểm thi. Điều này cho thấy, kỳ thi THPT quốc gia năm nay không nghiêm túc, nhiều sai sót và tiêu cực.
Một vụ khởi tố hình sự ở Hà Giang đủ để nói lên điều đó, tui không dám nói quá sự thật.
Gian lận trong thi cử ở phạm vi rộng và nghiêm trọng như vụ này quả thật xưa nay hiếm. Và cũng từ đây, cho thấy đạo đức xã hội có vấn đề. Tui chỉ nói “có vấn đề” để mọi người cùng suy nghĩ.
Trước hết là đạo đức của nhà giáo, những người có trách nhiệm trong quản lý, giám sát thi cử, lại là những người vì động cơ khác nhau, đã nâng điểm cho các thí sinh theo “hợp đồng”.
Kế đến là đạo đức của các phụ huynh, những người yêu cầu các thầy giáo thực hiện “hợp đồng” nâng điểm để con mình đỗ cao, vào được các trường đại học danh giá.
Và sau cùng là đạo đức của những học sinh chấp nhận sự gian dối này để vào được trường đại học như ý muốn. Nhiều ý kiến cho rằng các em không có lỗi, nhưng tui nghĩ khác, vấn đề không phải là tội lỗi, mà là nhân cách, phẩm giá của con người. Ở lứa tuổi 18, các em có quyền từ chối mình được nâng điểm, để tự bước chân vào đại học bằng năng lực thật sự của mình. Tui tin rằng, có những học sinh có phẩm chất như vậy, nhưng chúng ta không biết đến mà thôi.
Mọi người thử hình dung xem, những học sinh biết cha mẹ mình dùng tiền và quyền để mua điểm cho mình vào đại học mà vẫn đồng ý thực hiện “hợp đồng”, thì sau này, khi được cha mẹ nâng đỡ để ra làm quan, các em đó sẽ ứng xử như thế nào. Một người trưởng thành từ sự gian dối thì sẽ hành động với người khác như mình từng phải làm để tiến thân, chỉ có tiền bạc là câu trả lời thay cho tất cả.
Để chấn chỉnh nạn “sinh đồ ba quan”, tui đề xuất hai chuyện.
Một là rà soát lại toàn bộ kết quả kỳ thi trên phạm vi toàn quốc, trả điểm thi về điểm gốc để đảm bảo công bằng cho các thí sinh khác, đặc biệt là tính đầu vào đại học.
Hai là nơi nào sai phạm thì xử những người có có hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật cao nhất, nếu chưa đến mức khởi tố hình sự thì đuổi ra khỏi ngành. Những cán bộ lãnh đạo có con mua điểm, cũng phải xử lý kỷ luật để giữ nghiêm phép nước.
Tui nhớ chuyện xưa, khoa thi Hội năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), có con trai Lê Quý Đôn là Lê Quý Kiệt và thần đồng văn thơ Đinh Thì Trung tham gia. Hai người này đánh tráo bài thi và bị phát hiện, nên cả hai bị hủy bỏ kết quả thi, tước hết bằng cấp. Đinh Thì Trung bị xử đày ra vùng Đông Hải, còn Lê Quý Kiệt bị tống giam. Sau bị đuổi về quê và bị cấm không được đi thi nữa.
Không xử nghiêm vi phạm gian lận thi cử thì không thể có một nền khoa cử có chất lượng và đảm bảo công bằng.
Sài Gòn ngày 22/07/2018
TQT
Bài Đọc thêm, Link: Bùng nổ gian lận thi cử, sẽ không chỉ có một mình Vũ Trọng Lương
(https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bung-no-gian-lan-thi-cu-se-khong-chi-co-mot-vu-trong-luong-619901.ldo)