Ba điểm sáng của Chính phủ điện tử

Trần Quí Thanh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

—–

Một trong những nội dung hoạt động của Chính phủ kiến tạo được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra là xây dựng cho được Chính phủ điện tử.

Tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu có vướng mắc gì thì nói ra để cùng giải  quyết, trên tinh thần là quyết tâm làm cho được.

Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử là để đạt được mục đích chuyển từ quản lý sang phục vụ và kiến tạo.

Trên thực tế, đã có một số địa phương bắt tay vào xây dựng chính quyền điện tử như Quảng Ninh, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Phú Yên và đã có những thành công bước đầu, nhưng chưa có địa phương nào xây dựng được chính quyền điện tử hoàn chỉnh.

Chính quyền điện tử là gì? Câu trả lời đơn giản nhất là dẹp bỏ hình thức hoạt động thủ công để thay bằng hệ thống công nghệ thông tin để cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp. Mối quan hệ Nhà nước – công dân được thực hiện qua hệ thống dữ liệu số và công cụ công nghệ thông tin sẽ minh bạch, công khai và tiết kiệm thời gian cho xã hội.

Yếu tố minh bạch, công khai cực kỳ quan trọng, bởi vì sẽ loại bỏ hoàn toàn tình trạng xin – cho, nhũng nhiễu, hạch sách. Đây là mơ ước của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Các giao dịch công được thực hiện qua internet, không có “mặt đối mặt”, cứ tự động theo hệ thống được thiết kế thì sẽ không công chức nào có cơ hội để hạch sách. Đây chính là điểm sáng của chính quyền điện tử.

Một vấn đề đau đầu là giảm biên chế, dù đã có nhiều cố gắng nhưng bộ máy từ trung ương đến các địa phương cứ phình ra, đơn giản vì hoạt động thủ công. Còn với chính quyền điện tử, thì không cần phải nhiều người như hiện nay, chỉ  ¼ là vận hành ngon lành. Đây là điểm sáng thứ hai, và cũng là mối đe dọa với nhiều công chức đang sống bằng cách “sáng cắp ô đi tối cắp về”.

Khi thu gọn bộ máy nhân sự, hoạt động qua hệ thống kết nối trên internet, người dân ngồi ở nhà cũng giao dịch công được, thì sẽ tiết kiệm rất lớn cho chi tiêu công cũng như chi tiêu cho toàn xã hội. Đây là điểm sáng thứ ba.

Xây dựng được Chính phủ điện tử và chính quyền điện tử các địa phương, lợi ích mang lại vô cùng to lớn cho quốc gia. Chắc chắn đất nước sẽ có một sự thay đổi và đột phá mạnh mẽ vì người dân, doanh nghiệp được giải phóng khỏi mọi rào cản, ràng buộc do bộ máy hành chính lạc hậu gây ra.

Chính vì lẽ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất quyết tâm trong việc xây dựng Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, phải đảm bảo hai tiêu chí, một là đảm bảo sự an toàn, hai là  tính kết nối của hệ thống. Thủ tướng chỉ đạo: “Nếu không, sau này chúng ta triển khai mà không kết nối được thì rất phức tạp, mô hình khác nhau, cách làm, thiết bị khác nhau là vấn đề rất lớn”.

Đúng là phải có sự kết nối trên toàn đất nước để thống nhất quản lý, vận hành hệ thống. Nếu để tình trạng địa phương nào có hệ thống riêng và “cát cứ” thông tin thì có thể có chính quyền điện tử nhưng không có Chính phủ điện tử.

 

Sài Gòn ngày 25/07/2019

TQT

Bài đọc thêm, link: Thủ tướng: Quyết làm cho được Chính phủ điện tử

(http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Thu-tuong-Quyet-lam-cho-duoc-Chinh-phu-dien-tu/371349.vgp)

Rate this post

Bài viết liên quan

Bình luận

Required fields are marked *