Thiếu hụt lao động
Đến thời điểm này, toàn bộ gần 3.000 công nhân của Công ty cổ phần May Sài Gòn 3 đã được tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 1, 30% đã tiêm mũi 2. Công ty đang mong chờ được khôi phục sản xuất.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị May Sài Gòn 3 cho biết, từ tháng 8 đến nay, Công ty chỉ tổ chức sản xuất cho bộ phận hoàn tất đơn hàng giao gấp và triển khai phương thức “3 tại chỗ” cho bộ phận thiết kế, may mẫu để chuẩn bị cho đơn hàng mới.
Công ty chỉ có 5% công nhân đang hoạt động (khoảng 150 công nhân), do cơ sở vật chất không đáp ứng được các điều kiện về phòng, chống dịch theo quy định.
Hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng hoạt động là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp trong vùng dịch thời gian qua, do không đảm bảo việc ăn, ngủ tại chỗ cho công nhân tại nhà máy.
Tại Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin, có gần 10.000 doanh nghiệp đóng cửa. Đặc biệt, trong tháng 8 vừa qua, cả vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn chưa đến 250 doanh nghiệp hoạt động, nhưng năng lực hoạt động của các doanh nghiệp này cũng chỉ đạt 20 – 40% công suất thiết kế.
Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc, cũng vì không đủ điều kiện cho sản xuất “3 tại chỗ” mà đóng cửa từ đầu tháng 7 đến nay. Trong khi đó, tại Công ty cổ phần Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (mã TTF), số lượng công nhân đi làm chỉ đạt 25%, tương ứng chỉ sản xuất với 25% công suất.
Công ty cổ phần Đầu tư – Thương mại – Dệt may Thành Công (mã TCM) dù đơn hàng xuất khẩu dồi dào, nhưng với việc tổ chức hoạt động “3 tại chỗ” từ ngày 9/7/2021 theo quy định, chỉ 50% công nhân, tương ứng khoảng 2.000 người được huy động làm việc. Công suất sụt giảm, nhiều đơn hàng không đáp ứng đúng tiến độ, Công ty phải xin khách hàng cho lùi thời hạn giao hàng…
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị TCM cho biết: “TCM đang mong từng ngày được khôi phục sản xuất như cũ. Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để trở lại sản xuất bình thường khi chính quyền cho phép, bởi điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ chân khách hàng, tránh đứt gãy đơn hàng”.
Được biết, hiện số công nhân của TCM đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 mũi 1 đạt tỷ lệ 90%, một số công nhân đang được tiêm mũi 2.
|
Dẫu vậy, để khôi phục sản xuất, các doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, thép… đang đối mặt với thách thức lớn, đó là tình trạng thiếu hụt nhân công.
Ông Bùi Như Việt, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gỗ Long Việt cho biết, nhiều công nhân của Công ty về quê tránh dịch và mắc kẹt luôn ở quê.
Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc cũng có chung nỗi lo này.
Số liệu được ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, khi các công ty dệt may tại khu vực Đông Nam Bộ được vận hành sản xuất trở lại, dự kiến chỉ còn khoảng 60% lao động.
Cạn kiệt dòng tiền
Sau một thời gian dài gồng sức tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” để tránh đứt gẫy sản xuất, vi phạm thời hạn giao hàng, gánh nặng chi phí đã khiến nhiều doanh nghiệp kiệt quệ. Trong khi doanh nghiệp phát sinh thêm nhiều chi phí như xét nghiệm (3 ngày test Covid-19 một lần theo quy định), chi phí an ninh, ăn, ở và hỗ trợ thêm thu nhập cho người lao động và chi phí nguyên vật liệu và vận chuyển đều tăng thì năng suất lao động lại giảm.
Có doanh nghiệp tính toán, so với sản xuất “3 tại chỗ”, việc đóng cửa ngừng sản xuất đỡ thiệt hại hơn. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ chỉ cố gắng duy trì mô hình này tới cuối tháng 9/2021.
Doanh thu suốt 2 tháng qua sụt giảm mạnh, có nhiều doanh nghiệp doanh thu gần như bằng 0, trong khi vẫn duy trì trả lương tối thiểu để giữ chân người lao động, trả lãi suất ngân hàng. Dòng tiền kinh doanh thiếu hụt, thậm chí sẽ âm nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài.
Áp lực dòng tiền đang vấn đề lớn mà các doanh nghiệp phải đối mặt. Theo ông Nguyễn Thanh Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Thiên Lộc, Công ty đang lo trả lãi các khoản nợ cũ và rất khó để vay mới.
“Dòng tiền được ví như máu của doanh nghiệp nhưng bây giờ không được cấp máu, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Nếu hợp đồng tín dụng còn thời hạn thì có thể vay được, còn hợp đồng đến hạn thì doanh nghiệp chỉ lo trả nợ và giãn nợ”, ông Nghĩa than thở.
Khảo sát trực tuyến của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) với 21.517 doanh nghiệp, kết quả cho thấy, 40% doanh nghiệp đang tạm dừng hoạt động cho rằng họ chỉ còn tiền để duy trì hoạt động ít hơn 1 tháng. Tỷ lệ này ở các doanh nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh là 17,7%.
Khảo sát cũng cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp có dòng tiền hiện tại có thể giúp duy trì hoạt động từ 1 đến dưới 3 tháng là tương đồng giữa nhóm doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” và nhóm doanh nghiệp đang “duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh”, đều quanh mức 46%.
Con số này có thể có hàm ý, doanh nghiệp “tạm ngừng hoạt động do dịch” có thể tiếp tục tồn tại hay không phụ thuộc khá nhiều vào khả năng được phép hoạt động trở lại hay không.
Nếu nhóm doanh nghiệp đang “tạm ngừng hoạt động do dịch” chỉ có dòng tiền đủ để duy trì hoạt động từ “1 đến dưới 3 tháng” mà vẫn tiếp tục ở trong các khu vực đang thực hiện cách ly, giãn cách thì xác suất rơi vào nhóm doanh nghiệp giải thể là rất cao, vì họ không có nguồn tiền từ bên ngoài bổ sung dưới mọi hình thức.
“Phải sớm được hoạt động trở lại, doanh nghiệp mới có dòng tiền. Doanh nghiệp tăng công suất, tăng đơn hàng, sẽ sớm phục hồi lại”, ông Trần Như Tùng nhấn mạnh.
Bên cạnh việc xử lý các áp lực hiện hữu, doanh nghiệp cũng nỗ lực tìm giải pháp để vượt qua khó khăn.
Bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, tập đoàn mong ngóng đại dịch Covid-19 sớm được kiểm soát để thị trường trở lại trạng thái bình thường. Công ty đang thực hiện “3 tại chỗ” và nỗ lực cải tiến quy trình để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp và khó lường đã và đang buộc lãnh đạo các doanh nghiệp phải phản ứng nhanh để mọi quyết định được đưa ra nhanh chóng, đưa tổ chức sớm thích ứng với tình hình mới.
NGUÔN: Theo Báo Đầu Tư Chứng khoán
Link bài: Áp lực…
https://tinnhanhchungkhoan.vn/