Ba dấu hiệu quan trọng để doanh nghiệp quyết định tái cấu trúc

Trần Quí Thanh

Nguồn hình: bsc.com.vn

—–

Kính gửi chú Dr Thanh

Cháu vừa đọc bài nói về tái cấu trúc của chú, mê luôn chú ơi. Tuy vậy cháu muốn nói rõ hơn khi nào thì doanh nghiệp cần tái cấu trúc, tức một doanh nghiệp có những dấu hiệu cụ thể nào cho thấy doanh nghiệp này có vấn đề, cần phải tái cấu trúc ạ.

Mong chờ ý kiến của chú ạ.

Kính chú

Lê Toàn Tâm (Sài Gòn): tamsaigon_1982@gmail.com

—–

Lê Toàn Tâm mến!

Trong bài “Tái cấu trúc là đòi hỏi tự thân, không làm theo phong trào” mà cháu đã đọc, chú có nhấn mạnh một ý, đó là khi đã có báo cáo đánh giá về doanh nghiệp một cách khoa học, đáng tin cậy, lúc đó mới tiến hành tái cấu trúc.

Việc đánh giá, phân tích toàn diện tình hình “sức khỏe” của doanh nghiệp chính là tìm ra những dấu hiệu cụ thể cho thấy doanh nghiệp có vấn đề cần phải tái cấu trúc hay không như cháu đặt vấn đề đấy.

Dấu hiệu thứ nhất là sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có bán được không, thị trường có chấp nhận không. Nếu doanh số giảm sút, tăng trưởng âm thì dứt khoát phải tính đến một sự thay đổi. Đó là thiết kế sản phẩm, dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Dấu hiệu thứ hai là bộ máy quản lý có vận hành hiệu quả không. Nhiều người nhưng ít việc, công việc ngưng trệ, chồng chéo, thủ công. Dẫn đến chi phí gián tiếp cao, dư thừa nhân sự, quỹ lương ngày càng tăng trong khi lợi nhuận giảm. Với những dấu hiệu này, bắt buộc phải cải tổ hệ thống hành chính, ứng dụng công nghệ trong quản lý, cắt giảm nhân sự, cắt giảm chi phí bất hợp lý, tăng hiệu quả trong hoạt động của cả bộ máy từ cấp lãnh đạo đến từng phòng ban, dây chuyền sản xuất.

Dấu hiệu thứ ba chính là tình hình tài chính của doanh nghiệp. Trong bài trước, chú có lưu ý về hệ thống tài chính kế toán và các nguồn lực liên quan, nghĩa là chuyện tiền nong, tài sản. Phải dựa trên thực lực về tài chính mới tính toán được việc tái cấu trúc. Những thay đổi phù hợp với năng lực tài chính, kiểm soát được rủi ro, cân bằng được thu chi, trả nợ vay. Nếu không đủ lực, phải vay quá nhiều, vượt khả năng thanh toán, thì có thể bị sập tiệm ngay trong quá trình tái cấu trúc.

Căn cứ vào ba dấu hiệu căn bản trên, doanh nghiệp có thể quyết định tái cấu trúc. Còn khi tiến hành tái cấu trúc, đòi hỏi phải có các điều kiện, quy trình, kế hoạch kèm theo.

Tái cấu trúc không phải là thay đổi một vài hoạt động của doanh nghiệp, cải tiến một quy trình sản xuất hay tối ưu hóa một cỗ máy, mà là thay đổi toàn diện mang tính chiến lược, lâu dài, bền vững.

Vậy cháu nhé, chúc cháu thành công.

Trần Quí Thanh

(Hãy viết thư cho tôi: tranquithanh1953@gmail.com)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *