Quang Niên/ Báo Khám Phá
Ngày này 40 năm trước, phi công Phạm Tuân trở thành người Việt Nam và châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Gần nửa thế kỷ trôi qua, bộ ảnh hiếm ngày nào vẫn còn nguyên giá trị.
Ngày 23/7/1980, khi đất nước vừa kết thúc chiến tranh chưa được bao lâu, anh hùng trong chiến tranh Phạm Tuân đã cùng bay vào vũ trụ với phi hành gia Viktor Gorbatko trong chương trình vũ trụ quốc tế Interkosmos. Sự kiện này đưa ông trở thành người Việt Nam và châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ.
Thời chiến tranh, Phạm Tuân là người đầu tiên bắn hạ máy bay B-52 của Mỹ từ trên không và an toàn quay trở về vào năm 1972. Chiến tích này của ông được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi điện khen và được phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam năm 1973.
Phi công Phạm Tuân vào đêm 27/12/1972 trước khi cất cánh thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Huu May/Epizodyspace RU.
Sau hòa bình, Phạm Tuân được cử đi học tại Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô) năm 1977 và sau đó ông được chuyển sang đào tạo chuyên về hàng không vũ trụ. Năm 1979, chàng quân nhân trẻ tuổi 32 được chọn vào phi hành đoàn thứ 6 của chương trình Intercosmos cùng người dự bị Bùi Thanh Liêm.
Phi hành gia Phạm Tuân trong thời gian ở Liên Xô và luyện tập trước giờ G. Ảnh: Huu May/Epizodyspace RU.
Để được chọn trở thành phi hành gia của phi vụ, cả phi công Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm đều được huấn luyện trong thời gian 16 tháng. Cả hai người đều có cơ hội như nhau để bay vào vũ trụ nhưng chỉ có một người được chọn. Ngày 20/7 tức là chỉ 3 ngày trước khi bay, cơ quan mới thông báo Phạm Tuân là người được chọn.
Phạm Tuân và Gorbatko trong quá trình tập luyện. Ảnh: TTXVN.
Sau này, phi hành gia Phạm Tuân chia sẻ thời gian tập luyện 16 tháng là rất ít so với thông thường trên 2 năm. Dù khó khăn là thế nhưng chuyến bay lên vũ trụ cũng không hề được bay thử hay bay kèm, tất cả đều phụ thuộc vào điều khiển từ trung tâm chỉ huy mặt đất và các phi công chỉ biết được qua trao đổi với chỉ huy.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm phi công Phạm Tuân tại trung tâm huấn luyện phi công vũ trụ. Ảnh: TTXVN.
Sứ mệnh Soyuz 37 được phóng lên vũ trụ vào 21:33 (giờ Moscow) ngày 23/7 từ Sân bay vũ trụ Baikonur, hướng thẳng đến trạm vũ trụ Salyut 6. Đây là lần phóng thứ 13 và lần kết nối thành công thứ 11 của tàu vũ trụ Soyuz với trạm.
Từ trái sang là Viktor Gorbatko, Phạm Tuân và hai phi hành gia dự bị Bùi Thanh Liêm, Valery Bykovsky chụp ảnh bên cạnh Soyuz 37. Ảnh tư liệu.
Khi đã vào quỹ đạo, tàu vũ trụ chuyển động với vận tốc 7,9 km/giây. Ở độ cao và điều kiện này, mọi phép đo kiểm về sức khỏe của phi công khi thực hiện ở mặt đất dù tốt đến đâu cũng không đảm bảo được điều gì. Dù thế, chuyến bay vẫn diễn ra thành công và con tàu đã kết nối được với trạm không gian.
Trạm điều khiển mặt đất của phi vụ Soyuz 37, đưa người Việt Nam đầu tiên lên vũ trụ. Ảnh: Dao Tung/Epizodyspace RU.
Ngoài phi hành gia chính, sự kiện còn có sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và báo giới trong nước đến Liên Xô. Theo lời kể của các ký giả, sau 9 phút từ khi tàu đến quỹ đạo tầm thấp Trái Đất, chuyên gia mặt đất không nhận được tín hiệu từ tàu và lập tức không khí u ám bao trùm. Không lâu sau, hình ảnh xuất hiện và cả phòng vỡ òa cảm xúc.
