Nguyễn Lương / Tiền Phong
G iá xăng dầu hiện đã tăng hơn 70% so với cuối năm 2021 trong bối cảnh tiêu dùng năng lượng toàn cầu tăng cao.
Khi giá xăng, dầu tăng vọt, người tiêu dùng phải gồng mình chống chọi với những đợt sóng lạm phát ập đến. Còn doanh nghiệp vừa thoát khỏi khó khăn do dịch bệnh COVID-19 thì nay lại đối mặt áp lực chi phí vận hành, đội giá sản xuất và hiệu quả hoạt động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Mới đây, ông Jamie Dimon – Giám đốc điều hành của JPMorgan Chase & Co – cho rằng giá dầu có khả năng chạm mức 150-175 USD/thùng. Ngân hàng đầu tư Phố Wall thừa nhận đang chuẩn bị cho một “cơn bão kinh tế”.
Nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại là một lời nhắc nhở rằng thế giới vẫn còn phụ thuộc phần lớn vào nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt. Xu hướng này được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều thập kỷ, và có lẽ đã đến lúc cần nghiêm túc thực hiện các chính sách hợp lý để khuyến khích những doanh nghiệp có khả năng tăng tốc đầu tư vào năng lượng tái tạo. Đấy là con đường hoàn toàn đúng đắn.
Lấy nhu thắng cương
Tại miền tây, từ nhiều năm trước đã có nhà đầu tư tiên phong “dấn thân” vào lĩnh vực năng lượng sạch, trong khi thời điểm đó chưa doanh nghiệp nào để mắt đến. Khái tính, đơn vị này đã bỏ ra gần 8.000 tỷ để lần lượt xây dựng 3 Nhà máy điện mặt trời (ĐMT) có tổng công suất trên 261 Mwp, ở 3 tỉnh: Đồng Tháp, Long An và An Giang.
Hành trình đó đã được lãnh đạo đơn vị chia sẻ:”Sau nhiều năm nghiên cứu, cuối 2016, chúng tôi quyết định hợp tác với Tập đoàn Koyo – Nhật Bản đầu tư gần 2 triệu USD để lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái trên nóc nhà xưởng Cty Cổ phần Đầu tư & Phát triển đa quốc gua (IDI), công suất 1,06 Mwp. Hệ thống được khánh thành vào tháng 5/2017 được xem Nhà máy ĐMT áp mái đầu tiên và có công suất lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ. Từ đó đến nay hệ thống đã tiết kiệm khoảng 400 triệu tiền điện/tháng cho IDI. Song điều lớn hơn cả là Cty này được các đối tác nước ngoài đánh giá rất cao về việc ứng dụng năng lượng sạch vào sản xuất thuỷ sản sạch xuất khẩu”.
Một thời gian ngắn sau đó, Nhà đầu tư còn chi phối thành công Cty Europlast ở tỉnh Long An để vận hành Nhà máy ĐMT có công suất 50Mwp.
Điểm nhấn là Nhà máy ĐMT An Hảo rất nổi tiếng, có vốn đầu tư trên 6000 tỷ đồng, công suất phát điện 210MWp, trải rộng trên diện tích khoảng 275 ha, tại huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang được xây dựng thần tốc trong 9 tháng. Công trình đã bổ sung cho lưới điện An Giang gần 400 triệu kWh/năm trong hoàn cảnh Việt Nam đang thiếu điện, đặc biệt là nguồn điện sạch.
Trên diện rộng, lượng điện năng sản xuất từ các Nhà máy ĐMT của Tập đoàn Sao Mai đạt gần 500 triệu KWh/năm. Trong 10 năm tới sẽ có tổng công suất phát điện ước đạt 2,5 tỷ KWh/năm – những con số thật đáng khâm phục.
“Nhà máy Điện Mặt trời An Hảo vận hành đạt hiệu quả rất cao”, bà Christine Gandomi – Giám đốc Điều hành Văn phòng Môi trường & Năng lượng thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tại Việt Nam khẳng định.
Tiếp nối thành công đó, nhà đầu tư đang xúc tiến các thủ tục để triển khai dự án ĐMT tại Đăk Lăk vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, diện tích 352 ha, công suất 450 MWp; Nhà máy năng lượng mặt trời tại Đắk Nông vốn đầu tư 12.000 tỷ đồng, diện tích 854 ha, công suất 875MWp và 1 dự án điện gió ở khu vực miền Trung.
“Ông Trời” đã ban tặng cho đất nước ta nguồn tài nguyên thiên nhiên nắng – gió vô tận, thân thiện với môi trường và hoàn toàn miễn phí – một tiền đề trải thảm đỏ để phát triển điện sạch. Chính phủ chỉ cần ban hành chính sách phù hợp, giới chuyên gia và các Bộ – ngành TW cần xem đây là xu hướng tất yếu để hóa giải bài toán an ninh năng lượng trong bối cảnh giá xăng dầu cứ “lên cơn sốt” vù vù.
Nhà đầu tư có thực lực được chứng minh qua những công trình đạt hiệu quả từ thực tiễn, họ đang rất cần cơ chế “mở van” mang tính đột phá. Hãy để họ được tham gia đấu giá phát điện cạnh tranh theo chủ trương của Chính phủ trong thực hiện quy hoạch điện VIII sắp tới.
Nguồn: https://tienphong.vn/ap-luc-tu-cu-soc-gia-xang-dau-post1447782.tpo