Các chuyên gia và nhà báo Việt Nam tại phòng điều khiển của phi vụ. Ảnh: Dao Tung/Epizodyspace RU.
8 ngày trong vũ trụ là những ngày đặc biệt nhất trong cuộc đời ông. Đồ ăn được sản xuất riêng cho những nhà du hành, nước uống chỉ được dùng một lượng rất hạn chế và nếu không cẩn thận khi dùng các giọt nước lớn sẽ bay ra lơ lửng quanh mình. Đi vệ sinh thì cũng phải sử dụng thiết bị đặc chủng. Khi ngủ phải chui vào túi được buộc kỹ vào khoang tàu.
Phi hành gia Valery Ryumin (áo xanh trắng) làm việc trong trạm không gian từ trước đó, đón Phạm Tuân và Viktor Gorbatko sau khi tàu “cập cảng” thành công. Ảnh: Gctc RU.
Trong thời gian ở trạm không gian Salyut 6, Phạm Tuân tiến hành khoảng 30 thí nghiệm khoa học khác nhau về vật lý vũ trụ, y sinh học vũ trụ, luyện kim trong môi trường không trọng lượng, quan sát chung nhiều vùng lãnh thổ trong đó có Việt Nam. Khi nhìn thấy đất nước mình từ trên cao, ông cảm thấy rất đẹp và rất tự hào, mong muốn có người Việt Nam thứ 2 làm được việc đó.
Phi hành gia Viktor Gorbatko và Phạm Tuân tham gia chuyến bay của chương trình Interkosmos năm 1980. Ảnh: Roscosmos.
Trong 2 tuần, ông đã thực hiện tổng cộng 142 vòng quỹ đạo quanh Trái Đất. Hai phi hành gia lên đường trở về Trái Đất và hạ cánh tại Sân bay Baikonur ngày 4/8/1980. Sau chuyến bay, ông vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô kèm theo đó là Huân chương Lenin.
Phóng viên báo đài Liên Xô phỏng vấn hai nhà du hành vũ trụ vừa hoàn thành sứ mệnh của mình. Ảnh: Nhat Nam.
Từ năm 1999, ông mang quân hàm Trung tướng không quân, đến năm 2000 giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng. Năm 2002, ông được bầu làm Chủ tịch Ngân hàng Quân Đội và về hưu năm 2008 theo quy định của Chính phủ, hoàn thành tốt những nhiệm vụ được giao.
Phi hành gia Phạm Tuân nhận huân chương từ Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev tại Điện Kremlin. Ảnh: Roscosmos.
Nói về những người đồng đội của mình, Trung tướng Phạm Tuân luôn nhắc đến phi công Bùi Thanh Liêm, người không được may mắn bay vào vũ trụ như ông và đã hy sinh trong một chuyến huấn luyện phi công trên biển năm 1982. Ông và các cựu chiến binh của Quân chủng Phòng không Không quân vẫn thường đến thăm hỏi gia đình phi công Bùi Thanh Liêm vào bất cứ lúc nào có thể chứ không chỉ riêng ngày mất và 27/7 hàng năm.
Ảnh tư liệu chụp năm 1981 có chữ ký của anh hùng Phạm Tuân (lúc này mang hàm Thượng tá) cùng nhà du hành Viktor Gorbatko.
Trong hồi ký của Viktor Gorbatko, ông chia sẻ khoảnh khắc tàu bay qua Việt Nam: “Tuân đã nhìn thấy quê hương ruột thịt của mình. Trái Đất đang bao phủ bởi bóng đêm, nhưng những vầng sáng như được thắp lên dành riêng cho anh, giúp nhận thấy được quê nhà của mình. Anh nhìn xuống đó hồi lâu, tôi hiểu rằng biết bao cảm xúc đang dâng tràn lên trong tâm hồn của ‘Tuân thép’ lúc đó.”
NGUỒN: Theo Báo Khám Phá
Link bài: Ảnh hiếm….
http://khampha.vn/khoa-hoc-